1. Các triệu chứng thường gặp khi bị đau cơ
Đau cơ là cảm giác đau và căng thẳng trong cơ bắp, thường xảy ra sau khi vận động quá mức. Cơ bắp bao gồm gân, dây chằng, và các mô mềm liên kết cơ với các cơ quan khác trong cơ thể, nên có thể gây đau ở nhiều vị trí như vai, cổ, chân,...
Mức độ đau cơ có thể từ nhẹ đến nặng, biểu hiện qua các triệu chứng như:
- Đau cơ vẫn tồn tại khi nghỉ ngơi;
- Khả năng vận động giảm sút;
- Đau khớp và mệt mỏi cơ bắp;
- Vùng cơ tổn thương có dấu hiệu sưng tấy, viêm nhiễm hoặc bầm tím;
- Sốt;
- Khi vận động các vùng cơ đau sẽ cảm nhận đau tăng lên.
Đau cơ là dấu hiệu của sự đau đớn và co thắt trong cơ bắp
Đối với trường hợp đau cơ từ nhẹ đến trung bình, có thể tự khắc phục sau vài ngày hoặc tuần. Nhưng đối với những người bị đau cơ nặng, thời gian hồi phục có thể kéo dài đến vài tháng và cần điều trị kịp thời.
2. Phân biệt giữa đau cơ do tập luyện và do bệnh lý
2.1. Đau cơ do tập luyện
Hầu hết các trường hợp đau cơ do tập luyện xảy ra khi người tập không khởi động đầy đủ, không làm ấm cơ thể trước khi tập hoặc không giúp cơ thể hạ nhiệt sau khi hoàn tất bài tập.
Khi tập luyện, đặc biệt là với các bài tập mới và đòi hỏi cường độ cao hơn, bạn có thể gặp phải đau và mệt mỏi cơ bắp trong vài ngày sau đó. Điều này do các mô cơ và liên kết trong cơ thể có thể bị tổn thương trong quá trình tập luyện.
Người bị đau cơ do tập luyện thường có các triệu chứng như: đau giảm dần sau vài ngày hoặc 1-2 tuần. Đau cơ xuất hiện sau khi tập luyện, nhưng nếu tiếp tục tập và duy trì cường độ thì đau mỏi sẽ giảm dần.
Hầu hết các trường hợp đau cơ do tập luyện
2.2. Đau cơ do bệnh lý
Nếu bạn cảm thấy đau nhức cơ bắp kéo dài hơn 2 tuần mà không có sự cải thiện, và đau càng trở nên nặng hơn và hạn chế vận động, thì có thể đây là hậu quả của những vấn đề bệnh lý như sau:
- Viêm khớp: người bệnh thường gặp co thắt cơ bắp ở vị trí viêm;
- Cảm cúm: virus gây cúm có thể kích thích phản ứng viêm và gây đau nhức cơ bắp;
- Nhiễm trùng: vùng đau cơ sưng đỏ, bệnh nhân có thể sốt, đây có thể là biểu hiện của nhiễm trùng;
- Đau xơ cơ: đau ở cả hai bên thân, gồm cả phần trên và dưới của thắt lưng, gây đau nhức, mệt mỏi nhưng không có tổn thương cụ thể ở cơ xương khớp;
- Hội chứng đau cân cơ: đây là hiện tượng đau mạn tính. Khi bị mắc, điểm nhạy cảm ở cơ bắp khiến vùng cơ khác đau. Nguyên nhân thường là tập luyện quá mức hoặc tâm lý căng thẳng, stress liên tục làm cơ bắp co thắt;
- Tiêu cơ vân: thường xảy ra ở người tập luyện quá mức, gây tổn thương mô cơ, protein từ cơ bắp rò rỉ vào máu, gây hại cho thận. Triệu chứng có thể là cứng cơ, đau nhức và nước tiểu đậm màu.
Đau cơ có thể là dấu hiệu của một vấn đề bệnh lý liên quan đến hệ cơ xương khớp
3. Các phương pháp giảm đau cơ đơn giản và hiệu quả bạn có thể thử áp dụng
Dưới đây là một số phương pháp hữu ích giúp giảm triệu chứng đau nhức, khó chịu do đau cơ gây ra, bạn có thể tham khảo và áp dụng như sau:
- Nghỉ ngơi và sử dụng lạnh: cho cơ bắp thời gian nghỉ ngơi sau khi tập luyện ít nhất 48 giờ để phục hồi tốt hơn. Sử dụng lạnh có thể giảm thiểu co thắt cơ và sưng đau, áp dụng cho đến khi đau cơ giảm đi;
- Khởi động cẩn thận trước khi tập: hâm nóng và kéo giãn cơ bắp trước khi tập luyện. Sau mỗi buổi tập cũng nên thực hiện để cải thiện tuần hoàn máu và tránh đau cơ;
- Thực hiện vận động và động tác đúng cách: tập luyện với cường độ phù hợp và thực hiện đúng động tác giúp giảm nguy cơ đau, mệt mỏi cơ bắp;
- Bổ sung dinh dưỡng hợp lý: tăng cường ăn thức ăn giàu carbs và protein sau mỗi buổi tập. Đồ ăn này thường có trong bơ đậu phộng, sữa, chuối, bánh mì, socola, sinh tố trái cây, sữa chua,... Ăn ngay sau tập giúp cơ bắp hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng, giảm đau nhức cơ bắp;
- Uống nước đầy đủ: giúp cơ thể có sức mạnh, bù đắp lượng mồ hôi và giảm đau cơ do uống nước đúng cách hàng ngày;
- Sử dụng một số loại thuốc giảm đau như ibuprofen, paracetamol, hay methyl salicylate.
Nghỉ ngơi và áp dụng lạnh sẽ giúp giảm đau cơ một cách đáng kể
Thường thì tình trạng đau cơ sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu và mệt mỏi, nhưng nếu biết áp dụng đúng các phương pháp giảm đau cơ thì bạn sẽ phục hồi nhanh chóng và trở lại hoạt động bình thường.
Trong trường hợp đau cơ ảnh hưởng đến khả năng vận động và không giảm sau khi đã thử các biện pháp trên, bạn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn và chẩn đoán đúng, đồng thời nhận lời khuyên về cách điều trị phù hợp và hiệu quả.