Thành Cát Tư Hãn, Chu Nguyên Chương và Khang Hy không chỉ là những nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung mà cả 3 đều là các vị hoàng đế có thật trong lịch sử Trung Quốc. Trong số đó, Thành Cát Tư Hãn là một vị hoàng đế vĩ đại đã lập nên đế chế Mông Cổ to lớn, được cả thế giới biết đến.
Hoàng đế Thành Cát Tư Hãn
Trong tác phẩm Anh hùng xạ điêu của nhà văn Kim Dung, Thành Cát Tư Hãn chỉ là một nhân vật phụ, ông và Hoàng Hậu Quang Hiếu Bột Nhĩ Thiếp có con gái út tên là Hoa Tranh. Vì yêu Quách Tĩnh, ông đã từng hứa gả Hoa Tranh cho chàng. Sau đó, ông đã phong cho chàng chức vị Kim Đao phò mã.
Tuy nhiên, sau này Quách Tĩnh đã yêu Hoàng Dung và không muốn giúp Thành Cát Tư Hãn xâm lược Đại Tống. Thành Cát Tư Hãn đã ép mẹ của Quách Tĩnh là Lý Bình ra để chàng phải chấp nhận đánh Đại Tống. Lý Bình không nghe theo và đã tự vẫn. Quách Tĩnh được Đà Lôi và Triết Biệt tha cho về Trung Nguyên và theo Hoàng Dung.
Trong lịch sử, Thành Cát Tư Hãn (1162-1227), không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc mà ông còn được coi là người có lòng dã tâm xâm lược lớn bậc nhất trong lịch sử thế giới. Theo những tài liệu còn lưu lại, trong cuộc đời quân sự của mình, vị Đại Hãn của đế chế Mông Cổ đã chỉ huy 32 chiến dịch lớn, 65 trận đánh, chinh phục từ châu Á sang châu Âu đất đai ở những nơi ông đã đi qua, nhiều hơn bất kỳ nhân vật nào khác trong lịch sử. Con số thống kê trên cho thấy tài năng quân sự hiếm có của ông.
Dù vẫn gây ra nhiều tranh cãi, với hàng triệu người đã phải hy sinh trong các cuộc chinh phục của vị Đại Hãn này, từ cổ chí kim, không ai có thể phủ nhận tài năng của ông.
Từ điển bách khoa toàn thư Encarta đã viết về ông: 'Sự vĩ đại của Thành Cát Tư Hãn không chỉ thể hiện ở việc ông là một nhà lãnh đạo quân đội tài ba mà còn ở sự tổ chức, kỉ luật và nỗ lực tuyệt vời của quân đội'.
Hoàng đế Chu Nguyên Chương
Xuất hiện trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký của nhà văn Kim Dung, hầu hết những tình tiết về Chu Nguyên Chương, vị hoàng đế đầu tiên của nhà Minh, đều là hư cấu. Kim Dung mô tả Chu Nguyên Chương gia nhập Minh giáo, đã từng cứu Trương Vô Kỵ một lần khi Vô Kỵ còn nhỏ (khi Vô Kỵ cùng Bất Hối đến gặp Dương Tiêu). Ông có trí thông minh, sự mưu trí đa chiêu, đã phát hiện ra vụ án của Lục đại môn phái khi bị Triệu Mẫn bắt. Tuy nhiên, hành động của ông thỉnh thoảng có phần độc ác, khiến Trương Vô Kỵ có chút lo lắng. Dù vậy, ông vẫn được đánh giá cao trong Minh giáo, góp phần lớn trong việc tiêu diệt Nhà Nguyên và bè phái Trần Hữu Lượng, sáng lập ra nhà Minh. Sau đó, ông đã tiêu diệt rất nhiều công thần của mình.
Chu Nguyên Chương (1326 – 1398), còn được biết đến là Minh Thái Tổ, là vị hoàng đế khai quốc của triều đại Minh trong lịch sử Trung Quốc, cai trị từ năm 1368 đến 1398. Các sử gia gọi thời kỳ cai trị của ông là Hồng Võ Chi Trị. Ông được coi là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất của Trung Quốc nhờ vào các công trạng to lớn đối với đất nước.
Hoàng đế Khang Hy
Xuất hiện trong tác phẩm Lộc đỉnh ký của nhà văn Kim Dung, hình tượng nhân vật Khang Hy được mô tả khá gần với sự thật lịch sử. Ông là một hoàng đế tài năng và xuất sắc, không kém cạnh nhân vật chính Vi Tiểu Bảo. Nhờ sự ưu ái của Khang Hy mà Vi Tiểu Bảo có thể làm nên chuyện trong triều vua. Những sự kiện lịch sử về cuộc đời của Khang Hy cũng được ghi lại trong tác phẩm này.
Trong lịch sử, Khang Hy là vị hoàng đế thứ tư của triều đại Thanh, trị vì Trung Hoa từ năm 1662 đến 1722. Ông được đánh giá là một vị hoàng đế tài năng và đã đóng góp vào sự thịnh vượng kéo dài 130 năm của triều đại Thanh. Khang Hy còn được coi là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc, được người đời kính trọng với danh hiệu Khang Hy Đại Đế.