Kinh kịch Trung Hoa | |
---|---|
Từ nguyên | Bắc Kinh, Trung Quốc |
Tên khác | Tuồng Bắc Kinh, tuồng Tàu, kịch nghệ Trung Quốc |
Nguồn gốc từ loại nhạc | Côn khúc, tuồng |
Nhạc cụ điển hình |
|
Kịch Bắc Kinh (京劇/京剧) còn được gọi là kinh hí (京戲/京戏) hay hí kịch là một loại hình nghệ thuật ca kịch nổi tiếng của Trung Quốc, phát triển mạnh mẽ tại Bắc Kinh dưới triều đại Càn Long của nhà Thanh. Nó là kết quả của sự kết hợp giữa Huy kịch và Hán kịch. Kịch Bắc Kinh ra đời khi 'Bốn đoàn Huy kịch lớn' đến Bắc Kinh vào năm 1790 để chúc mừng sinh nhật lần thứ 80 của Càn Long. Ban đầu chỉ được biểu diễn cho triều đình và sau đó mới được công chúng biết đến. Vào năm 1828, một số đoàn kịch nổi tiếng từ Hồ Bắc đến Bắc Kinh và phối hợp với đoàn kịch An Huy, từ đó tạo nên âm điệu đặc trưng của Kịch Bắc Kinh. Mặc dù gọi là Kịch Bắc Kinh, nguồn gốc của nó lại nằm ở An Huy và Hồ Bắc, nơi có chung phương ngữ Quan Thoại Hạ Giang. Hai giai điệu chính của Kịch Bắc Kinh là Tây bì và Nhị hoàng, phát triển từ Hán kịch sau năm 1750. Giai điệu của Kịch Bắc Kinh tương tự như Hán kịch, do đó Hán kịch được coi là tổ mẫu của Kịch Bắc Kinh.
Diễn biến lịch sử
Lịch sử nghệ thuật sân khấu Trung Quốc cổ đại bắt đầu với ca kịch hay hí kịch, một thể loại diễn xuất kết hợp ca múa (ngâm khúc và vũ đạo), bao gồm cả các loại hình nghệ thuật pha trộn như kể chuyện, nhào lộn, xiếc, diễn hoạt kê (tiếu lâm hài hước), đối thoại trào lộng và võ thuật.
Trước thời nhà Đường, nghệ thuật sân khấu Trung Quốc được biết đến với tên gọi hí kịch.
Các thể loại kịch của Trung Quốc và các hình thức biểu diễn sân khấu tương tự ở các quốc gia như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam thường xoay quanh các nhân vật anh hùng trong truyền thuyết và lịch sử.
Vào thời nhà Đường, thể loại kịch Tham quân hí (hay còn gọi là Lộng tham quân) phát triển với hai nhân vật: một người mặc áo xanh chỉnh tề, thông minh và linh hoạt, gọi là Tham quân; còn người kia ăn mặc xuề xòa, ngốc nghếch, gọi là Thương cốt. Trong vở kịch, họ thường có những màn đối đáp hài hước. Tham quân là vai chính, Thương cốt là vai phụ, đôi khi Tham quân trở thành đối tượng để Thương cốt trêu chọc và đánh đập.
Đến thời nhà Tống, Tham quân hí chuyển thành Tạp kịch. Vai diễn chỉ còn hai người: Thương cốt (vai ngốc nghếch) được đổi tên thành Phó mạt, và Tham quân (vai thông minh) đổi tên thành Phó tịnh. Nam diễn viên cũng có thể hóa trang thành nhân vật nữ, gọi là Trang đán. Thời Nam Tống, Ôn Châu nổi tiếng với hí kịch và ca múa, sản sinh ra thể loại gọi là Nam hí (hí kịch Nam Tống).
Thời nhà Tống, nghệ thuật kịch không chú trọng đến vai nữ (Đán giác). Vai nữ được coi là «đệ tử» (con em). Nếu cả đoàn hát đều là nữ, thì gọi là «đệ tử tạp kịch». Vai chính là Chính đán, vai già là Lão đán, vai trẻ bao gồm Tiểu đán, Trà đán, Thiếp đán, v.v.
Trong thời nhà Nguyên, vai nữ (đán giác) lại được coi trọng hơn, tạo nên sự khác biệt rõ rệt giữa tạp kịch thời nhà Nguyên và thời nhà Tống.
Tạp kịch thời nhà Tống và nhà Nguyên đều mang tính chất hài hước và hoạt kê, nhưng tạp kịch thời nhà Nguyên còn đặc biệt nhấn mạnh việc chỉ trích thói đời và các vấn đề xã hội.
Tạp kịch thời nhà Nguyên đạt đến đỉnh cao trong suốt thế kỷ XIII-XIV. Trong giai đoạn này, nhiều nhà soạn kịch đã viết hàng trăm vở tuồng, nổi bật nhất là Quan Hán Khanh với khoảng 60 vở kịch.
Tạp kịch thời nhà Nguyên đã chuyển thể các tác phẩm văn học cổ đại Trung Quốc. Mỗi vở kịch thường có bốn hồi và đôi khi thêm phần phi lộ. Vai chính phải hát suốt vở kịch. Mặc dù nhạc phổ của Nguyên khúc không còn nguyên vẹn, nhưng hình ảnh và tư liệu còn lại cho thấy các loại nhạc cụ như sáo, trống, não bạt đã được sử dụng.
Các nhân vật trong tạp kịch thời nhà Nguyên bao gồm anh hùng, văn nhân, kỹ nữ, cường đạo, quan tòa, ẩn sĩ và các vai siêu nhiên như ma quỷ, v.v.
Cuối thời nhà Nguyên, thể loại Nam hí đã chuyển thành Truyền kỳ, tập trung vào các chủ đề tình cảm lãng mạn trong suốt 200 năm tiếp theo. Âm nhạc của Nam hí bao gồm các khúc hát dân gian và ca dao vùng quê với đặc điểm địa phương nổi bật. Vì vậy, trong Truyền kỳ, nghệ thuật diễn đã phát triển thành bốn giọng địa phương: Hải Diêm, Dặc Dương, Dư Diêu và Côn Sơn. Côn khúc, nhạc cụ của vùng Côn Sơn, chiếm ưu thế trên sân khấu từ cuối thời Minh.
Vào thời nhà Thanh, Côn khúc được đổi tên thành Nhã bộ, rất được các trí thức yêu thích. Khi Côn khúc suy tàn, các loại hí kịch địa phương bắt đầu phát triển mạnh mẽ, như Xuyên kịch của Tứ Xuyên, Tương kịch của Tương Dương, và Cống kịch, Huy kịch, v.v... Tất cả sau này được gọi chung là Kinh Kịch, đôi khi hiểu là loại hát kịch ở Bắc Kinh.
Ngày nay, giới trẻ Trung Quốc không còn mặn mà với loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền này nữa.
Kinh kịch thường có các màn nhào lộn, xiếc và diễn trò, nhưng không có vai trò trong võ thuật Trung Hoa. Tuy nhiên, võ thuật đã được tích hợp vào nghệ thuật này, làm phong phú thêm bức tranh văn hóa Trung Hoa.
Các diễn viên Kinh kịch, sau khi được đào tạo bài bản, thường chuyển sang làm diễn viên võ thuật trong điện ảnh. Ví dụ, Quan Đức Hưng là người đầu tiên đóng vai Hoàng Phi Hồng, Thành Long (Jackie Chan) làm mới phong cách phim võ hài cùng Hồng Kim Bảo, và Lục Tiểu Linh Đồng đóng vai Tôn Ngộ Không trong bộ phim truyền hình Tây du ký, chuyển thể từ tác phẩm của Ngô Thừa Ân thời Minh.
Kinh kịch đã làm phong phú thêm diện mạo của điện ảnh Hồng Kông và Trung Quốc hiện đại. Nhiều người cho rằng trong thể loại phim quyền cước của Hồng Kông, có sự phân biệt giữa võ thuật thực sự của các võ sư và quyền sư tham gia diễn xuất với võ thuật sân khấu của các diễn viên Kinh kịch chuyển thể.