Kinh điển Phật giáo |
Kinh
Luận
|
Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (phiên âm từ Phạn ngữ: Maha Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra, Prajnaparamitahridaya Sutra; tiếng Anh: Heart of Perfect Wisdom Sutra, tiếng Hoa: 般若波羅蜜多心經) còn gọi là Bát-nhã tâm kinh hay Tâm Kinh. Đây là kinh ngắn nhất của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông, chỉ có khoảng 260 chữ. Nó cũng là kinh cốt lõi của bộ Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn.
Kinh này được nhiều Phật tử ở Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Tây Tạng và Trung Quốc biết đến và thường xuyên tụng niệm.
Lịch sử
Thời điểm xuất hiện của kinh này không đồng nhất giữa các tác giả. Có giả thuyết cho rằng kinh ra đời từ năm 100 TCN đến thế kỷ thứ 2 và do bồ tát Long Thọ (Nàgàrjuna) viết. Tuy nhiên, ngôn từ trong kinh vẫn mang dấu ấn thời Phật tại thế. Vì thế, quan điểm cho rằng 'Kinh xuất hiện sau thời Đức Phật' vẫn còn là giả thuyết chưa chắc chắn.
Bản kinh phổ biến nhất tại Việt Nam là bản dịch của sư Trần Huyền Trang (Tam Tạng) sau khi thỉnh kinh về và dịch lại vào năm 649. Trước đó, nhiều sư khác đã dịch từ tiếng Phạn sang Hán ngữ như Cưu Ma La Thập (402-412), Nghĩa Huyền, Pháp Nguyệt, Bát Nhã, Lợi Ngôn, Trí Tuệ Luận, Pháp Thành, và Thi Hộ.
Kinh này đã được nhiều sư từ nhiều quốc gia chú giải. Ở Việt Nam, người đầu tiên chú giải kinh này là thiền sư Đạo Tuân Minh Chánh tại chùa Bích Động (tỉnh Ninh Bình) thời vua Minh Mạng.
Dị bản
Các bản văn kinh về cơ bản là rõ ràng và giống nhau, nhưng chi tiết trong các bản chữ Phạn vẫn có khác biệt. Dĩ nhiên, các bản dịch (tiếng Hán, tiếng Pháp và tiếng Việt) cũng có những khác biệt nhỏ.
Vào thập niên cuối của thế kỷ 19, bản kinh đã được Samuel Beal dịch sang tiếng Anh.
Edward Conze, nhà nghiên cứu Phật học người Anh (1904-1979), dù đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, nhưng không tìm thấy văn bản gốc của kinh này, mặc dù có nhiều bằng chứng về sự tồn tại của một nguyên bản ban đầu.
Khi so sánh bản dịch phổ biến hiện nay từ Hán ngữ của sư Trần Huyền Trang với phiên bản Tạng ngữ còn lại, kinh này thiếu phần khai kinh và kết luận hoan hỉ của chư vị nghe giảng. Trong bản Tạng ngữ, những phần này vẫn còn đầy đủ.