Bài thi IELTS được tổ chức nhằm đánh giá năng lực sử dụng Tiếng Anh của các thí sinh thông qua bài tập về 4 kỹ năng: Listening, Reading, Writing và Speaking. Bài làm của các thí sinh không chỉ cần đạt yêu cầu về chất lượng mà còn bắt buộc phải hoàn thành trong khoảng thời gian cho phép. Chính vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng các thí sinh cần lưu tâm khi chuẩn bị cho kì thi này chính là việc kiểm soát thời gian làm bài. Đặc biệt, một trong những kỹ năng cần chú trọng thời gian nhất chính là Writing, cụ thể là trong task 2, khi các thí sinh được cung cấp một chủ đề và phải đáp ứng được các tiêu chí về cả nội dung lẫn ngôn ngữ diễn đạt. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các thí sinh cách phân chia thời gian cho IELTS Writing Task 2 để hoàn thành được tốt phần thi này.
KEY TAKEAWAYS
1. Việc chuẩn bị trước đầy đủ các thông tin, kiến thức và kỹ năng trước khi tham gia kỳ thi đóng vai trò rất quan trọng. Những điểm thí sinh cần lưu tâm chuẩn bị bao gồm: cấu trúc các dạng bài (mở bài, thân bài, kết bài), tư duy phản biện tốt (suy nghĩ, tư duy rõ ràng; diễn đạt, lập luận hợp lý).
2. Một phương pháp hữu hiệu giúp thí sinh phân chia thời gian cho IELTS Writing Task 2 hiệu quả chính là chia nhỏ khoảng thời gian đó. Các thí sinh được khuyến khích chia thành 2 giai đoạn: phân tích đề bài và lập dàn ý (5-10 phút); viết bài và kiểm tra lại (30-35 phút).
Yếu tố thời gian trong bài thi IELTS Writing
Tại sao cần tận dụng thời gian làm bài trong Writing task 2?
Trong mỗi kỳ thi hay bài thi nào cũng đều có thời lượng làm bài quy định, không chỉ để đánh giá năng lực thí sinh mà còn kiểm tra khả năng phát huy dưới áp lực thời gian. Trong bài thi IELTS Writing, thí sinh sẽ phải hoàn thành 2 bài viết là task 1 và task 2 trong vòng 60 phút.
Do task 2 có khối lượng lớn hơn và số điểm cũng cao hơn so với task 1 nên các thí sinh được khuyến khích dành 40 phút cho phần thi này. Như vậy, ngoài việc chuẩn bị hành trang về kiến thức, kỹ năng học thuật, các thí sinh còn cần chú trọng tới yếu tố thời gian khi làm bài để đảm bảo hoàn thành được phần thi một cách thuận lợi và đạt được band điểm mong muốn.
Thế nào là cách phân chia thời gian cho IELTS Task 2 Writing một cách hiệu quả?
Thí sinh được coi là đã tận dụng tốt thời gian làm bài cho phép khi đạt được các tiêu chí sau:
Hoàn thành bài viết trong khoảng thời gian cho phép với đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài
Bài viết đạt tiêu chuẩn về số lượng từ quy định (trong khoảng 250 từ, có thể hơn hoặc kém 50 từ)
Bài viết đúng trọng tâm, các luận điểm được triển khai rõ ràng, đầy đủ
Không tồn tại các lỗi cơ bản như: sai chính tả, sai dấu câu...
Tương tự, thí sinh đã không tận dụng tốt thời gian khi làm bài thì bài viết có những đặc điểm sau:
Bài viết chưa hoàn thiện, thiếu một trong các phần sau: mở bài, thân bài, kết bài. Thông thường sẽ là phần kết bài
Bài viết chưa đạt đủ số lượng từ yêu cầu (ít hơn 200 từ)
Bài viết lạc đề, các luận điểm chưa được triển khai rõ ràng
Còn tồn tại các lỗi cơ bản như: sai chính tả, sai dấu câu...
Phương pháp phân chia thời gian cho IELTS Task 2 Writing một cách hiệu quả
Sự chuẩn bị trước
Khi tham gia vào bất cứ kỳ thi nào, việc chuẩn bị trước luôn đóng vai trò rất quan trọng. Nếu thí sinh không hề có bước chuẩn bị trước nào mà trực tiếp tham gia thi thì sẽ không tránh khỏi tình trạng bài thi không được hoàn chỉnh hoặc không đạt yêu cầu.
Nguyên do ở đây hiển nhiên bởi thí sinh chưa có sự tìm hiểu trước để nắm được thông tin, yêu cầu của kỳ thi, đồng thời chưa có sự luyện tập làm quen, vì thế nên khi bắt tay vào làm bài, thí sinh sẽ phải dành phần lớn thời gian ngồi suy nghĩ tìm hướng giải quyết, kết quả là thời gian thực sự dành cho việc làm bài sẽ không còn bao nhiêu.
Vì vậy, quá trình chuẩn bị trước là để đảm bảo trang bị cho thí sinh kiến thức nền tảng cũng như sự luyện tập, từ đó thí sinh sẽ có khả năng hoàn thành bài thi đạt chuẩn trong thời gian cho phép.
Hiểu rõ cấu trúc các loại bài
Một trong những yếu tố đầu tiên các thí sinh cần nắm được về bài Writing task 2 chính là cấu trúc (hay còn gọi là bố cục) của bài viết. Việc nắm rõ cần phải viết những phần nào với thứ tự, sắp xếp ra sao không những giúp bài viết của thí sinh đạt chuẩn mà còn tiết kiệm thời gian suy nghĩ trước khi thực sự bắt tay vào viết.
Về cơ bản, bất kỳ một Essay nào cũng sẽ có cấu trúc tổng quát như sau:
Ví dụ: Với dạng bài Advantages and Disadvantages, yêu cầu người viết trình bày ưu điểm và nhược điểm của một vấn đề hoặc ý kiến. Như vậy dạng bài này sẽ có 2 yêu cầu đề cần giải quyết: trình bày ưu điểm và trình bày nhược điểm. Vì vậy số đoạn trong thân bài cũng sẽ tương ứng là 2 đoạn, mỗi đoạn giải quyết một yêu cầu của đề.
Hay với dạng Problem and Solution, yêu cầu trình bày về ảnh hưởng của một vấn đề cụ thể và đề xuất giải pháp. Như vậy dạng bài này sẽ có 2 yêu cầu đề: trình bày ảnh hưởng và đưa ra cách giải quyết. Vì vậy số đoạn trong thân bài sẽ là 2 đoạn: 1 cho Problem và 1 cho Solution.
Tuy nhiên, với những dạng bài có yêu cầu người viết nêu lên quan điểm cá nhân, bố cục của bài viết sẽ tùy thuộc theo cách người viết chọn trả lời.
Ví dụ: Với dạng Discussion, yêu cầu người viết phải bàn luận về 2 quan điểm trái chiều và đưa ra ý kiến cá nhân. Trong dạng này có tới 3 yêu cầu đề: trình bày quan điểm 1, trình bày quan điểm 2 và đưa ra ý kiến. Trường hợp này thí sinh sẽ có thể triển khai theo 2 hướng:
3 đoạn thân bài: 2 đoạn trình bày 2 quan điểm trái chiều, 1 đoạn nêu ý kiến cá nhân
2 đoạn thân bài: mỗi đoạn trình bày 1 quan điểm, ý kiến cá nhân được nêu ở mở và kết bài
Nhìn chung, bố cục của một Essay không có khuôn mẫu cố định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ đề bài và hướng tiếp cận vấn đề của người viết. Tuy nhiên, dù quyết định triển khai theo bố cục nào thì các thí sinh cũng cần lưu ý đảm bảo bố cục đó đạt được các tiêu chí sau:
Nêu rõ quan điểm, nội dung bài viết
Giải quyết được hết yêu cầu của đề
Thực hành kỹ năng tư duy phản biện
Một trong những kỹ năng cần có nếu thí sinh muốn chinh phục được phần thi Writing task 2 chính là Tư duy phản biện (hay còn gọi là Critical thinking). Không chỉ giúp các thí sinh có được những luận điểm thuyết phục, việc có được một Tư duy phản biện tốt còn cải thiện đáng kể tốc độ tìm luận điểm của thí sinh, góp phần không nhỏ giúp thí sinh giành được lợi thế về thời gian khi làm bài.
Khái niệm của tư duy phản biện là gì?
Tư duy phản biện (Critical thinking) là quá trình định nghĩa, phân tích, tổng hợp và đánh giá các thông tin thu được từ việc quan sát, trải nghiệm hay giao tiếp, nhằm mục đích đạt được những tư duy đúng đắn.
Tư duy phản biện bao gồm 2 khả năng:
Khả năng suy nghĩ, tư duy rõ ràng
Khả năng diễn đạt, lập luận vấn đề hợp lý
Trang bị kỹ năng Tư duy phản biện
Có nhiều phương pháp giúp cải thiện Tư duy phản biện, tuy nhiên trong bài viết sẽ chỉ giới thiệu một số cách đơn giản và dễ áp dụng nhất với các thí sinh.
Trau dồi kiến thức nền
Trước khi có thể diễn đạt, lập luận về một vấn đề, thí sinh cần hiểu rõ vấn đề đó, để từ đấy có được góc nhìn tổng quát và khách quan nhất. Nếu không có nền tảng kiến thức thì việc phản biện sẽ gặp khó khăn và thậm chí đi vào bế tắc. Vì vậy, trước tiên các thí sinh cần chú trọng trau dồi thêm kiến thức về các lĩnh vực đa dạng khác nhau của đời sống qua những nguồn thông tin đáng tin cậy như: báo đài, sách chuyên môn, nghiên cứu khoa học…
Một số nguồn các thí sinh có thể tham khảo: Coursera, TED Talks, The New York Times, HowStuffWorks, UberFacts, AsapSCIENCE...
Cách áp dụng:
Xác định các lĩnh vực, chủ đề bản thân có hứng thú: Do đây là hoạt động bổ trợ nhằm mở rộng vốn hiểu biết cá nhân nên thí sinh không cần áp lực phải học chủ đề cụ thể nào, ngoài ra việc chọn lĩnh vực bản thân có hứng thú cũng sẽ giúp thí sinh có động lực hơn.
Lập thời gian biểu cụ thể cho việc học thêm kiến thức nền: Do không có người giám sát đốc thúc nên các thí sinh sẽ rất dễ nản và sao lãng. Vì vậy việc lên kế hoạch phân chia thời gian cụ thể là rất cần thiết, từ đó khiến thí sinh có quyết tâm thực sự bắt tay vào làm.
Vận dụng vào thực tế: Sau từng khoảng thời gian rèn luyện nhất định (sau mỗi một tuần), thí sinh cần có phương thức kiểm tra những kiến thức bản thân đã học được bằng cách thực hiện tìm luận điểm cho các đề thi thật. Các thí sinh tìm những đề bài Task 2 liên quan tới lĩnh vực đã trau dồi, sau đó ghi ra tất cả các luận điểm cùng luận cứ có thể nghĩ tới, dựa trên phần kiến thức đã tiếp thu được. Cách này vừa giúp thí sinh tự kiểm tra được phần rèn luyện của mình, vừa giúp thí sinh thấy rõ được kết quả của cả quá trình, giúp thí sinh có thêm động lực duy trì.
Đặt câu hỏi
Một phương pháp đơn giản mà hữu hiệu khi cần tìm cách giải quyết chính là đặt câu hỏi. Khi gặp phải một vấn đề phức tạp, thí sinh rất dễ rơi vào tình trạng suy nghĩ miên man, lạc đề và trả lời lệch trọng tâm. Việc hình thành thói quen đặt câu hỏi giúp thí sinh không bị mất phương hướng trong quá trình tư duy, đồng thời khiến quá trình này trở nên dễ dàng hơn khi được chia nhỏ ra thành các phần để giải quyết lần lượt.
Dưới đây là một số câu hỏi cơ bản các thí sinh cần trả lời khi tiếp cận một vấn đề:
Điều thí sinh đang muốn chứng minh là gì?
Thí sinh đã có những kiến thức/hiểu biết gì về vấn đề này?
Thí sinh có được những kiến thức/hiểu biết ấy thông qua nguồn nào?
Thí sinh có đang bỏ qua những ngoại lệ nào hay không?
Phân chia thời gian một cách hợp lý
Cách thực hiện
Bước 1: Phân tích đề bài và lập dàn ý
Phân tích đề bài
Những câu hỏi thí sinh cần trả lời được khi tiến hành phân tích đề:
Topic của đề?
Những keywords cần nắm?
Dạng của đề?
Ví dụ: Some people think that the best way to reduce crime is to give longer prison sentences. Others, however, believe there are better alternative ways of reducing crime.
Discuss both views and give your opinion.
Topic: ways of reducing crime
Keywords: give longer prison sentences; better alternative ways
Dạng: Discussion
Lập dàn ý
Nhiều thí sinh thường có lầm tưởng rằng dành 5-10 phút cho việc lập dàn ý sẽ làm chiếm mất thời gian làm bài. Tuy nhiên, nếu thí sinh bỏ qua bước này mà tiến hành viết luôn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng bí ý tưởng, viết được một đoạn lại phải dừng lại suy nghĩ, cuối cùng khi hết giờ bài viết có thể sẽ không hoàn chỉnh, hay các luận điểm không hợp lý và chưa được triển khai hết. Vì vậy, việc dành khoảng thời gian đầu để lập dàn ý lại thực sự sẽ giúp thí sinh tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi bắt tay vào viết
Thời gian các thí sinh có thể tham khảo cho việc lập dàn ý là từ 5 đến 10 phút. Nếu ít hơn 5 phút các thí sinh sẽ chỉ gạch ra được các luận điểm mà chưa ghi thêm được luận cứ, luận chứng. Nhưng nếu hơn 10 phút thì các thí sinh sẽ không đủ thời gian khi bắt tay vào viết bài. Tuy nhiên khoảng thời gian lập dàn ý này sẽ khác biệt tùy theo khả năng của từng người, các thí sinh nên luyện tập việc lập dàn ý để xác định được khoảng thời gian phù hợp cho riêng mình.
Các thí sinh sẽ cần thực hiện các bước sau để có một dàn ý rõ ràng và hiệu quả:
Xác định topic và từ khóa của đề
Liệt kê tất cả các luận điểm có thể nghĩ tới
Chọn ra các luận điểm thuyết phục nhất
Liệt kê các luận cứ, luận chứng
Chia thành các đoạn cho phù hợp
Bước 2: Viết bài và kiểm tra lại
Viết bài
Tùy theo khoảng thời gian thí sinh dành cho bước lập dàn ý mà thời gian còn lại cho việc viết bài sẽ từ 25 đến 30 phút.
Chìa khóa dẫn đến thành công ở bước này chính là việc luyện tập. Các thí sinh cần viết thật nhiều bài trước khi thực sự tham gia kỳ thi chính thức. Việc luyện tập như vậy sẽ giúp các thí sinh làm quen với khoảng thời gian được chia nhỏ ra, đồng thời cá nhân hóa được việc phân chia thời gian. Một thí sinh có khả năng viết chưa quá tốt sẽ dành khoảng thời gian vừa phải cho việc lập dàn ý và dành phần nhiều hơn cho quá trình viết bài cũng như kiểm tra lại, nhằm mục tiêu viết được bài hoàn thiện và không mắc quá nhiều lỗi diễn đạt. Ngược lại, thí sinh đã có khả năng viết tương đối vững có thể giảm bớt thời gian viết hay kiểm tra lại và tăng thêm thời gian lập dàn ý nhằm đảm bảo được tính thuyết phục và hợp lý của các ý tưởng.
Một điểm nữa cần lưu ý trong quá trình viết là việc viết liền mạch. Nhiều trường hợp thí sinh đang viết bài lại nghĩ ra một ý tưởng khác hay hơn và quyết định xóa cả đoạn vừa viết đi để làm lại. Đây là một quyết định không được khuyến khích, do bản chất kỳ thi IELTS nhằm đánh giá khả năng diễn đạt, trình bày ý tưởng mà không phải một kỳ thi trí tuệ. Vì vậy các thí sinh không nên quá chú trọng hay dành hết tâm huyết cho việc tìm ra ý tưởng tuyệt nhất, mà thay vào đó nên tập trung vào lối diễn đạt các ý tưởng đó hơn.
Kiểm tra lại
Sau khi trừ khi khoảng thời gian lập dàn ý và viết bài, thông thường thí sinh sẽ còn khoảng 5 phút để kiểm tra lại. Bước này thường rất quan trọng, đặc biệt đối với các thí sinh có khả năng viết chưa quá vững, sẽ rất dễ mắc lỗi sai về chính tả, từ nối… Ở bước này, các thí sinh sẽ kiểm tra và sửa lại những lỗi viết sai chính tả, chia sai thì thời, nhầm lẫn số ít số nhiều hay thiếu các từ nối, từ liên kết. Các thí sinh cũng cần lưu ý không chỉnh sửa hay thay đổi gì quá nhiều do không đủ thời gian, rất dễ rơi vào tình trạng khiến bài viết từ hoàn thiện thành dang dở vì sửa mà không tới.
Áp dụng kỹ năng phân chia thời gian cho IELTS Task 2 Writing vào thực tế
Đề bài: In the past, knowledge was contained in books. Nowadays, knowledge is uploaded to the Internet. Do the advantages of this outweigh the disadvantages?
Bước 1: Phân tích đề bài và lập dàn ý (10 phút)
Phân tích đề bài: 2 phút
Topic: ways to store knowledge
Keywords: contained in books; uploaded to the Internet
Dạng: Advantages and Disadvantages
Lập kế hoạch dàn ý: 8 phút
Mở bài:
Dẫn dắt vào vấn đề
Giới thiệu những vấn đề sẽ được bàn luận trong bài
Thân bài:
Đoạn 1: Lưu trữ kiến thức bằng sách
Một loại sở thích của nhiều người -> Tạo hứng thú tiếp thu tri thức
Ủng hộ tác giả -> Tạo động lực giúp họ ra mắt những ấn phẩm khác
Đoạn 2: Lưu trữ kiến thức trên mạng Internet
Sự thuận tiện -> Xóa bỏ cản trở về không gian, thời gian
Tri thức không bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài -> Không lo về điều kiện tự nhiên hay thời gian
Kết bài: Nhắc lại vấn đề, đưa ra quan điểm cá nhân (lợi ích của việc chuyển đổi tri thức lên nền tảng số nhiều hơn là bất lợi)
Bước 2: Viết bài và kiểm tra lại (30 phút)
Viết bài: 25 phút
Mở bài: 5 phút
These days together with the radical development of technology, numerous tasks have been done online via the Internet. People have started choosing to store their knowledge online rather than in books. Although keeping information in written materials is still preferred by a group of people, I believe that the Internet is a much more effective way considering the benefits it brings. The following essay will discuss the reasons behind my opinion.
Thân bài: 17 phút
On the one hand, there are convincing reasons why books are still considered to be a good way of keeping information. Storing knowledge in written materials to some people is a kind of hobby. There are many book lovers who like the smell and feel of carrying a book in their hands. The feeling of satisfaction will therefore motivate them in the process of studying and working. Besides, buying and storing information in books means supporting not only the authors but also the copyright industry.
However, it cannot be denied that the Internet has proven to be advantageous in aiding individuals in preserving knowledge. Initially, the accessibility of the Internet has provided significant convenience for users as they can now opt to upload information regardless of their location and the time. Secondly, the database has offered boundless space for the retention of knowledge. Concerns about space depletion will be entirely addressed. Lastly, information maintenance; while books are subject to the effects of time and various factors, leading to the deterioration and illegibility of knowledge, the Internet ensures the perpetual preservation of information. This also diminishes the need for preservation efforts, thereby saving both time and money.
Conclusion: 3 minutes
On the whole, notwithstanding the notable advantages of books, the advantages of the Internet have rendered it the preferred choice for contemporary individuals in terms of knowledge preservation.