1. Sỏi thận 4mm là nhỏ hay lớn?
Sỏi thận xuất hiện khi các chất dư thừa trong nước tiểu kết tinh thành các tinh thể muối khoáng. Các loại sỏi thận phổ biến bao gồm sỏi canxi, cystin, phosphate, acid uric, struvite,…
Nguyên nhân gây ra sỏi thận
Hầu hết các trường hợp sỏi tiết niệu bắt nguồn từ sự hình thành sỏi trong thận sau đó di chuyển xuống các cơ quan khác như bàng quang, niệu quản, niệu đạo. Sỏi thận hình thành có thể do những nguyên nhân sau:
- Chế độ ăn uống: Những người có thói quen ăn uống không khoa học như tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu oxalat, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, ăn nhiều muối, uống nước có gas thường xuyên hoặc ăn quá nhiều thịt đỏ, ít ăn rau, củ, trái cây và đặc biệt là thói quen uống ít nước mỗi ngày khiến lượng nước tiểu ít, cô đặc hơn làm lắng đọng các chất dư thừa, tăng nguy cơ tạo thành sỏi.
- Mắc bệnh đường tiết niệu: Những trường hợp đường tiết niệu bị nhiễm khuẩn kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, dị tật ở các cơ quan thận, bàng quang, niệu quản khiến nước tiểu không thể thoát hết ra ngoài và tồn tại lâu trong cơ thể và hình thành sỏi.
- Mắc bệnh lý khác: Người bị u xơ hay phì đại tuyến tiền liệt,… có thể dẫn đến tình trạng nước tiểu ứ đọng trong các khe tạo thành sỏi.
- Những nguyên nhân khác: Ngoài những lý do trên, sỏi thận có thể hình thành do chấn thương hệ tiết niệu, bệnh nhân nằm một chỗ, sử dụng kháng sinh lâu ngày,…
Các chất cặn bã trong nước tiểu lắng đọng lâu ngày sẽ tăng khả năng tạo sỏi
Kích thước của sỏi thận 4mm là nhỏ hay lớn?
Sỏi có kích thước càng lớn thì mức độ nguy hiểm và biến chứng càng cao. Đối với những viên sỏi thận 4mm, chúng được coi là nhỏ. Hầu hết các trường hợp sỏi thận <5mm thuộc giai đoạn mới hình thành, chưa gây ra biến chứng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể dễ dàng loại bỏ.
2. Sỏi thận 4mm có nguy hiểm không?
Sỏi thận 4mm chưa gây ra những vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân với sỏi thận kích thước nhỏ <5mm thường không có triệu chứng hoặc có biểu hiện mơ hồ. Điều này khiến cho người bệnh khó nhận biết bệnh có thể khiến sỏi phát triển và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Sỏi thận 4mm nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các vấn đề bao gồm:
- Xuất hiện đau, co thắt vùng bụng dưới, thắt lưng và hai bên hông, cơn đau lan rộng theo đường niệu quản xuống các phần dưới.
- Bệnh nhân có thể bị tiểu buốt, tiểu gắt, són tiểu, đi tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu ít, không đi niệu, tiểu có máu hoặc lẫn cặn, mủ,…
- Sỏi khiến nước tiểu không thể lưu thông thông thường, làm cho nước tiểu tích tụ trong thận, dần dần gây xơ hóa thận, giảm khả năng lọc máu và bài tiết. Nếu không khắc phục, điều này có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận, gây suy thận cấp hoặc mạn tính.
- Trong quá trình di chuyển, sỏi có thể gây tổn thương niêm mạc và dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu.
- Nước tiểu ứ đọng quá mức trong thận có thể gây căng thẳng và thậm chí làm vỡ thận, đe dọa tính mạng người bệnh.
Các dấu hiệu khi bị sỏi thận
3. Chẩn đoán và điều trị sỏi thận 4mm như thế nào?
Việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp loại bỏ hoàn toàn sỏi thận và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Chẩn đoán
Dựa trên các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm nước tiểu, siêu âm bụng, chụp X - quang, chụp CT,... để xác định có sỏi trong thận và đánh giá vị trí, kích thước của sỏi một cách chính xác.
Điều trị
Đối với các trường hợp sỏi thận 4mm không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, bác sĩ thường ưu tiên phương pháp điều trị nội khoa kết hợp với thay đổi lối sống để giúp cơ thể tự đào thải sỏi.
Ưu tiên điều trị nội khoa với bệnh nhân sỏi thận kích thước nhỏ
Theo từng tình huống cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc như giảm đau, giãn cơ trơn, kiềm hóa nước tiểu, sử dụng kháng sinh,… Đồng thời, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ sinh hoạt như sau:
- Uống đủ nước hàng ngày để kích thích tiểu tiết và giúp đẩy sỏi ra ngoài. Nên uống ít nhất 2,5 lít nước mỗi ngày.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, giảm ăn thịt, muối và thực phẩm giàu oxalat, bổ sung đủ canxi từ rau củ quả và nước ép.
- Giảm thiểu căng thẳng bằng các hoạt động như thiền, yoga và đọc sách, tránh làm việc quá sức hoặc mang nặng.
- Tập thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng và hoạt động chuyển hóa, nhưng không nên vận động quá mức để tránh mất nước và tạo cặn lắng.
- Định kỳ kiểm tra sức khỏe để theo dõi tiến triển bệnh và tuân thủ chỉ đạo điều trị của bác sĩ.
- Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về thuốc và chăm sóc sức khỏe.
Sỏi thận 4mm không quá nguy hiểm nhưng cần phát hiện và điều trị sớm để kiểm soát bệnh. Việc khám sức khỏe định kỳ là rất cần thiết để sớm phát hiện sỏi trong đường tiết niệu ngay cả khi không có triệu chứng gì.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm sỏi tiết niệu