Để tối đa hoá điểm thi IELTS Listening, các bạn thí sinh cần có một kế hoạch ôn luyện hợp lý và đúng trọng tâm. Mình đã đạt được điểm số 9.0 cho phần Listening khi thi vào tháng 6 năm 2018. Thông qua bài viết này, mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm để giúp các bạn tối đa hoá được phần bài làm Listening để đạt được mục tiêu của mình.
Key takeaways
Để tối đa hoá điểm IELTS Listening trước ngày thi, bạn nên:
Luyện tập với nhiều đề thi thử trong quyển IELTS Cambridge
Học hỏi tối đa từ mỗi đề thi thử bằng cách rút kinh nghiệm từ mọi lỗi sai
Thường xuyên nâng cao kỹ năng nghe cho từng Part và luyện tập kỹ năng nghe với những nguồn nghe khác
Tránh tập trung quá nhiều vào điểm số khi ôn luyện
Giữ bình tĩnh và kiểm tra kỹ bài làm khi thi Sử dụng sách để ôn thi IELTS Listening
Mẹo để tối đa hóa điểm thi IELTS Listening
Practicing with various mock exams
Cách hiệu quả nhất để làm quen với cấu trúc bài thi, các dạng câu hỏi, và độ khó của bài nghe là thông qua việc làm đề thi thử. Trong quá trình ôn luyện của mình, mình hầu như chỉ làm đề trong cuốn IELTS Cambridge vì đây là nguồn đề thi thử có uy tín. Trong khoảng thời gian đầu, mình làm những đề thi thử của 3 đến 4 năm trước để làm quen với cấu trúc đề thi, dạng bài, và đặc tính của các bài nghe. Khi đã quen dần với tính chất của phần thi này thì mình bắt đầu làm đề thi của những năm gần đây, để làm quen với nội dung và những chủ đề thường gặp trong những năm gần đây. Mỗi ngày, mình làm 3 đến 4 đề thi thử vào khoảng thời gian mình sẽ thi thật để não bộ quen dần với việc tập trung vào khoảng thời gian này.
Maximizing learning from each mock exam
Để đảm bảo rằng mình học được tối đa kiến thức từ mỗi đề thi thử, mình thường làm theo quá trình sau:
Trong khi làm đề, mình tập trung hoàn toàn vào nội dung của bài nghe và sử dụng phương pháp làm bài mình vừa đọc. Sau khi thử qua nhiều phương pháp thì mình chọn phương pháp mà bản thân cảm thấy phù hợp nhất, và chỉ sử dụng phương pháp này.
Khi nghe phần thông tin định hướng trước mỗi phần thi hoặc khi đọc qua các câu hỏi, mình có thể cố gắng hình dung trong đầu tình huống và ngữ cảnh của đoạn đối thoại một cách tốt nhất, vì mình nhận thấy nội dung của bài nghe thường khá thực tế với tình huống được miêu tả. Ví dụ, với thông tin định hướng một đề thi IELTS Listening Part 1: “You will hear a conversation between a clerk the inquiry desk at a transport company and a man who is asking for travel information.”, mình sẽ hình dung việc bản thân đi đến một nơi bán vé tàu xe và mong muốn nói chuyện với nhân viên ở nơi tiếp tân để có thêm thông tin về chuyến tàu hoặc xe phù hợp để đến nơi mình muốn. Điều này giúp mình định hướng được nội dung của cuộc đối thoại một cách dễ dàng hơn, đỡ cảm thấy mất phương hướng.
Trong lúc làm bài nghe, nếu cảm thấy phân vân giữa hai đáp án, mình sẽ ghi chú nhanh những gì mình hiểu được từ phần nghe. Trong nửa phút kiểm tra đáp án sau mỗi Part hoặc trong 10 phút cuối giờ, mình sẽ xem lại ghi chú và quyết định đáp án đúng nhất. Điều này cũng giúp mình giữ bình tĩnh khi không nghe được một số chỗ. Đôi khi, mình cũng sẽ đánh dấu ở những đoạn mình không nghe được để nghe lại sau khi đã làm xong đề.
Sau khi làm đề, mình kiểm tra lại đáp án và xác định những câu sai. Sau đó, mình đọc lại transcript và những ghi chú nhanh trong lúc làm bài để hiểu vì sao mình đã sai ở phần đó. Nếu mình sai vì không hiểu rõ yêu cầu đề bài thì mình sẽ ghi chú lại dạng bài này để tránh mắc lại lỗi này trong những lần sau. Nếu mình sai vì vấn đề nghe-hiểu thì mình sẽ nghe lại transcript để hiểu rõ hơn nội dung của bài nghe, ghi chú những từ vựng mới, nêu rõ lý do vì sao mình đã mắc lỗi sai đó và đưa ra biện pháp khắc phục. Nếu trong quá trình ôn, mình nhận thấy bản thân thường xuyên sai cho một số dạng bài nhất định thì mình sẽ dành thời gian để luyện riêng về dạng bài này. Ví dụ, nếu mình thường mắc lỗi sai trong dạng bài Table completion, mình sẽ làm thêm bài tập chỉ riêng phần này, cho đến khi hoàn thiện được ít nhất một bài với số điểm tuyệt đối hoặc gần tuyệt đối. Sau đó, mình liên tục luyện dạng bài này cho đến khi hoàn thành đúng tuyệt đối 3 đến 4 ngày liên tiếp.
Regularly enhancing listening skills
Ở giai đoạn nước rút, bạn nên ôn những kỹ năng nghe mình còn yếu cho mỗi Part. Mình liệt kê một số kỹ năng nghe mình nhận thấy quan trọng cho từng Part.
Ở Part 1, các thông tin cần điền thường liên quan đến tên của các địa điểm và các con số, như số tiền, thời gian, số thứ tự. Vì vậy, bạn nên luyện kỹ cách viết khi nghe đánh vần tên, và tìm hiểu kỹ về cách diễn đạt số tiền, thời gian, số thứ tự, phân số sử dụng những cụm từ như “a quarter”, “half past”, “dozen”, “first", v.v. bạn tìm hiểu thêm về thông tin này qua bài viết này: Số đếm và số thứ tự trong tiếng Anh.
Ở Part 2, các thông tin có thể được đưa ra theo trật tự ngẫu nhiên. Vì vậy, bạn không nên chủ quan và chỉ nghe theo trình tự xuất hiện của thông tin. Bạn có thể luyện tập cách take note cho phần thi này để tránh việc bỏ sót thông tin. Bạn xem thêm qua bài viết: Cách áp dụng Note-taking vào Matching của IELTS Listening.
Ở Part 3, phần nghe thường ở dạng đối thoại trong ngữ cảnh học thuật và thường yêu cầu kỹ năng nghe và nhận biết thái độ, ý kiến của người nói. Vì vậy, bạn cần luyện kỹ năng nghe để nhận biết quan điểm. Một số phương pháp để nhận biết là thông qua ngôn ngữ của người nói, như ngôn ngữ chỉ thái độ, ngôn ngữ nhấn mạnh, từ đệm, từ nối tương phản, hay thông qua tông giọng lên xuống. Bạn tìm hiểu thêm kỹ năng này thông qua bài viết: Dấu hiệu nhận biết quan điểm đưa ra trong IELTS Listening Part 3.
Part 4 thường yêu cầu kỹ năng paraphrase nhiều nhất trong số các phần thi. Để cải thiện kỹ năng làm bài của phần này, bạn nên luyện tập kỹ năng paraphrase, và đồng thời, nên luyện tập thêm cách nghe các bài nói độc thoại mang tính chuyên môn hoặc về các vấn đề xã hội từ những nguồn như TED Talk.
Ngoài ra, để nâng cao kỹ năng nghe-hiểu, mình khuyên các bạn nên dành khoảng 1 đến 2 tiếng mỗi ngày để luyện nghe ngoài việc làm đề.
Mình thường xem các video, phim ảnh hoặc podcast tiếng Anh về những chủ đề mình hứng thú. Khi xem phim, mình không bật phụ đề với những phim về các chủ đề liên quan đến đời sống hàng ngày, và bật phụ đề tiếng Anh với những phim có chủ đề phức tạp hơn, như về chiến tranh, khoa học, hoặc hình sự. Ngoài ra, việc nghe podcast, đặc biệt những podcast về các chủ đề có hơi hướng chuyên môn như về tâm lý học, văn học, nghệ thuật, không chỉ giúp tăng vốn từ chuyên ngành mà còn giúp mình phát triển kỹ năng đoán nghĩa của từ theo ngữ cảnh học thuật. Điều này khá hữu ích khi nghe các bài nghe của Part 3 và 4.
Tuy nhiên, khi không có nhiều thời gian, mình cũng thường nghe lại bài nghe của IELTS Listening với tốc độ 1.25x hoặc 1.5x để nâng cao tốc độ nghe-hiểu của bản thân.
Tránh tập trung quá nhiều vào điểm số khi ôn luyện
Trong quá trình này, tư duy của bạn cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Chỉ tập trung vào điểm số mỗi lần làm bài có thể dễ dàng khiến bạn cảm thấy mất hứng thú hoặc nản lòng vì không thấy được sự tiến bộ. Thay vào đó, trong giai đoạn luyện thi, bạn chỉ nên tập trung vào việc cải thiện và học hỏi từ những sai sót, và cố gắng ôn một cách nhất quán mỗi ngày dù cho điểm số ra sao đi nữa.
Giữ bình tĩnh và kiểm tra kỹ bài làm khi thi
Khi đã kết thúc quá trình ôn luyện và bước vào phòng thi, bạn cần giữ một tinh thần thoải mái và bình tĩnh. Bạn có thể sử dụng một số biện pháp để giảm căng thẳng như sử dụng lời nói tích cực với bản thân, phương pháp 3-3-3, hoặc ưu tiên hiểu ý nghĩa tổng quát thay vì từng từ. Khi làm bài thi, ngay cả khi bạn không nghe rõ ở một số chỗ, bạn có thể ghi chú nhanh những chỗ mình không chắc và kiểm tra lại sau, tránh việc cảm thấy quá lo lắng, làm ảnh hưởng đến quá trình làm bài. Ngoài ra, bạn cũng tránh việc quá tập trung vào điểm số mà chỉ nên tập trung vào việc làm bài một cách tốt nhất.
Sau khi hoàn thành phần thi IELTS Listening, bạn không nên tự mãn mà nên dành thời gian điền đáp án để kiểm tra lại bài một cách kỹ lưỡng, bao gồm kiểm tra chính tả của câu trả lời như các lỗi thừa hoặc thiếu “s”, loại từ của câu trả lời, hay giới hạn số từ cho câu trả lời trong bài Completion.