Trong phần trước của “So sánh phương pháp đọc mở rộng và đọc chuyên sâu trong học tiếng Anh”, tác giả đã giới thiệu và phân tích phương pháp đọc mở rộng. Tiếp nối series này, bài viết sẽ chia sẻ khái niệm, lợi ích và cách vận dụng phương pháp đọc chuyên sâu.
Đọc chuyên sâu (Intensive Reading)
Định nghĩa
Phương pháp đọc chuyên sâu có hướng tiếp cận hoàn toàn trái ngược với phương pháp mở rộng. Nếu đọc mở rộng hướng đến quá trình lắng đọng ngôn ngữ của người đọc thông qua việc tận hưởng nội dung thì tiêu điểm của đọc chuyên sâu lại hướng đến nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá và tăng cường những kiến thức mới.
Trong nghiên cứu của mình, Scrivener đã định nghĩa về Intensive Reading: “the readers carefully and closely read a short text with the intention of gaining an understanding of as much as detail as possible“. Tức người đọc nên cố gắng thu được nhiều kiến thức nhất có thể.
Quá trình đọc chuyên sâu đòi hỏi việc tập trung cao độ và để ý ngay cả những chi tiết nhỏ. Do đó, phương pháp này thường có các hoạt động song hành khác như ghi chép; chia nhỏ từng câu để hiểu cấu trúc của câu, của đoạn; dò từ điển từng từ, cụm mà người học không biết; hoặc đôi khi là những câu hỏi kiểm tra thông tin liên quan đến nội dung vừa đọc;…
Trong đó, những hoạt động post-reading (sau khi đọc) như trả lời câu hỏi đọc hiểu hoặc làm các câu hỏi trắc nghiệm là gần như bắt buộc đối với phương pháp này. Ngoài ra, quá trình chia thành từng cụm nhỏ, đoạn nhỏ để tìm hiểu những kiến thức ngôn ngữ có trong đó là yếu tố đặc trưng nhất của phương pháp này, gọi là quá trình “phân chiết” (deconstructing).
Phía dưới là một biểu biểu đồ ngữ pháp hình cây thường được dùng trong nghiên cứu trong ngành ngôn ngữ học. Lưu ý rằng biểu đồ dưới đây có mục đích giúp người đọc hình dung rõ ràng hơn về quá trình “phân chiết” trong quá trình đọc diễn ra như thế nào, không phải là phương cách vận dụng hoạt động này trên thực tế (phương cách vận dụng sẽ được trình bày ở các phần sau):
Ví dụ: The small boy saw George with a crazy dog recently
Lợi ích của phương pháp đọc chuyên sâu
Cũng như đọc mở rộng, phương pháp đọc chuyên sâu cũng làm giàu các kiến thức ngôn ngữ như vốn từ vựng, cấu trúc ngữ pháp,… cho người đọc, nhưng theo cách chủ động hơn. Do đó, người đọc có thể chủ động kết nối những điều mình học lại với nhau.
Ngoài những lợi ích cơ bản trên, phương pháp đọc chuyên sâu còn có những tác dụng khác như sau:
Ngoài những chủ điểm kiến thức, người đọc còn có cơ hội tiếp xúc sâu hơn với văn phong đặc trưng, sự vận dụng các biện pháp nghệ thuật hay thái độ hoặc ngụ ý của tác giả,… trong các bài viết.
-
Người đọc rèn luyện khả năng chú ý và tập trung, tương quan với yêu cầu về tính chính xác trong phương pháp này.
Các hoạt động post-reading kèm theo giúp người đọc phát triển những kỹ năng khác ngoài ngôn ngữ, ví dụ như tư duy logic (logical thinking), tư duy phản biện (critical thinking) hay kỹ năng làm nhóm (collaboration) nếu hoạt động này có nhiều người tham gia. Với khóa IELTS Master tại Mytour, học viên sẽ được đào tạo và phát triển các khả năng tư duy kể trên, cũng như nắm bắt cách ứng dụng chúng trong học tiếng Anh.
Tóm lại, phương pháp đọc chuyên sâu, ngoài vai trò chính là phát triển kiến thức ngôn ngữ, thì song song đó, phương pháp này còn còn cải thiện các kỹ năng làm việc có liên quan.
Vận dụng phương pháp đọc chuyên sâu
Việc vận dụng phương pháp đọc chuyên sâu cũng cần lưu ý những điều kiện nhất định để hiệu quả của quá trình được cao nhất:
Yếu tố cần chú ý đầu tiên là bài viết không được quá dài, vì mục đích của phương pháp này là chia nhỏ những chủ điểm ngôn ngữ đến mức độ cơ bản nhất để người đọc có thể học. Việc đưa vào những bài viết quá dài sẽ dần làm nản chí người đọc hoặc dẫn đến tình trạng kiệt sức nếu có hoàn thành.
Tuy không phải là yếu tố cốt lõi như ở phương pháp đọc mở rộng, nhưng nội dung của tài liệu vẫn nên là chủ đề mà người đọc quan tâm, tránh gây mất hứng thú vì quá trình của phương pháp này vốn đã cần nhiều đầu tư tinh lực hơn.
Trong khi phương pháp đọc mở rộng thường xuyên bị bỏ qua trong quá trình dạy-học trên lớp thì phương pháp chuyên sâu lại được tích hợp thường xuyên hơn. Do đó, nguồn tư liệu phục vụ cho phương pháp cũng dồi dào hơn so với phương pháp mở rộng. Dưới đây là một vài gợi ý về nguồn luyện tập cho phương pháp này, người đọc có thể tự mở rộng thêm:
Những bản tin, trang báo chính thống
Nguồn gợi ý: Washington Post, New York Times,…
Những trang thông tin với lượng kiến thức lớn và cập nhật
Nguồn gợi ý: Wikipedia
Truyện ngắn (short stories)
Blog: là dạng website thông tin riêng hoặc nhật ký trực tuyến, có thể thuộc về một cá nhân hay một tổ chức nhỏ. Đặc điểm của những bài viết trên blog là thuộc một vài chủ đề nhất định mà chủ nhân blog đó ưa thích, mang ý kiến cá nhân, đồng thời cấu trúc và ngữ pháp cũng mang tính bản xứ, tự nhiên. Những chủ đề của blog post nhắm tới những thị trường nhất định (được gọi là niche), nên những bài viết thường chuyên sâu hơn so với những trang báo tổng hợp thông thường.
Dưới đây là một số trang blog post tham khảo với các chủ đề khác nhau:Techradar.com, Theverge.com (công nghệ); Healthline.com (sức khỏe và dinh dưỡng); Childmode.com (mẹ và bé); Investopedia.com (tài chính);…
Những bài đọc của các kì thi chứng chỉ, ví dụ như IELTS Reading,…
Tương tự, phương pháp cũng có một vài yếu tố cần lưu ý khác ngoài phương thức vận dụng:
Phương pháp sẽ có hiệu quả nhất khi người đọc tham gia lúc có nhiều năng lượng nhất.
Thời gian đọc nên trong khoảng 30-40 phút, tránh gây tình trạng mệt mỏi vì tập trung xử lý thông tin trong thời gian dài.
Như vậy, tác giả đã giới thiệu 2 phương thức đọc hiểu: đọc mở rộng và đọc sâu cho người đọc. Phần tiếp theo của “So sánh đọc mở rộng và đọc sâu trong học tiếng Anh” sẽ chỉ ra sự khác biệt giữa hai phương pháp giúp người đọc áp dụng thuận lợi vào quá trình đọc hiểu.
Ngô Phương Thảo