
Camelus ferus | |
---|---|
Tình trạng bảo tồn | |
Cực kỳ nguy cấp (IUCN 3.1) | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Chordata |
Lớp (class) | Mammalia |
Bộ (ordo) | Artiodactyla |
Họ (familia) | Camelidae |
Chi (genus) | Camelus |
Loài (species) | C. ferus |
Danh pháp hai phần | |
Camelus ferus Przewalski, 1878 | |
Phân bố hiện tại |
Lạc đà hai bướu hoang dã (tên khoa học: Camelus ferus) là một loài động vật trong họ Camelidae. Loài này có mối quan hệ họ hàng gần với lạc đà hai bướu thuần hóa (Camelus bactrianus): cả hai loài đều là động vật guốc chẵn, hai bướu, lớn sống tự nhiên ở thảo nguyên Trung Á. Cho tới gần đây, lạc đà hai bướu hoang dã từng được coi là bắt nguồn từ lạc đà hai bướu đã được thuần hóa nhưng sau đó thoát ra sống tự do hoang dã. Tuy nhiên, các nghiên cứu di truyền học chỉ ra rằng đó là một loài riêng biệt, đã rẽ ra khỏi lạc đà hai bướu khoảng 1,1 triệu năm trước.
Phân bố
Thời cổ đại, lạc đà hai bướu hoang dã sống từ khu vực của sông Hoàng Hà lớn kéo dài về phía tây tới các sa mạc Nội Mông và xa hơn tới tây bắc Trung Quốc và miền trung Kazakhstan. Trong thế kỷ 19, do săn bắn để lấy da và thịt, sự hiện diện của nó được ghi nhận ở các khu vực hoang dã của các sa mạc Taklamakan, Kumtag và Gobi ở Trung Quốc và Mông Cổ. Trong những năm 1920, chỉ còn lại các quần thể nhỏ được ghi nhận tại Mông Cổ và Trung Quốc.
Hiện nay chỉ còn khoảng 1.000 cá thể của loài này còn sống. Phần lớn sống trong Khu bảo tồn Tự nhiên Quốc gia Lạc đà hoang dã Lop Nur ở Trung Quốc, và một số nhỏ sống tại Khu bảo tồn nghiêm ngặt Đại Gobi ở tây nam Mông Cổ. Ngoài ra, còn có các quần thể nhỏ khác tại Khu bảo tồn Tự nhiên Quốc gia Altun Shan (1986) ở trấn Nhược Khương, tại Khu bảo tồn Tự nhiên Aksai Annanba (1992) và tại Khu bảo tồn Tự nhiên Dunhuang Wanyaodun (nay là Khu bảo tồn Lạc đà hoang dã Dunhuang Xihu) tiếp giáp với khu bảo tồn tại Qakilik (2001) và khu bảo tồn tại Mazongshan tiếp giáp với khu bảo tồn tại Mông Cổ, tất cả đều ở Trung Quốc.
Môi trường sống
Môi trường sống của loài này là các bình nguyên và đồi núi khô cằn, nơi nước ngọt hiếm và ít cây cối, với các bụi cây là nguồn thức ăn chính của chúng. Môi trường này có nhiệt độ dao động rất lớn: mùa hè lên đến 40–50 °C, mùa đông xuống tới −30 °C.
Lạc đà hai bướu hoang dã phải di chuyển xa để tìm kiếm nước ở những vùng gần đồi núi, có suối hoặc tuyết phủ. Một đàn có thể lên tới 100 cá thể nhưng thường chỉ có 2-15 con. Tại Trung Quốc, đã phát hiện 39 đàn và ước tính khoảng 600-650 cá thể tại khu bảo tồn Altun Shan-Lop Nur vào cuối năm 2018, với 48 đàn được ghi nhận tại khu bảo tồn Dunhuang trong cùng năm.
Tên gọi
Tên gọi của lạc đà hai bướu hoang dã trong tiếng Trung là 野双峰驼 (dã song phong đà). Tiếng Mông Cổ gọi là хавтгай, khavtgai ('mặt phẳng').
Tên gọi trong tiếng Anh của hai loài lạc đà hai bướu C. ferus và C. bactrianus đều xuất phát từ Bactrian, theo tên của vùng Bactria (Đại Hạ) ở Trung Á trong thời cổ đại.