Hai robot đào hầm TBM tại Dự án đường sắt đô thị (Metro) tuyến Nhổn-Ga Hà Nội sẽ bắt đầu khoan những mét hầm đầu tiên vào ngày 30/7.
Chiều 28/7, liên quan đến tiến độ dự án Metro Nhổn-Ga Hà Nội, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, tiến độ thi công tổng thể gói thầu CP03 đạt 43,4%. Theo kế hoạch, máy TBM cho ống hầm số 1 (phía nam) sẽ bắt đầu khoan từ Ga S9-Kim Mã vào ngày 30/7/2024.
Sau khi khởi chạy cho 240 m đầu tiên, máy khoan hầm sẽ tăng tốc đến tốc độ tiêu chuẩn để tiếp cận Ga S10 vào tháng 1/2025 và khoan đến điểm cuối là Ga S12 vào tháng 10/2025. Căn cứ vào tiến độ khoan của máy TBM cho ống hầm số 1, máy TBM cho ống hầm số 2 (phía bắc) dự kiến khởi động vào cuối tháng 9/2024, đến Ga S10 vào tháng 4/2025 và tiếp đó đến Ga S12 vào tháng 12/2025.
Video phóng viên ghi nhận quy trình bảo dưỡng kỹ thuật, kiểm tra các hạng mục cuối, chuẩn bị cho việc khởi động robot TBM vào ngày 30/7:
Đại diện MRB cho biết thêm, sau khi khoan xong, các máy TBM sẽ được tháo dỡ tại Ga S12 và hệ thống thiết bị phụ trợ sẽ được tháo dỡ tại Ga S9.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FECON đánh giá, công nghệ thi công hầm bằng máy TBM tại tuyến Metro Nhổn-Ga Hà Nội là công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, với việc sử dụng dòng máy cân bằng áp lực, phù hợp với điều kiện địa chất tại Hà Nội.
“Địa chất Hà Nội chứa nhiều loại đất hỗn hợp và hệ thống đường hầm chủ yếu đi qua lớp đất sét phức tạp hơn so với đất sét bùn như dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên tại TP Hồ Chí Minh. Dự án Metro Nhổn-Ga Hà Nội cũng thi công đoạn ngầm với chiều dài lớn hơn nhiều so với tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên”, theo ông Nguyễn Quốc Bảo.
Để chuẩn bị cho việc vận hành robot TBM tại Metro Nhổn-Ga Hà Nội, trong những năm qua, FECON đã liên tục cử nhân sự chủ chốt tham gia đào tạo tại nước ngoài dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu của Hiệp hội Công trình ngầm thế giới. Tổng số nhân sự cho công tác thi công là hơn 150 người, bao gồm các chuyên gia vận hành máy TBM, vận hành cánh tay robot lắp vỏ hầm... Tất cả đội ngũ chuyên gia này đều theo dõi dự án một cách chặt chẽ, góp phần cho việc triển khai dự án diễn ra thuận lợi.
Hình ảnh phóng viên ghi lại tại Ga ngầm S9-Kim Mã trước ngày khởi động 'cặp đôi' robot TBM khổng lồ:
Ga S9-Kim Mã là điểm hạ ngầm đầu tiên của tuyến Metro Nhổn-Ga Hà Nội.
Từ vị trí này, đoàn tàu Metro sẽ đi ngầm dưới lòng đất 4 km để đến ga S12-Trần Hưng Đạo.
Vào cuối năm 2020, ở độ sâu âm 20 m dưới lòng đất, hai robot đào hầm (TBM) với tên gọi “Thần tốc” và “Táo bạo” đã được lắp đặt, phục vụ cho việc khoan hầm của tuyến Metro.
Trong giai đoạn chuẩn bị cho việc khoan hầm, mỗi ngày có 150 cán bộ, kỹ sư và công nhân kiểm tra toàn bộ hệ thống, đảm bảo an toàn trong vận hành.
Đội ngũ kỹ sư Việt Nam và các chuyên gia quốc tế luôn hợp tác chặt chẽ để đảm bảo việc lắp ráp robot đạt tiêu chuẩn, tuân thủ theo thiết kế của nhà sản xuất (hãng Herrenknecht - Đức).
Với thiết kế có họa tiết cờ đỏ sao vàng nổi bật, kích thước đường kính 6,55 m, cân nặng 63,3 tấn, bao gồm: đầu cắt, lưỡi cào, dụng cụ xới, các răng gàu xúc…
Đây là điểm khoan đầu tiên mà roto TBM sẽ thực hiện vào ngày 30/7.
Mỗi vỏ hầm gồm 6 đoạn, dự án Metro sử dụng tổng cộng 3.488 đoạn, bao gồm 120 đoạn cốt thép nặng, 30 đoạn được quan trắc và 3.338 đoạn cốt thép tiêu chuẩn.
Khối lượng tấm vỏ hầm lớn nhất lên đến 4 tấn, với đường kính trong của vỏ hầm là 5.700 mm, đường kính ngoài là 6.300 mm.
Các đoạn vỏ hầm sẽ được di chuyển trên các thanh ray đặt ngay phía sau tấm khiên đào.
Mỗi ngày, robot TBM có thể khoan được khoảng 10 m hầm, lắp vỏ hầm ngay sau khi khoan xong.
Robot TBM bao gồm khiên đào và hệ thống hỗ trợ phía sau, tổng chiều dài hơn 100 m.
Hệ thống hỗ trợ bao gồm buồng điều khiển toàn bộ “quái vật khổng lồ” nặng 850 tấn.
Đây là nơi chuyên gia điều khiển trực tiếp quá trình hoạt động của TBM, bao gồm hệ thống điện, hệ thống vận hành, buồng điều áp, xilanh đẩy, hệ thống vận chuyển đất thải…
Việc khoan hầm được tiến hành cẩn thận và được giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho các công trình hiện hữu và đảm bảo chất lượng cho công trình đang thi công.
Để chuẩn bị cho việc vận hành robot TBM tại Metro Nhổn-Ga Hà Nội, FECON liên tục đào tạo nhân sự chủ chốt tại nước ngoài.
Theo MRB, mỗi robot TBM đào hầm có giá trị trên thị trường thế giới từ 10 - 15 triệu USD.