Hậu quả của Chiến Tranh Lạnh đang tái hiện và đe dọa nhân loại.
Trong Chiến Tranh Lạnh, Mỹ đã thực hiện 67 lần thử nghiệm bom nguyên tử trên quần đảo Marshall; sau khi quá chán với vũ khí hạt nhân, họ còn ném bom sinh học xuống đây. Sau khi thử nghiệm xong, họ đã thu thập mẫu đất nhiễm xạ từ các hòn đảo, trộn chúng với bê tông và đổ vào một hố bom lớn - gọi là “The Tomb - Lăng mộ”.
Theo báo The Los Angeles Times, biến đổi khí hậu đang làm nứt nát cái nắp bê tông; nhiệt độ Trái Đất đang tăng, mực nước biển đang dâng cao, khiến lăng mộ bị mở ra, đe dọa rò rỉ chất phóng xạ vào Thái Bình Dương.
Quần đảo Marshall bao gồm 29 vòng đảo san hô và 1.156 đảo lớn nhỏ. Hơn 50.000 người đang sinh sống tại khu vực từng là nơi thử nghiệm bom nguyên tử. Từ năm 1946 đến năm 1958, đây là nơi Mỹ thử nghiệm vũ khí hạt nhân; vào ngày 1 tháng Ba năm 1954, họ đã thử nghiệm đầu đạn nhiệt hạch 15 mega-tấn tại đảo san hô Bikini, là vụ thử nghiệm hạt nhân lớn nhất từng được thực hiện bởi Mỹ.
Thiên nhiên không phải là nạn nhân duy nhất, người dân bản địa không biết làm sao để sơ tán, họ chỉ biết trốn trong nhà khi những vụ nổ từ quả bom còn lại gần như không đếm xuể.
“Chỉ mất hai đến ba năm để phụ nữ trong vùng này sinh ra những sinh vật không giống với con người”, một phụ nữ sống tại khu vực đảo chết chóc kể trong một cuốn sách về quần đảo Marshall. Trẻ sơ sinh với các dị tật xuất hiện phổ biến, nhiều đến mức người dân bản địa đặt cho chúng những biệt danh kỳ lạ: quỷ dữ, trẻ sứa, cá marlin, chùm nho sơ sinh, …
Chính phủ Hoa Kỳ từ bỏ trách nhiệm, hành động của họ chỉ là sự di dời cư dân và xây dựng Lăng Mộ để chôn vùi những phụ phẩm còn sót lại sau những vụ thử bom hạt nhân gây ra nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, với sự tăng của mực nước biển và nhiệt độ ngày càng tăng, Lăng Mộ ở quần đảo Marshall đang đối mặt với nguy cơ bị vỡ nát.
Theo từng kẽ nứt, nước biển tràn vào để cuốn đi những chất phóng xạ chưa được phân hủy hoàn toàn. Mọi dòng nước đều chảy ra biển, số lượng nước nhiễm xạ này cũng tuân theo luật lệ ấy.
Và trong một động thái không ai ngờ tới, chính phủ Hoa Kỳ lại một lần nữa từ chối trách nhiệm, họ nói rằng Lăng Mộ bây giờ nằm trong phạm vi quản lý của quần đảo Marshall.
“Tại sao nó lại là của chúng tôi?”, tổng thống Hilda Heine của quần đảo Marshall trả lời các câu hỏi từ The Los Angeles Times. “Chúng tôi không muốn chúng, không phải chúng tôi xây dựng chúng. Rác rưởi trong chúng không thuộc về chúng tôi, mà là của họ”.
Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Mỹ thử nghiệm bom hạt nhân dưới danh nghĩa bảo vệ sự tồn vong của người Mỹ, và trong quá trình đó, họ bỏ qua những người dân của quần đảo Marshall.
Lăng Mộ không chỉ chứa đất nhiễm xạ và các mảnh kim loại từ quá trình thử bom trên biển Thái Bình Dương, mà còn có 130 tấn đất từ bang Nevada, Mỹ. Tháng Bảy vừa qua, các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia công bố kết quả nghiên cứu đáng kinh ngạc: nhiều khu vực ở quần đảo Marshall còn nhiễm xạ nặng hơn cả Chernobyl.
Tại quần đảo Marshall, mực nước biển Thái Bình Dương tăng 0,7 cm mỗi năm, tính từ năm 1993 đến nay. Tốc độ này nhanh hơn so với tăng trưởng trung bình của đại dương trên toàn cầu, và đến cuối thế kỷ này, các chuyên gia tin rằng Thái Bình Dương sẽ nuốt chửng quần đảo Marshall cùng với Lăng Mộ nhiễm xạ.
Áp lực đó sẽ khiến cho lăng mộ đầy ám ảnh này nứt vỡ, và di sản của Chiến Tranh Lạnh - thời kỳ căng thẳng lịch sử sẽ tiếp tục đe dọa sự tồn tại của loài người.