Sài Gòn, thành phố không ngủ, luôn náo nhiệt và hối hả. Tại đây, tốc độ cuộc sống nhanh đến mức bạn khó có thời gian nhâm nhi một ly cà phê và ngắm cảnh như ở Paris. Chính sự hối hả này tạo nên sự độc đáo cho thành phố. Rất ít người ở Sài Gòn có thể tránh khỏi việc ăn ngoài ít nhất một lần trong ngày. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các gánh xôi mặn hay xe đẩy bán bánh mì, rải rác khắp thành phố để phục vụ người dân.
1. Những cô bán cà phê và bà bán cơm tấm thực sự mang lại lợi ích lớn cho kinh tế thành phố.
Việc bán hàng này cung cấp việc làm cho người dân thành phố. Ít nhất, họ không phải ở nhà và không đóng góp gì cho xã hội (trừ các em bé và học sinh).
Nhiều người chọn công việc dầm mưa dãi nắng này vì điều kiện kinh tế. Đa số người Việt Nam không đủ tiền ăn nhà hàng hàng ngày, vì vậy việc bán cơm với giá bình dân là giải pháp hợp lý. Người lao động có bữa ăn giá rẻ, còn người bán có thu nhập để nuôi sống gia đình.
Đặc biệt, sau năm 1975, việc làm rất khan hiếm. Nhiều người phải chọn con đường buôn bán vỉa hè để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân lúc đó.
(Xin lỗi, không thể tìm được bà hai rồi)
Một lý do quan trọng khác là giúp tiền bạc trong xã hội lưu thông. Nói đơn giản, tiền từ túi người này nhanh chóng chuyển sang túi người khác.
Ví dụ như bà hai bán cà phê, bà phải mua cà phê từ tiệm tạp hóa, rồi đường, sữa đặc cũng phải bỏ tiền ra mua hàng ngày. Còn nhiều thứ nữa bà phải mua để có nguyên liệu bán cho khách.
Số tiền bà hai bỏ ra mỗi ngày có vẻ ít, nhưng nếu nhân lên với hàng trăm người bán cà phê như bà hai thì số tiền đó sẽ rất lớn.
Tại sao chúng ta nên nâng cao mô hình kinh tế này?
Mình gọi nó là mô hình kiếm tiền vì nó thực sự tạo ra thu nhập.
Nếu bà tám bán xôi hay bà hai bán cà phê nghỉ bán, chắc mình sẽ buồn lắm. Mỗi sáng đều ra ủng hộ mấy bả. Nhưng nhìn xa hơn, các tiệm tạp hóa và đại lý sẽ mất đi một phần doanh thu. Các nhà máy sản xuất đường, sữa đặc, patê cũng sẽ giảm sản lượng, dẫn đến mất một phần doanh thu. Khi doanh thu giảm, họ chắc chắn sẽ tăng giá sản phẩm, làm người dân thấy mắc mà không mua nữa.
Khi nhu cầu giảm, chuỗi cung ứng sẽ trì trệ, kéo theo suy giảm kinh tế do tiền bạc không lưu thông hoặc lưu thông quá chậm.
Như đã nói, sống ở Sài Gòn phải quen với nhịp sống nơi đây. Người ta đã quen sử dụng xe máy, chạy ngang mua ổ bánh mì rồi đi làm luôn. Đó đã trở thành nét văn hóa của thành phố này.
Mình cho rằng cần phát triển mô hình này vì nó là văn hóa của nơi đây. Không ai muốn văn hóa nơi mình sinh ra bị chê bai. Đồng thời, cần giải quyết vấn đề lấn chiếm vỉa hè trái phép.
Trong phần tiếp theo, mình sẽ trình bày góc nhìn về việc TP. Hồ Chí Minh cho thuê vỉa hè và hướng phát triển cho những người phụ thuộc vào vỉa hè để kiếm sống.
Quan điểm cá nhân về việc thành phố cho thuê vỉa hè
Mình sẽ tóm tắt những điều cơ bản mà mọi người cần biết.
Thành phố sẽ chia thành năm khu vực, đánh số từ 1 đến 5 với mức giá thuê khác nhau. Lề đường phải chừa ít nhất 1,5m cho người đi bộ và hai làn xe ô tô cho mỗi chiều lưu thông. Những lề đường đủ điều kiện cho thuê phải rộng hơn 3m.
Việc cho thuê sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2024.
Mình nghĩ hiện tại thành phố không nên thu phí sử dụng lề đường. Vì tình hình kinh tế còn khó khăn, nên giảm bớt gánh nặng cho những người bán hàng. Những cô tám bán thuốc lá hay bà ba bán nước mía không chỉ trả tiền thuê cho địa phương mà còn phải trả thêm phí 'ngầm' khi thỏa thuận với chủ nhà trước phần vỉa hè đó. Theo luật thì lề đường là của chung, nhưng thực tế thì chủ nhà sẽ không dễ dàng để bạn kiếm ăn, chưa kể đến các nhóm bảo kê hay cán bộ biến chất.
Ai cũng biết muốn làm ăn yên ổn ở Việt Nam thì phải có mối quan hệ với cán bộ. Nếu bạn có người thân hoặc bạn bè kinh doanh, bạn sẽ hiểu điều này. Cách duy nhất để loại bỏ tình trạng này là đưa ra trước công lý và pháp luật. Mọi người đều biết nhưng chưa ai dám đứng lên đòi thay đổi.
Mình đề xuất giải pháp hiện tại và tương lai như sau. Trước hết, cần loại bỏ phí thuê vỉa hè. Những người buôn bán trên vỉa hè phải bố trí sao cho vẫn còn lối đi cho người đi bộ. Các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương cần điều chỉnh luật về đường sá, vỉa hè sao cho rõ ràng và công bằng. Cần học hỏi cách các nước phát triển, đặc biệt là Thái Lan, xử lý vấn đề này và áp dụng tại Việt Nam.
Mình chỉ mong những gánh xôi, xe đẩy không biến mất quá sớm vì đó là nét văn hóa không thể thiếu. Ở nơi mà sáng sớm cần tô phở với ly cà phê đá, hay chiều chiều là đĩa ốc xào mì gói, chúng ta nên hỗ trợ phát triển thay vì loại bỏ chúng.
( Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả )