Khái niệm multitasking hay làm việc đa nhiệm đã trở nên quen thuộc đối với con người hiện đại, đặc biệt là giới trẻ - những người thường sớm được tiếp xúc với hai trong những siêu công cụ của thời đại mới, đó là điện thoại thông minh và máy tính. Nhờ vào bộ vi xử lý tối tân, những thiết bị này không chỉ có khả năng làm tất cả các tác vụ phức tạp như tính toán, liên lạc, giải trí, sáng tạo, quản lý, truy xuất và lưu trữ thông tin, mà chúng còn có thể làm những việc trên cùng một lúc. Khả năng đa nhiệm của máy tính là điều không thể chối cãi, nhưng liệu bộ não của con người có thật sự làm việc đa nhiệm hay không? Câu trả lời là không, và bài viết này sẽ giúp người học phần nào hiểu được cách bộ não người làm việc, tác hại của làm việc đa nhiệm lên khả năng tập trung của não và giới thiệu một số phương pháp người học có thể áp dụng để cải thiện tình trạng mất tập trung học tiếng Anh làm việc đa nhiệm.
Key takeaways
1. Bộ não con người không được thiết kế để làm nhiều việc đòi hỏi tư duy cùng một lúc.
2. Khi người học đưa bản thân vào môi trường đa nhiệm trong một thời gian dài, khả năng tập trung có thể bị suy giảm do tính chất gây nghiện của sự mới mẻ đối với não.
3. Để cải thiện sự mất tập trung do làm việc đa nhiệm gây ra:
Trong quá trình ôn luyện IELTS Listening, người học có thể chia nhỏ bài nghe để luyện tập trong thời gian đầu và tăng dần, tận dụng triệt để khoảng thời gian đọc đề để định hướng thông tin, và luôn nhắc nhở bản thân là không được cắt ngang mạch nghe khi băng còn đang chạy.
Trong quá trình làm việc hay học tập, người học có thể lên lịch biểu rõ ràng cho từng việc và áp dụng phương pháp Pomodoro.
Trong sinh hoạt hằng ngày, người học có thể để ý đến việc nhận diện các tình huống đa nhiệm và loại bỏ chúng, đồng với áp dụng phương pháp Ma trận Eisenhower để sắp xếp thứ tự ưu tiên.
Tổng quan về sự mất tập trung do làm đa nhiệm
Cơ chế hoạt động của não khi thực hiện nhiều công việc cùng lúc
Theo Madore và Wagner (2019), có rất ít mối tương quan giữa khả năng đa nhiệm và khả năng thực tế của bộ não loài người. Họ cho rằng về mặt cấu trúc, bộ não của loài người được thiết kế để thực hiện chỉ một mục tiêu tại một thời điểm. Điều này có nghĩa là trong lúc con người nghĩ rằng mình đang làm việc đa nhiệm, thì họ thực chất đang ép bộ não chuyển đối liên tục từ mục tiêu này sang mục tiêu khác. Trong quá trình đó, thuỳ trước trán – nơi chịu trách nhiệm xác định mục tiêu và ra lệnh cho các phần còn lại của não, đang trở thành một chiếc công tắc bị gạt đi gạt lại không ngừng. Để hiểu hơn về cách hoạt động của não, hãy xem xét các ví dụ sau:
Tình huống 1: Trong lúc John đang lái xe, thuỳ trước trán xác định mục tiêu của John là lái xe và nó sẽ huy động các nơ-ron thần kinh kết nối thuỳ trán, thuỳ đỉnh và thuỳ chẩm ở bán cầu não phải để quan sát hình ảnh, không gian và điều khiển vận động thô của cơ thể. Thế rồi đột nhiên chuông điện thoại reo và hiện lên dòng tin nhắn, thay vì mặc kệ tin nhắn đó, John quyết định một tay cầm vô lăng và một tay cầm điện thoại lên để kiểm tra. Khi đó, thuỳ trán của John đã đột ngột đưa ra một mục tiêu mới đó là đọc và trả lời tin nhắn, khiến nó ngắt các kết nối nơ-ron trước đó dùng cho việc lái xe, và thiết lập những kết nối mới với thuỳ trán, thuỳ đỉnh, thuỳ chẩm và thuỳ thái dương ở bán cầu não trái để điều khiển khả năng suy nghĩ logic, quan sát kí hiệu, điều khiển ngôn ngữ và vận động tinh. Trong lúc này, về mặt khoa học, John chỉ đang để xe chạy theo quán tính chứ không thật sự điều khiển nó.
Tình huống 2: Esther, một “multitasker kì cựu”, đang làm bài thi IELTS Listening ở câu thứ 20 và đột nhiên phát hiện mình ghi sai chính tả ở đáp án câu 14. Theo bản năng, thuỳ trước trán của Esther sẽ nhanh chóng thiết lập mục tiêu mới là sửa chính tả, kết nối thuỳ trán, thuỳ đỉnh và thuỳ chẩm để khiến Esther dồn sự tập trung vào việc đọc chữ, gõ phím, và truy xuất kiến thức từ vựng. Để làm được điều trên, thuỳ trước trán đã phải huỷ đi kết nối giữa thuỳ trán và thuỳ thái dương – chịu trách nhiệm xử lý thông tin qua thính giác, và từ đó, vô tình ngắt đi mạch nghe và có thể bỏ lỡ mất thông tin quan trọng cho câu 20. (Điều này đã xảy ra nhiều lần trong quá trình tác giả ôn luyện kỹ năng nghe cho kì thi IELTS.)
Ảnh hưởng của thói quen làm đa nhiệm đến khả năng tập trung của não
Theo Daniel Levitin - nhà thần kinh học và tác giả của một trong những quyển sách bán chạy nhất theo New York Times, vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex) – khu vực chịu trách nhiệm đặt mục tiêu, lên kế hoạch, giữ tập trung, điều phối những hành động và kiềm chế cảm xúc, lại có xu hướng thiên vị sự mới mẻ. Do vậy, làm việc đa nhiệm tạo nên một vòng lặp gây nghiện, khi hormone dopamine - thứ có tính chất gây nghiện vì mang lại cảm giác hạnh phúc, không ngừng được tiết ra để “thưởng” bộ não vì đã liên tục tìm kiếm được những kích thích mới ở bên ngoài, dẫn đến việc não trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố gây xao nhãng như tiếng ồn, tin tức mới trên mạng xã hội, hay một giai điệu hay. Đây là một vòng lặp mà một khi đã nghiện, sẽ rất khó để người học lấy lại sự thăng bằng trong tâm trí.
Phương pháp cải thiện sự tập trung khi học tiếng Anh
Trong khi luyện tập IELTS Listening
Vì đối tượng độc giả chủ yếu của bài viết này nói riêng và Mytour nói chung là những người quan tâm đến kì thi IELTS, tác giả tin rằng việc thực hành ngay trên bài IELTS Listening là điều thiết thực.
Trong IELTS Listening, một bài nghe thường kéo dài khoảng 30 phút với 4 bài nghe nhỏ khác nhau, và đây có thể là một thử thách khó nhằn với những bộ não dễ bị phân tâm hay chưa quen với áp lực của bài thi IELTS Listening. Do vậy, tác giả gợi ý người học nên chia nhỏ bài nghe để luyện tập theo từng phần và rồi tăng dần theo thời gian.
Đầu tiên, người học hãy chọn nghe phần 1 và 2, những phần có nội dung tương đối gần gũi với đời sống và dễ tạo mối liên hệ với người nghe. Sau đó, người học hãy tăng độ khó bằng việc làm lẻ phần 3 và 4 của bài thi, với nội dung học thuật hơn. Cuối cùng, chỉ khi người học cảm thấy mình có thể tập trung tốt trong suốt mỗi phần nghe, thì người học mới nên thực hành làm toàn bài thi gồm 4 phần với thời gian như thi thật. Người học có thể tham khảo lộ trình sau để hiểu rõ hơn:
Bên cạnh đó, việc định hướng nội dung trước khi nghe là cần thiết để người học có thể hình dung trước bối cảnh và tình huống có thể xảy ra trong bài nghe, qua đó xác định rõ mục tiêu cho não.
Trong quá trình này, hãy lưu ý là thường có một khoảng nghỉ giữa mỗi phần nghe nhỏ. Ví dụ như khi mở đầu Cambridge IELTS 16 – Listening Test 2 - Part 2, người hướng dẫn sẽ nói: “You will hear a head teacher talking to parents of pupils about changes of the school. First, you have some time to look at questions 11 – 15 (Bạn sẽ nghe một giáo viên trưởng chia sẻ với phụ huynh về những thay đổi của trường. Trước hết, bạn có chút thời gian để đọc câu hỏi từ 11 – 15)”, trước khi im lặng một lúc để thí sinh đọc đề và phần nghe dành cho 5 câu này sẽ được phát ngay sau đó. Tiếp theo, người hướng dẫn sẽ nói: “Before you here the rest of the talk, you have some time to look at questions 16 – 20 (Trước khi bạn nghe tiếp phần còn lại của bài, bạn có chút thời gian để đọc câu hỏi từ 16 – 20)”. Lúc này, băng lại tiếp tục dừng một lúc cho thí sinh đọc đề trước khi phần nghe được phát tiếp.
Có thể thấy, tuy câu 11 – 20 là thuộc cùng một phần, bài thi vẫn tạo điều kiện cho người học có để chia nhỏ mục tiêu từ 10 câu xuống còn 5 câu cho mỗi lần nghe. Do đó, ở phần đọc đề đầu tiên, người học hãy chỉ tập trung vào việc đọc đề câu 11 – 15, nếu có dư thời gian thì hãy nghiền ngẫm tiếp 5 câu này, đừng để 5 câu sau làm xao nhãng vì thí sinh sẽ có thêm thời gian để đọc chúng sau.
Sau cùng, hãy luôn nhớ rằng não con người thường dễ bị phân tán sự chú ý, nhất là khi thí sinh là một người hay làm việc đa nhiệm. Vậy nên thí sinh hãy rèn cho bản thân tính kỷ luật, không để mắt hướng đến những câu quá xa so với câu hỏi mà bài nghe đang phát, vì thí sinh vẫn còn thêm thời gian để kiểm tra lại đáp án sau khi đoạn nghe kết thúc.
Trong học tập và công việc
Lên thời gian biểu cụ thể cho các đầu mục công việc là rất hữu ích trong việc định hình các mục tiêu quan trọng. Khi não đã lên sẵn mục tiêu và được nhắc nhở bởi thời gian biểu, ý thức trách nhiệm có thể được khơi gợi và giúp người học sớm quay trở lại mục tiêu ban đầu mỗi khi vô tình bị xao nhãng. Người học có thể thiết kế thời gian biểu của mình dựa trên phương pháp Pomodoro và lưu trên Google Calendar để tối đa hoá hiệu suất công việc.
Ví dụ về việc sử dụng Google Calendar để thiết kế lịch trìnhPomodoro phương pháp đã được chuyên gia về năng suất hàng đầu thế giới Damon Zahariades (2017) tin là hiệu quả trong việc rèn luyện khả năng tập trung nếu được thực hành trong thời gian đủ dài. Kết luận về tính hiệu quả của Pomodoro được Zahariades xác nhận dựa trên bốn nguyên lý sau:
1. Nó giới hạn khoảng thời gian mà não phải tập trung.
2. Nó loại bỏ xu hướng trì hoãn (do người thực hiện đã phải lên kế hoạch cụ thể cho từng mục tiêu nhỏ, khiến người thực hiện cảm thấy bớt áp lực khi bắt tay vào việc)
3. Nó làm giảm đi các yếu tố gây xao nhãng gây nên bởi việc làm việc đa nhiệm.
4. Nó khuyến khích người thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ thay vì chỉ làm chúng mà không biết khi nào thì xong. (Chương 3, Phần 4)
kỹ thuật PomodoroTrong cuộc sống hàng ngày
Trong sinh hoạt hàng ngày, người học có thể không nhận ra rằng mình thường xuyên làm việc đa nhiệm, như nghe nhạc khi lái xe, lướt Facebook khi nhắn tin với bạn bè, hoặc rửa chén bát trong khi nghe podcast. Những việc này dù đơn giản nhưng lại khiến tâm trí phải chuyển đổi giữa các hoạt động theo cơ chế đã được giải thích ở phần đầu của bài viết. Nếu không nhận biết kịp thời, những thói quen đa nhiệm này sẽ dần tích tụ và ảnh hưởng đến khả năng tập trung của não như đã được giải thích ở phần đầu bài viết.
Vì vậy, điều quan trọng mà người học cần làm là xác định lại các tình huống đa nhiệm mà họ thường gặp phải, và dần loại bỏ chúng, tập trung hoàn thành một công việc trước khi chuyển sang công việc khác. Ví dụ, nếu điện thoại reo khi đang lái xe, người học nên quyết định giữa việc dừng lại để nghe điện thoại hoặc tiếp tục lái xe rồi gọi lại sau khi đến nơi. Để quyết định trở nên dễ dàng hơn, họ có thể tham khảo phương pháp Ma trận Eisenhower để xác định thứ tự ưu tiên của các công việc.