Mọi cuốn sách về làm việc hiệu quả trên hành tinh này, từ David Allen đến Benjamin Franklin, đều ít nhiều nói về một quy trình na ná nhau. Rằng hãy thức giấc khi bình minh ló dạng, uống cà phê, chia nhỏ thời gian làm việc, sắp xếp các đầu việc theo mức độ quan trọng, lên lịch cho các cuộc hẹn trước 15 tuần và luôn chuẩn bị sớm cho tất cả mọi thứ.
Dẹp hết. Tôi ghét buổi sáng. Bạn biết thói quen buổi sáng của tôi là gì không? Giật mình tỉnh dậy và đọc Facebook. Và nếu may mắn, đống rác trên tường nhà (newsfeed) sẽ khiến tôi bực mình đến mức viết ra một bài phản biện nào đó mà không cần quá cố gắng.
Thực tế là tôi cũng viết ra được kha khá bài xếp vào hạng hay nhất khi đang mở các bài nhạc máu lửa của Every Time I Die vào lúc 3 giờ sáng. Thi thoảng tôi nghỉ làm việc vào ngày thứ Năm. Tôi ghét phải tuân theo một lịch trình cố định. Sau khi điều hành công việc kinh doanh trực tuyến của riêng mình trong gần 10 năm, tôi vẫn chưa đổi ý.
Tôi viết xong cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm trong 18 tháng, nhưng hầu hết số trang đều được hoàn thành trong 3 tháng cuối cùng. Có lẽ bạn sẽ nói rằng đó là vì tôi để “nước đến chân mới nhảy” nên mới có áp lực làm việc như mất trí?
Không, tôi thực sự đã làm việc ít hơn trong 3 tháng cuối đó nhưng vẫn xong được nhiều việc hơn. Nói ngắn gọn, tôi đã làm việc năng suất hơn.
Trong bài viết này, tôi muốn bày tỏ một quan điểm đơn giản (được minh họa bằng nhiều bức tranh tôi vẽ trên MS Paint): rằng khi nói đến hiệu suất làm việc, mọi thứ không như chúng ta nghĩ.
Tôi tin rằng hiệu suất là một khía cạnh rất cá nhân. Điều hiệu quả với tôi không nhất thiết phải hiệu quả với bạn. Mỗi người chúng ta có những bộ não khác nhau và do đó, sẽ có những sở thích, quan điểm khác nhau về việc làm việc ở đâu, trong bối cảnh nào là hiệu quả nhất. Vì vậy, thay vì thảo luận về các ứng dụng hiệu suất hoặc thói quen buổi sáng, tôi tập trung vào việc hiểu sâu hơn về tâm lý con người.
Bạn có đang làm việc theo kiểu tuyến tính không?
Ở đây, tuyến tính có nghĩa là số lượng/chất lượng kết quả công việc tăng theo tỷ lệ thuận với số giờ làm việc. Ví dụ, làm việc trong hai giờ sẽ đem lại kết quả gấp đôi so với một giờ.
Hầu hết chúng ta đều giả định rằng đây là cách mọi thứ hoạt động. Điều này chủ yếu là do chúng ta quen thuộc với cách làm này từ khi còn đi học. Giáo viên đưa ra một loạt kiến thức để chúng ta ghi nhớ. Nếu bạn dành hai giờ để học, bạn sẽ nhớ gấp đôi so với khi chỉ dành một giờ.
Khi trưởng thành hơn và rời xa các quán cà phê internet, chúng ta thường cho rằng phần còn lại của cuộc sống sẽ diễn ra theo cùng một cách.
Tuy nhiên, không phải vậy.