Kính viễn vọng không gian James Webb tiết lộ những chi tiết mới đầy ấn tượng về một phần của Thiên hà Bóng ma, cách Trái Đất 32 triệu năm ánh sáng, thông qua một bức ảnh được NASA và ESA công bố vào ngày 30/8.
Công nghệ hồng ngoại của James Webb mở ra cái nhìn mới về Thiên hà Bóng ma - còn được biết đến với các tên gọi khác là thiên hà Messier 74 hoặc NGC 628 - rõ ràng hơn nhiều so với những thông tin trước đó.
Thông báo từ NASA và ESA cho biết: “Tầm nhìn sắc nét của Webb đã bắt gặp các sợi khí và bụi mỏng manh trong các cánh xoắn ốc lớn uốn lượn ra từ trung tâm của hình ảnh này. Tình trạng thiếu khí tại khu vực hạt nhân cũng cho thấy một cái nhìn rõ nét về cụm sao hạt nhân ở trung tâm của thiên hà'.
Thiên hà Bóng ma có hình dạng xoắn ốc, thuộc chòm sao Song Ngư. Ảnh chụp từ kính thiên văn James Webb cho thấy những phần bụi khí màu trắng sáng, đỏ, hồng và xanh nhạt rực rỡ xoay quanh khu vực trung tâm có màu xanh sáng của Thiên hà Bóng ma. Những hình ảnh này nổi bật trên nền tối của không gian sâu.
Trước đó, kính thiên văn Hubble cũng đã ghi lại những hình ảnh của Thiên hà Bóng ma, nhưng lúc đó trung tâm phát sáng của thiên hà này có màu vàng nhạt.
NASA và ESA xác định Thiên hà Bóng ma là 'điểm đến ưa thích của các nhà thiên văn trong quá trình nghiên cứu nguồn gốc và cấu trúc xoắn ốc của các thiên hà'. Bức ảnh chụp bởi kính viễn vọng James Webb sẽ giúp họ 'thấu hiểu sâu hơn về các giai đoạn đầu tiên trong quá trình hình thành sao trong vũ trụ', đồng thời ghi lại thông tin về 19 thiên hà với các ngôi sao đang hình thành gần dải Ngân hà.
Phóng lên vào tháng 12/2021, kính viễn vọng không gian James Webb đang bay theo quỹ đạo Mặt Trời ở khoảng cách khoảng 1,6 triệu km từ Trái Đất, trong vùng không gian được gọi là điểm Lagrange thứ hai. Là một dự án hợp tác quốc tế giữa NASA, ESA và Cơ quan Vũ trụ Canada, kính James Webb dự kiến sẽ hoạt động trong khoảng 20 năm.