Fluency (Độ lưu loát) là một trong bốn tiêu chí để đánh giá điểm thi IELTS Speaking của một ứng viên, đây cũng là khía cạnh mà thí sinh thường cảm thấy khó để luyện tập và trình bày. Trong bài viết này, tác giả sẽ đi sâu vào vấn đề để làm rõ, đưa ra một số giải pháp giúp người học luyện tập nói một cách trôi chảy trong IELTS Speaking.
Key takeaways:
“Fluency” (Độ lưu loát) là một trong bốn tiêu chí trong bảng đánh giá phần thi Nói của kì thi IELTS, đánh giá khả năng nói của một thí sinh. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến việc đánh giá mức độ trôi chảy trong IELTS Speaking bao gồm: Tính liên tục của bài nói – Tốc độ - Độ dài câu trả lời.
Sự thiếu cơ hội luyện tập xuất phát do người học chưa tìm được người luyện cùng, hay chưa thực sự tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh.
Một lầm tưởng mà nhiều người mắc phải đó chính là: Tốc độ nói càng nhanh thì trình độ của người ấy càng cao. Thực tế không phải bởi nói quá nhanh khiến não bộ sẽ không xử lý kịp thời, khiến các câu chữ được phát âm không rõ ràng và ngược lại, nói quá chậm sẽ khiến đối phương cảm thấy mệt mỏi và khó chịu.
Thí sinh không nên “quan trọng hóa” việc phát triển ý tưởng sao cho đúng, sáng tạo bởi đây chỉ đơn thuần là bài thi Nói, đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của thí sinh.
Việc chú trọng, trau chuốt quá kĩ về mặt Ngữ pháp và từ vựng sẽ gây ra lỗi tự sửa, ảnh hưởng rất lớn đến độ trôi chảy của phần thi.
Hiểu rõ về tiêu chí Lưu Loát trong phần thi IELTS Speaking?
Tiêu chí Lưu Loát trong bảng đánh giá kỳ thi IELTS Speaking là gì?
Tiêu chí Fluency (Độ trôi chảy) đề cập tới mức độ lưu loát của thí sinh, được đánh giá dựa trên ba khía cạnh nhỏ hơn là:
Tính liên tục của bài nói: Phần trình bày của người thi đảm bảo tính “liên tục” và hạn chế những nhịp ngừng không tự nhiên do ấp úng, số lần tự sửa lỗi có giới hạn,…
Tốc độ của bài nói: Phần thi nói của thí sinh phải được thể hiện ở tốc độ vừa phải, tự nhiên, ngắt nghỉ đúng chỗ, không quá nhanh hay chậm gây khó hiểu cho người nghe.
Độ dài câu trả lời: Thí sinh cần cung cấp các câu trả lời với độ dài tương đối, phù hợp với từng phần thi
Vì sao diễn đạt một cách lưu loát lại quan trọng trong kỳ thi IELTS Speaking?
Nói trôi chảy và mạch lạc là một cách để đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp của một thí sinh có tốt hay không, bao gồm việc nói ở tốc độ tiêu chuẩn, không có sự ngập ngừng, các ý trong câu được sắp xếp theo trật tự logic,… Tùy theo từng band điểm thì sẽ có những yêu cầu khác nhau cho tiêu chí trên. Dưới đây là tiêu chí chấm Fluency theo từng band điểm IELTS:
Band | Fluency |
9 | - Nói trôi chảy và hiếm khi lặp lại hay tự điều chỉnh, sửa lỗi - Mọi sự do dự, ngập ngừng trong lúc nói đều liên quan đến nội dung hơn là tìm từ hoặc ngữ pháp |
8 | - Nói một cách trôi chảy, chỉ thỉnh thoảng lặp từ hoặc tự sửa lỗi hay ngập ngừng do tìm nội dung, ý diễn đạt chứ hiếm khi phải dừng để tìm từ ngữ |
7 | - Có thể kéo dài câu nói mà không cần nỗ lực nhiều hoặc mất tính mạch lạc Đôi khi có thể thể hiện sự ngập ngừng liên quan đến ngôn ngữ hoặc một số sự lặp lại và / hoặc tự điều chỉnh, sửa lỗi |
6 | - Sẵn sàng kéo dài câu nói, mặc dù đôi khi có thể mất độ mạch lạc do thỉnh thoảng lặp lại, tự sửa lỗi hoặc do ngập ngừng |
5 | - Có thể duy trì được độ trôi chảy của lời nói nhưng phải lặp lại, tự sửa lỗi, nói chậm để đảm bảo sự liên tục của phần thi. - Tạo ra được những lời nói đơn giản và lưu loát, nhưng việc truyền đạt bị phức tạp hơn nên gây ra các vấn đề về độ trôi chảy |
4 | - Trong lúc trả lời vẫn có những khoảng dừng đáng chú ý và có thể nói chậm, thường xuyên bị lặp và tự sửa lỗi |
3 | - Nói với những khoảng dừng dài. Chỉ đưa ra được những câu trả lời đơn giản và thường không thể truyền tải thông điệp cơ bản |
2 | - Có các khoảng dừng dài trước hầu hết các từ. Khả năng truyền đạt thấp |
1 | - Không thể giao tiếp và truyền đạt ngôn ngữ - không thể đánh giá được |
Các thách thức khi luyện tập diễn đạt lưu loát và những giải pháp
Không luyện tập thường xuyên
Một trong những rào cản lớn nhất trong việc cải thiện nói trôi chảy là việc thiếu cơ hội luyện tập. Luyện tập thường xuyên là chìa khóa mấu chốt để có thể nói tốt, tuy nhiên ngoài giờ lên lớp, rất ít học viên có thể xây dựng cho bản thân thói quen luyện nói hàng ngày. Cho dù người học có biết nhiều từ vựng, sử dụng được nhiều cấu trúc ngữ pháp khác nhau nhưng nếu không trau dồi và luyện tập thường xuyên thì họ cũng có thể mau chóng quên và không biết cách áp dụng chúng vào đúng ngữ cảnh – điều này có thể ảnh hưởng tới 50% số điểm trong bài thi IELTS.
Lý do mà người học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng thường ngại luyện nói bởi họ không tìm được cho mình người để luyện tập cùng. Một số khác lại cảm thấy rối rắm, chưa tự tin khi sử dụng tiếng Anh trong môi trường giao tiếp. Vấn đề này có thể giải quyết đơn giản, đặc biệt khi đang sống trong thời đại mà các thiết bị công nghệ ngày một phát triển, cụ thể:
Tham gia các hội nhóm luyện nói trên các trang mạng xã hội lớn như: Facebook,… để tìm và kết nối với partner phù hợp với bản thân. Khi đã liên lạc được, hãy sắp xếp lịch và luyện tập cùng nhau, đôi bên sẽ nghe, nhận xét và sửa chữa những lỗi sai của đối phương. Các chủ đề nói có thể tham khảo tại: Tổng hợp bài mẫu IELTS Speaking Part 1: 26 chủ đề phổ biến nhất phần – IELTS Speaking Part 1
Sử dụng các ứng dụng, website (một số có yêu cầu trả phí) để kết nối với những người có cùng mong muốn luyện nói tiếng Anh. Nếu như không thể đến lớp học hay ra ngoài thì đây chính là lựa chọn vô cùng hợp lý bởi hiện nay có rất nhiều app luyện nói tiếng Anh chất lượng tốt, có nhiều tính năng hỗ trợ người dùng. Một vài gợi ý phù hợp người dùng có thể tham khảo như: Cake, ELSA Speak, VOA,...
Nếu sống ở các thành phố lớn, người học có thể dễ dàng tìm tới và trao đổi với những người bản xứ đến từ những nước nói tiếng Anh. Hãy luyện tập giao tiếp với họ bằng những đoạn hội thoại thường ngày và nếu được, lắng nghe những lời nhận xét để rút kinh nghiệm và nâng cao trình độ hơn.
Nói quá nhanh hoặc quá chậm
Một người được đánh giá là có khả năng nói tốt là nói với tốc độ vừa phải, và trơn tru. Nhiều người cho rằng nói tiếng Anh lưu loát là phải nói “nhanh như gió”, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Nếu nghe người bản xứ nói trong các bộ phim, bản tin hay đài radio thì họ thường nói với tốc độ vừa phải, lưu loát, dễ nghe. Việc cố gắng nói quá nhanh gây ra sự mất kết nối vì não bộ không thể theo kịp tốc độ nói của miệng. Khi ấy, việc phát âm các câu chữ sẽ trở nên không rõ ràng, gây ra sự mơ hồ, khó hiểu cho đối phương. Ngược lại, việc nói quá chậm, ề à gây cho người nghe sự mất kiên nhẫn, mệt mỏi và thậm chí là khó chịu, và sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến điểm số của thí sinh.
Vì vậy, hãy tập trung vào cách nói vừa phải, dễ nghe, bình tĩnh và trơn tru. Việc này không chỉ giúp bài nói trở nên lưu loát, phát âm được chính xác mà còn giúp thí sinh có thời gian để phát triển ý tưởng để nói, đồng thời lựa chọn ngữ pháp và từ vựng sao cho phù hợp với ngữ cảnh. Một cách để điều chỉnh tốc độ chính là áp dụng kỹ thuật “nói đuổi”. Người học có thể tùy chọn một đoạn audio, hội thoại ngắn để nghe đi nghe lại, sau đó bắt chước theo cách mà người nước ngoài nói để nắm được tốc độ, cách lên xuống tông giọng, cách nhấn nhá,... Tiếp đó, hãy thu âm những câu thoại vừa rồi để nghe lại và phát hiện ra những chỗ sai của bản thân. Việc thu âm – nghe lại – sửa sẽ tăng khả năng nói lên rất nhiều lần so với việc chỉ nói đuổi theo.
Dành quá nhiều thời gian cho việc suy nghĩ ý tưởng
Đây cũng là một trong những vấn đề lớn nhất mà thí sinh thường gặp phải, gây cản trở sự lưu loát của phần thi. Đây chỉ đơn thuần bài kiểm tra khả năng nói của ứng viên chứ không phải muốn bài kiểm tra về “sự sáng tạo” hay “trí thông minh”. Nếu nhìn vào tiêu chí đánh giá bài thi, người đọc sẽ thấy rằng không có mục nào chấm điểm cho những ý tưởng “hay – độc – lạ” hết. Nhiều thí sinh khi “bí ý tưởng” trong khi nói sẽ tạo ra những tiếng “umm”, “ahhh” hay “emm” gây mất tự nhiên, giảm đi tính trôi chảy khi nói.
Người ôn không nên quá tập trung về chất lượng nội dung bài nói của mình bởi đây không giống như bài thi trắc nghiệm – không có đáp án nào đúng hay sai. Thay vào đó thí sinh nên cho giám khảo thấy được khả năng nói của bản thân, dựa vào bốn tiêu chí chính trong phần đánh giá. Hãy sử dụng hết tất cả hiểu biết của mình để trả lời các câu hỏi, và nếu thực sự không biết hay chỉ biết một chút, đừng quá lo lắng mà hãy nói với giám khảo. Ngoài ra, thí sinh có thể áp dụng một vài cấu trúc giúp kéo dài thời gian suy nghĩ mà vẫn duy trì được “tính liên tục” của bài nói như: “Let’s see…”, “That’s a difficult question” hay “I’ve never really thought about that, but,...”
Người đọc có thể tham khảo thêm một số phương pháp để tận dụng thời gian suy nghĩ ý tưởng cho câu trả lời và phát triển ý tưởng qua bài viết:
Tập trung quá mức vào Ngữ pháp và Từ vựng
Ngữ pháp và Từ vựng đóng vai trò quan trọng, chiếm đến 50% số điểm của phần thi, nhưng tập trung quá mức vào hai yếu tố này sẽ làm giảm sự lưu loát trong bài nói của thí sinh. Một số ứng viên, đặc biệt những người đang ở mức band điểm 4.0 – 6.0 thường có những giây phút ngừng tự nhiên vì họ tự sửa lỗi (self-correction), nhận ra và tự sửa lỗi ngữ pháp – từ vựng ngay trong khi nói.
Thực tế, trong giao tiếp thì việc phạm phải lỗi là điều rất bình thường, kể cả người bản địa cũng có thể mắc lỗi khi nói. Tuy nhiên, khi nhận ra mình sử dụng sai cấu trúc ngữ pháp hoặc từ vựng, thí sinh chỉ nên tự sửa khoảng 2-3 lần trong một bài nói dài, 1-2 lần trong những bài nói ngắn, và có thể bỏ qua ở những lỗi nhỏ, không ảnh hưởng đến ý nghĩa của câu nói. Bởi khi sửa quá nhiều sẽ làm mất “liên tục” của bài nói, gây ra sự ngập ngừng hoặc tạo ra khoảng im lặng. Và một lưu ý, khi tự sửa thì nên chắc chắn về độ chính xác, bởi nếu sửa lại vẫn sai thì có thể sẽ mất điểm nhiều hơn.