Thần điêu đại hiệp là một trong số những bộ tiểu thuyết được chuyển thể thành phim nhiều lần nhất và được nhiều thế hệ yêu thích. Nhưng ít ai biết rằng, đây lại là tác phẩm mà cố nhà văn Kim Dung xem là thất bại nhất của mình.
Cố nhà văn Kim Dung được mệnh danh là đại hiệp của các đại hiệp khi xây dựng nên hàng loạt hình tượng anh hùng giang hồ quân tử, nghĩa hiệp. Cố nhà văn Kim Dung đã tạo ra 15 bộ kiệt tác tiểu thuyết võ thuật, và là tiểu thuyết gia người Trung Quốc hiếm hoi nổi tiếng toàn cầu. Ông là một trong số ít tác giả châu Á có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim, hơn nữa được chuyển thể nhiều lần trong suốt nửa thế kỷ qua.
Trong số tác phẩm của Kim Dung, được chuyển thể nhiều nhất là Anh hùng xạ điêu, tiếp theo là Ỷ thiên đồ long ký và Thần điêu đại hiệp, Thiên long bát bộ giữ vị trí thứ ba,
Thần điêu đại hiệp hay Thần điêu hiệp lữ được đăng tải lần đầu tiên trên tờ Minh báo vào ngày 20 tháng 5 năm 1959 và liên tục trong ba năm. Tác phẩm này là phần hai trong bộ Xạ điêu tam bộ khúc. Bối cảnh của Thần điêu đại hiệp là vào cuối thời Nam Tống, khi quân Mông Cổ đã lớn mạnh, tiêu diệt hầu hết châu Á, châu Âu, đang trực tiếp uy hiếp an nguy của Nam Tống.
Câu chuyện xoay quanh tình yêu của hai nhân vật chính là Dương Quá và Tiểu Long Nữ giữa những cuộc chiến tang thương đẫm máu cả trên giang hồ lẫn chiến trường.
Như nhiều tác phẩm khác của Kim Dung, Thần điêu đại hiệp đã được tác giả chỉnh sửa nhiều lần. Nội dung của bản lưu hành hiện tại có rất nhiều điểm khác biệt so với lần phát hành đầu tiên.
Năm 2017, báo chí Trung Quốc đồng loạt nói về việc trong một lần phỏng vấn, Kim Dung đã thừa nhận rằng tác phẩm thất bại nhất của mình lại là Thần điêu đại hiệp. Mặc dù Kim Dung không nói rõ lý do, nhưng điều này đã khiến nhiều fan hâm mộ không khỏi đồn đoán nguyên nhân.
Có lập luận cho rằng toàn bộ tác phẩm này xoay quanh một chữ 'tình', mục đích xuyên suốt quá ngu xuẩn, nhân vật chính Dương Quá phát triển và thay đổi không có bước đệm, không giống như Quách Tĩnh ngày đêm luyện tập, như Kiều Phong liên tục đại chiến, dường như Dương Quá đột nhiên trở thành cao thủ võ công tuyệt đỉnh thiên hạ.
Nhưng đa số đồng tình với ý kiến cho rằng trên thực tế nguyên nhân Kim Dung không hài lòng nhất là lúc trước ông quyết định để Tiểu Long Nữ chết, Nam Hải Thần Ni chỉ là lời nói dối, ý định là để Quách Tương kết duyên với Dương Quá, xem như thỏa mãn di nguyện của Quách Khiếu Thiên và Dương Thiết Tâm, cũng là một lần hồi tưởng lại Anh hùng xạ điêu.
Ai biết được độc giả phản ứng quá mãnh liệt, cửa ra vào của Minh báo bị đốt cháy, ném đá nhiều lần. Kim Dung không chịu được áp lực, cuối cùng phải sửa lại kết cục mới có cảnh cảm động nhất 16 năm gặp lại. Bởi vì có sự thay đổi này, nữ nhân vật chính Quách Tương trở nên có chút dư thừa, đến cùng vẫn bám chặt vào 'tình', không có cách nào thoát ra được cảnh giới 'tình không biết tự bao giờ, chỉ hướng về một người mà yêu say đắm, người sinh ra rồi sẽ chết, chết rồi lại có thể hồi sinh' khiến Kim Dung cảm thấy thất bại sâu sắc.
Xem ra Kim Dung cũng thật khó xử. Kết cục, sinh tử của nhân vật sẽ ảnh hưởng đến đánh giá của mọi người đối với tác phẩm và địa vị của Kim Dung trong giới võ hiệp. Có lẽ, chính việc câu chuyện bị buộc phải thay đổi nội dung để chiều ý độc giả đã khiến cho Kim Dung có phần nuối tiếc và không vừa lòng đối với Thần điêu đại hiệp. Vẫn biết rằng Kim Dung vẫn luôn viết ra những câu chuyện với kết thúc có hậu, thế nhưng đôi lúc, các câu chuyện của Kim Dung vẫn xen kẽ những tình tiết bi thương.
Một tác giả dù cầm trọn số phận của nhân vật cũng không thể làm tốt mọi điều. Kim Dung sau này đã phải liên tục chỉnh sửa tác phẩm của mình, không chỉ vì muốn tác phẩm hoàn thiện hơn, mà còn vì phản ứng từ phía độc giả khiến ông phải suy nghĩ nhiều. Trong lần chỉnh sửa gần đây nhất, nhiều thay đổi về cốt truyện đã được chính Kim Dung thực hiện, khiến không ít người đọc lâu năm cũng phải ngạc nhiên.
Cố nhà văn Kim Dung, tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), và qua đời vào ngày 30/10/2018 tại Hong Kong (Trung Quốc). Ông sinh ra trong một gia đình có nền tảng văn hóa mạnh mẽ, với ông cố là nhà thơ nổi tiếng và ông nội là tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô.
Ông được biết đến với biệt danh 'Võ lâm minh chủ', là một trong những nhà văn kiếm hiệp nổi tiếng nhất. Kim Dung là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký, Lộc đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên Long Bát Bộ...