Tôi luôn khuyên sinh viên đọc chủ động. Một người đọc chủ động sẽ biến việc đọc thành một cuộc đối thoại với tác giả và nội dung (sách, báo) họ đọc. Trong cuộc đối thoại này, họ sẽ tự đặt câu hỏi; cố gắng hiểu mục đích, quan điểm của tác giả và ý nghĩa của từ ngữ; và suy nghĩ xem họ đồng ý hay phản đối ý chính của văn bản ra sao.
Một trong những sai lầm lớn nhất mà tôi thấy ở sinh viên là quá thụ động khi đọc: tiếp nhận thông tin mà không cố gắng suy nghĩ và hiểu thấu đáo nội dung.
Khi gặp đoạn văn, nội dung hoặc ý tưởng không hiểu, hãy dừng lại. Đọc lại những gì bạn chưa hiểu. Nếu vẫn bối rối, tìm sự giúp đỡ từ bạn bè, giáo sư, hoặc Internet. Đừng ngồi đó và để sự bối rối chi phối bạn!
Tùy vào mục tiêu và ưu tiên đọc, bạn có thể chọn một trong bốn phương pháp đọc sau đây:
Đọc lướt (skim reading)
Đọc lướt cho phép bạn nhanh chóng nắm bắt tổng quan và hiểu sơ lược về nội dung văn bản. Bạn nên sử dụng kỹ thuật này khi mục đích đọc không phải để hiểu sâu mà chỉ để nắm bắt ý chính và cách sắp xếp thông tin của cuốn sách hoặc bài báo.
Đọc quét (scan reading)
Trong cuộc sống hàng ngày, bạn chắc chắn đã nhiều lần sử dụng kỹ thuật đọc quét. Ví dụ, khi tra nghĩa từ trong từ điển, tìm tên bạn bè trong danh bạ điện thoại, chọn phim yêu thích trên trang web, hoặc tìm kết quả trận đấu bóng đá trên báo.