Kinh điển (chữ Hán: 经藏; tiếng Phạn: सूत्र पिटक, Sūtra Piṭaka, tiếng Nam Phạn: suttapiṭaka), còn được biết đến là Tu-đa-la tạng (修多羅藏), là một trong ba phần của Tam tạng, đóng vai trò chủ yếu trong kho tàng kinh điển Phật giáo cổ đại. Hai phần còn lại của Tam tạng là Luật tạng và Luận tạng. Kinh điển còn được gọi là 'Buddhavacana' hoặc lời dạy của Đức Phật (Phật ngôn), chứa hơn 10.000 bài kinh (giáo lý) do Đức Phật hoặc các đệ tử thân cận của Ngài truyền dạy.
Nguyên gốc
Theo truyền thuyết, các văn bản hình thành nên Kinh điển lần đầu tiên được tụng đọc tại Đại hội kết tập đầu tiên, tổ chức ngay sau khi Đức Phật qua đời. Lần kết tập này cũng quy định bộ giới luật (Vinaya) hướng dẫn đời sống của các tu sĩ trong cộng đồng Tăng già. Tuy nhiên, các học giả hiện đại có quan điểm khác nhau về thông tin này. Richard Gombrich cho rằng phần lớn bốn nikaya đầu tiên chỉ ghi nhận nội dung các bài giảng của Đức Phật mà không phải hình thức. Trong khi đó, giáo sư Hirakawa Akira cho rằng lần kết tập thứ nhất chỉ tập hợp những đoạn văn ngắn mang ý nghĩa quan trọng, sau đó được phát triển thành các bài kinh dài hơn trong thế kỷ tiếp theo.
Nội dung
Theo truyền thống Phật giáo, các kinh điển Phật giáo sơ kỳ ghi lại những lời dạy của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong suốt cuộc đời truyền bá giáo pháp của Ngài, bao gồm những giáo lý căn bản như Tứ diệu đế, Duyên khởi, Vô ngã... Những lời dạy này được ghi chép và lưu truyền qua truyền khẩu, sau đó được hệ thống hóa qua các kỳ Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất và thứ hai. Truyền thống Phật giáo Nam truyền cho rằng Kinh tạng được tập hợp trong 5 bộ nikaya, được viết bằng chữ Pali vào thời kỳ A-dục vương bằng chữ Sinhala và được bảo tồn nguyên vẹn tại Sri Lanka trong hơn 2.000 năm. Trong khi đó, truyền thống Phật giáo Bắc truyền cho rằng Kinh tạng được tập hợp trong 4 bộ A-hàm (āgama), được ghi lại bằng Phạn văn và được truyền bá vào Trung Hoa qua các bản dịch Hán văn.
Khác với hệ kinh văn nikāya Pali được bảo tồn gần như nguyên vẹn qua dòng truyền thừa của Thượng tọa bộ, các bản kinh văn āgama Phạn ngữ nguyên bản phần lớn đã bị phá hủy hoặc thất lạc do chiến tranh. Hiện nay, nhiều kinh văn āgama được bảo tồn qua các bản dịch Tạng ngữ và Hán ngữ cổ điển. Những tập āgama là tập hợp các kinh văn rời rạc từ nhiều phái khác nhau, được dịch bởi nhiều dịch giả trong các thời kỳ khác nhau, dẫn đến sự khác biệt rõ rệt không chỉ giữa các bản dịch, mà còn giữa các bản kinh văn Phạn ngữ còn sót lại. Dù vậy, do nguồn gốc chung từ hệ kinh văn sơ kỳ, nội dung các kinh văn āgama vẫn có sự tương đồng đáng kể với các kinh văn nikāya Pali, mặc dù có sự khác biệt rõ ràng về cách diễn đạt, cấu trúc và số lượng bản kinh trong mỗi tập.
Các học giả hiện đại thường tiến hành nghiên cứu so sánh đồng thời giữa 5 bộ nikāya và 4 bộ āgama như sau:
Bảng đối chiếu song song Nikāya Pali và Āgama Hán văn | |
---|---|
Nikāya | Āgama |
Trường Bộ (Dīgha-nikāya) |
Trường A-hàm ( |
3 phẩm, 34 bài kinh | 4 phần, 30 bài kinh |
Trung Bộ (Majjhima-nikāya) |
Trung A-hàm (Madhyama Āgama) |
3 tụ, 15 phẩm, 152 bài kinh | 5 tụng, 18 phẩm, 222 bài kinh |
Tương ưng Bộ (Saṃyutta-nikāya) |
Tạp A-hàm (Saṃyukta Āgama) |
5 thiên, 56 tương ưng, 2.904 bài kinh | 50 quyển, 1.362 bài kinh |
Tăng chi Bộ (Aṅguttara-nikāya) |
Tăng nhất A-hàm (Ekottara Āgama) |
11 tụ, 171 phẩm, 2.203 bài kinh | 52 phẩm, 472 bài kinh |
Tiểu Bộ (Khuddaka-nikāya) |
Không tương ứng |
15 tập | |
Chú thích
Liên kết ngoài
- Các bản dịch công cộng của SuttaCentral cung cấp nhiều ngôn ngữ khác nhau từ Pali Tipitaka và các tuyển tập Phật giáo sơ kỳ.
- Truy cập các bản dịch của Insight từ các Pali Suttas.
- Tuổi đời của Kinh tạng là bao nhiêu? - Alexander Wynne, Cao đẳng St John, Đại học Oxford, 2003.