Đọc (Reading) là một trong những kỹ năng cốt yếu và thực tế, nhất là khi đặt trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của các lĩnh vực mang tính nghiên cứu – học thuật trong gần hai thập kỷ trở lại đây. Có rất nhiều phương pháp đọc được ứng dụng phổ biến cho các hoạt động giáo dục nói chung và kỹ năng ngôn ngữ nói riêng. Trong đó, hai phương pháp đọc mở rộng (Extensive reading) và chuyên sâu (Intensive reading) được biết đến rộng rãi hơn cả vì tính ứng dụng của hai kỹ năng này trong việc học ngôn ngữ thứ 2.
Cả hai phương pháp được nghiên cứu và hình thành lần đầu tiên vào năm 1921 bởi nhà ngôn ngữ học Harold Palmer. Từ đó đến nay đã có thêm rất nhiều nghiên cứu, bổ sung xoay quanh hai phương pháp đọc này giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về lợi ích của cả hai trong quá trình phát triển ngôn ngữ thứ hai.
Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu phương pháp đọc mở rộng và đọc chuyên sâu là gì, phân tích, so sánh vai trò của hai phương pháp đọc này và trình bày ứng dụng riêng biệt của chúng trong việc học tiếng Anh.
Đọc mở rộng (Extensive reading)
Định nghĩa
Chính trong nghiên cứu của mình, Palmer đã viết về định nghĩa của phương pháp đọc mở rộng như sau: “rapidly, book after book and with a focus on the meaning and not the language of the text”. (Tạm dịch: đọc nhanh từ cuốn sách này sang cuốn sách khác và tập trung vào ý nghĩa chứ không phải ngôn ngữ của cuốn sách đó).
Hiểu một cách đơn giản, phương pháp đọc mở rộng là quá trình đọc nhiều nhất có thể và được phép bỏ qua những yếu tố “nhỏ nhặt” trong quá trình đọc, ví dụ như việc không nắm vững cấu trúc câu hay nghĩa của một số từ vựng không có vai trò quan trọng. Dù vậy, người đọc vẫn cần đảm bảo hiểu nghĩa của câu văn, đoạn văn hay cả bài viết.
Lợi ích của phương pháp đọc mở rộng
Đã có rất nhiều đề tài và nghiên cứu đã thảo luận về phương pháp đọc này, chủ yếu vì nó đi ngược lại với hiểu biết chung của số đông các học giả về quá trình đọc vào thời điểm đó, đặc biệt là trong quá trình học ngôn ngữ mới.
Sau đây là một vài cơ sở lý thuyết phát triển cho phương pháp đọc mở rộng, cũng như những lợi ích kèm theo khi ứng dụng phương pháp này:
Cơ sở của phương pháp
Quá trình đọc không đặt nặng về trình độ ngôn ngữ mà thay vào đó tập trung vào sự hứng thú của người đọc thông qua nội dung. Từ đó việc đọc sẽ giúp gia tăng thời gian tiếp xúc với ngôn ngữ, thúc đẩy quá trình tiếp thu ngôn ngữ được diễn ra tự nhiên hơn.
Đọc – Viết là hai kỹ năng có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau. Kỹ năng đọc – quá trình tiếp thụ ngôn ngữ thụ động (input) – được xem là nền tảng của kỹ năng viết – quá trình thể hiện ngôn ngữ chủ động (output). Vì thế, phương pháp đọc mở rộng có vai trò đồng thời cải thiện kỹ năng viết, nhất là khi phương pháp này hướng đến thời gian tiếp xúc ngôn ngữ lâu dài của người học.
Ứng dụng thực tiễn
Người đọc tiếp xúc với khả năng giải đoán từ vựng – là khả năng nhận biết nghĩa của một từ nhờ vào ngữ cảnh trong câu văn, đoạn văn thay vì sử dụng phương pháp dịch (ví dụ như tra từ điển). Người đọc sẽ có thể ghi nhớ lâu hơn và vận dụng thành thạo hơn khi tiếp thu từ vựng theo cách này vì người đọc được tiếp xúc với từ vựng được sử dụng trong ngữ cảnh. Thực tế cũng chứng minh việc giải đoán từ vựng cũng diễn ra rất phổ biến trong giao tiếp hằng ngày khi hai người đối thoại với nhau không nhất thiết phải hiểu hết những từ vựng được sử dụng, nhưng vẫn có thể hiểu được nội dung và thông điệp người đối diện muốn truyền tải.
Bổ trợ kỹ năng và thói quen đọc sách: Một số thí nghiệm nghiên cứu cụ thể dựa trên cách tiếp cận này cho thấy kết quả gần như tức thời trong việc hình thành thói quen đọc sách, ít nhất là trong thời gian ngắn. Trong vòng 2 tuần, số lượng sách của những người thí nghiệm tăng từ 2-5 cuốn/người.
Tóm lại, phương pháp đọc mở rộng về căn bản vẫn hướng tới việc tiếp thu từ vựng và ngữ pháp. Tuy nhiên, quá trình tiếp thu diễn ra tự nhiên do người đọc tiếp xúc với ngôn ngữ dựa trên động lực ban đầu là sự hứng thú với nội dung bài đọc, thay vì “ép buộc” bản thân phải học một kiến thức ngôn ngữ mới (từ vựng, ngữ pháp). Chính vì vậy, sự tiếp xúc với các kiến thức ngôn ngữ này trong thời gian dài sẽ tạo nên độ “lắng”, vừa giúp người đọc mở rộng thêm vốn từ vựng, ngữ pháp, vừa giúp người đọc vận dụng được các kiến thức đó hiệu quả.
Sử dụng phương pháp đọc mở rộng
Dựa vào tính chất của phương pháp, có vài tiêu chí, điều kiện nhất định về tài liệu đọc mà người học cần chú ý để quá trình vận dụng phương pháp đạt hiệu quả cao nhất.
Nội dung của tài liệu là những đề tài, chủ đề mà người đọc thực sự hứng thú, quan tâm hay thắc mắc. Điều này đảm bảo cho quá trình đọc được diễn ra thoải mái hơn.
Mức độ ngôn ngữ của tài liệu cần phù hợp với trình độ hiện tại của người đọc, tốt nhất là vừa vượt ra khỏi “mức an toàn” của người đọc vừa để quá trình giải đoán từ vựng có thể diễn ra, vừa không gây khó khăn gián đoạn quá trình hay hứng thú của người đọc. Ví dụ nếu trình độ người học ở mức B1 (khung Tham chiếu ngôn ngữ chung Châu Âu – CEFR) và có hứng thú với việc đọc tiểu thuyết, người học không nên lựa chọn đọc những tác phẩm văn học được viết vào đầu thế kỉ XX vì ngôn ngữ sử dụng là những từ vựng cổ, khó hiểu và không phù hợp cho người học trong việc ứng dụng ngôn ngữ vào thực tế.
Chú ý về độ dài của tài liệu. Cụ thể, theo dữ liệu từ trang capitalizemytitle.com – một công cụ chuyên kiểm tra tiêu đề và đếm từ vựng cho các bài nghiên cứu – trung bình một người mất gần 2 phút để đọc hết một trang sách. Như vậy, tài liệu cần đạt độ dài ở mức trung bình khoảng 15-30 trang. Số lượng trang ở mức đó vừa đủ cho việc hình thành và phát triển một ý tưởng hoặc một bài tường thuật hoàn chỉnh. Người đọc cũng dễ dàng theo dõi và hình thành kết nối đối với các thông tin, luận điểm, sự việc hay nhân vật trong bài.
Dưới đây là một số nguồn tài liệu tiếng Anh phù hợp cho việc luyện tập phương pháp đọc mở rộng:
Graded Reader: Đây là một loại sách được viết chuyên phục vụ cho phương pháp đọc Mở rộng. Sách graded reader còn được phân loại theo các bậc trình đọc khác nhau, nhưng nhìn chung ngôn ngữ trong sách đều rất dễ đọc.
Nguồn gợi ý: https://www.pearson.com/english/catalogue/readers.html
Các nền tảng trực tuyến: Ngoài những loại sách phân loại trình độ cụ thể, trên mạng còn có rất nhiều những trang webs, blogs, forums được sinh ra cùng mục đích với sách graded reader nêu trên – phục vụ phương pháp đọc mở rộng.
Nguồn gợi ý: https://www.lingq.com/en/?referral=SuperLuca
Sách bản ngữ: Một trong những cách cơ bản nhất để tiếp xúc với ngôn ngữ của người bản xứ là đọc sách bản xứ. Tuy nhiên, các nguồn sách và đầu sách thì có rất nhiều và văn phong cũng thuộc nhiều trình độ và đề tài khác nhau. Vì vậy, việc tìm hiểu các đầu sách phù hợp với cả chủ đề ưa thích và khả năng tiếng Anh của bản thân là rất cần thiết. Có rất nhiều diễn đàn được sinh ra với mục đích này.
Nguồn gợi ý: https://www.goodreads.com
Các nguồn khác: Người đọc có thể tự tham khảo thêm các nguồn đọc khác phù hợp với bản thân như: truyện tranh, tạp chí,… Dưới đây là tên một vài tạp chí nổi tiếng thuộc các lĩnh vực khác nhau cho người đọc tham khảo.
Ví dụ: Fast Company (kinh tế); Cricket, Cicada(văn học giới trẻ); Reader’s Digest (chia sẻ về con người, truyền cảm hứng); Elle, Vogue (thời trang), Sunset (du lịch khám phá),…
Ngoài điều kiện, phương pháp vận dụng và những nguồn tài liệu tham khảo nêu trên, có một vài yếu tố cần lưu ý khác:
Tránh các chủ đề quá chuyên sâu mặc dù chúng có thể phản ánh sở thích của bạn. Bởi vì trong văn bản có thể xuất hiện những thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu có thể làm gián đoạn quá trình đọc của người đọc.
Thời gian đọc một lần nên kéo dài ít nhất 1 tiếng hoặc hơn.
Phương pháp này sẽ hiệu quả nhất khi bạn đọc trong thời gian thư giãn nhất, như khi bạn đang nghỉ ngơi.
Vậy phương pháp đọc chuyên sâu (Intensive Reading) là gì? Làm thế nào để áp dụng? Hãy tiếp tục đọc phần tiếp theo của bài viết 'So sánh đọc mở rộng và đọc chuyên sâu trong học tiếng Anh' để biết thêm chi tiết.
Ngô Phương Thảo