Thanh Dụ lăng | |
---|---|
Wikimedia | © OpenStreetMap | |
Tên | |
Tên chính xác | Thanh Dụ Lăng (清裕陵) |
Vị trí địa lý | |
Quốc gia | Trung Quốc |
Vị trí | Tuân Hóa, Hà Bắc, Trung Quốc |
Kiến trúc | |
Kiểu dáng kiến trúc | lăng tẩm |
Lịch sử và sự quản lý | |
Ngày xây dựng | Càn Long thứ 8 (1743) |
Người xây dựng | Thanh Cao Tông |
Lăng Thanh Dụ (chữ Hán: 清裕陵) là một khu lăng tẩm ở Trung Quốc, nơi yên nghỉ của Thanh Cao Tông Càn Long Hoàng đế - vị Hoàng đế thứ sáu của triều đại nhà Thanh.
Lịch sử
Công trình lăng mộ này bắt đầu được xây dựng vào năm Càn Long thứ 8 (1743), nằm tại Thắng Thủy dục (胜水峪) phía Tây của Hiếu lăng, hiện nay thuộc khu vực Thanh Đông lăng, Tuân Hóa, Trung Quốc. Các công trình chính của lăng được hoàn thành vào năm Càn Long thứ 17 (1752), với tổng chi phí lên tới hơn 1,7 triệu lượng bạc.
Lăng mộ của Càn Long Đế thể hiện sự tôn thờ Phật giáo của ông, với nhiều họa tiết Phật giáo trong địa cung như: Tam thế Phật, Ngũ phương Phật, Tám vị Bồ tát, Tứ đại Thiên vương cùng các hình ảnh Phật giáo khác. Ngoài quan tài của Càn Long Đế, địa cung còn chứa quan tài của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu và ba vị Hoàng quý phi khác của ông là Tuệ Hiền Hoàng quý phi, Triết Mẫn Hoàng quý phi và Thục Gia Hoàng quý phi. Bên ngoài địa cung có phần 'Phi viên tẩm', nơi chôn cất các phi tần khác của Càn Long Đế.
Vào năm 1979, khi lăng mộ Dụ được khai quật, địa cung đã bị ngập nước. Quan tài của Càn Long Đế cùng hai Hoàng hậu và ba Hoàng quý phi đã nổi lên trên mặt nước, toàn bộ vật phẩm chôn theo đã bị đánh cắp. Sau khi xử lý, năm thi hài của các vị Hậu phi bị trộn lẫn với nhau và cuối cùng được chôn chung một mộ.
Kiến trúc
Tổng quan
Toàn bộ kiến trúc của lăng Dụ theo hướng từ Nam đến Bắc bao gồm:
- Thánh Đức Thần Công bi đình (圣德神功碑亭): bia đá ghi lại những thông tin về lăng mộ.
- Ngũ Khổng kiều (五孔桥): cầu đá lớn với 5 lỗ hổng.
- Ngũ Tượng sinh (石像生): các bức tượng người và thú trong lăng mộ của các vị Đế vương.
- Bài Lâu môn (牌楼门): cổng Tam quan (hoặc Ngũ quan) trước lăng mộ.
- Nhất Khổng kiều (一孔桥): cầu đá lớn với 1 lỗ hổng.
- Hạ Mã bài (下马牌): bia đá yêu cầu xuống ngựa khi quan viên đến cung điện hoặc Khổng miếu.
- Tỉnh đình (井亭): đình Giếng.
- Thần Trù khố (神厨库): kho lương trong lăng mộ thời Minh-Thanh, dùng để chứa đồ cống phẩm và thực hiện lễ hiến tế.
- Đông Tây triều phòng (东西朝房): phòng Đông và Tây, nơi nghỉ ngơi và chuẩn bị đồ vật cho các lễ cúng tế.
- Tam lộ Tam khổng kiều (三路三孔桥) và Đông Tây Bình kiều (东西平桥): 3 cây cầu đá 3 lỗ hổng cùng với cầu bắc qua hai bên, đặc trưng của thời Minh-Thanh, dẫn lên chính điện của lăng.
- Đông Tây ban phòng (东西班房): phòng trực ban, nằm ngoài Đại Hồng môn.
- Long Ân điện (隆恩殿): còn gọi là 'Hưởng điện' (享殿), nơi thờ bài vị của Đế-Hậu và một số phi tần phụ táng. Đây là kiến trúc lớn nhất trên mặt đất trong lăng mộ thời Thanh. Chỉ có điện thờ Đế-Hậu gọi là Long Ân điện, còn phi tần chỉ gọi là Hưởng điện.
- Tam lộ Nhất khổng kiều (三路一孔桥): 3 cây cầu với 1 lỗ hổng.
- Lưu Li Hoa môn (琉璃花门): 3 cổng lưu li dẫn vào khu Minh lâu.
- Nhị Trụ môn (二柱门): cửa thần đạo chính trục.
- Tế đài ngũ cung (祭台五供): đàn tế bằng đá với 5 vật phẩm.
- Phương thành (方城): thành bảo vệ khu vực Minh lâu.
- Minh lâu (明楼): tòa lầu hai tầng, trang trí cho phần mộ chính.
- Bảo thành (宝城): thành bảo vệ khu Bảo đỉnh.
- Bảo đỉnh (宝顶): phần gò mộ, bên dưới chứa địa cung, thường được trồng cỏ cây cao.
- Địa cung (地宫): khu vực sâu nhất trong lăng, nơi đặt quan tài của Càn Long Đế, Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu, Tuệ Hiền Hoàng quý phi, Triết Mẫn Hoàng quý phi và Thục Gia Hoàng quý phi.
Phi viên tẩm
Khu vực này được gọi là Dụ lăng Phi viên tẩm (裕陵妃园寝), là sân vườn dành cho những hậu phi không thể được chôn cất cùng Càn Long Đế trong địa cung của Dụ lăng. Phi viên tẩm nằm ở phía Tây của Dụ lăng, được xây dựng vào năm Càn Long thứ 12 (1747), được tu sửa quy mô lớn vào năm thứ 25 (1760) và hoàn thành vào năm thứ 27 (1762).
Ban đầu khu vực này có tên là Phi nha môn (妃衙门), với các cầu Khổng kiều và Bình kiều, cùng các phòng Đông Tây, Ban phòng, Lưu Li Hoa môn và Hưởng điện, tất cả đều được trang trí bằng màu đỏ. Vào năm Càn Long thứ 25 (1760), khi Thuần Huệ Hoàng quý phi qua đời, Càn Long Đế đã cho xây dựng lại Phi viên tẩm và chôn cất quan tài của Thuần Huệ Hoàng quý phi vào Minh lâu.
Sau khi Kế Hoàng hậu Na Lạp thị mất sủng, Càn Long Đế đã cho chuyển thi hài của Hoàng hậu vào một căn phòng phụ gần quan tài của Thuần Huệ Hoàng quý phi. Như vậy, Dụ lăng Phi viên tẩm hiện chứa tổng cộng 36 người bao gồm 1 Kế hậu, 2 Hoàng quý phi (Thuần Huệ Hoàng quý phi và Khánh Cung Hoàng quý phi), 5 Quý phi, 6 Phi, 5 Tần, 12 Quý nhân và 4 Thường tại.
Từ Đông sang Tây, với Minh lâu làm trung tâm, các vị phi tần được sắp xếp theo thứ tự mộ như sau:
- Hàng 1: Dĩnh Quý phi, Uyển Quý phi.
- Hàng 2: Dung phi, Dự phi, Hãn Quý phi, Khánh Cung Hoàng quý phi, Thư phi, Du Quý phi, Tuần Quý phi.
- Hàng 3: Đôn phi, Phương phi, Tuân tần, Thận tần, Nghi tần, Thành tần, Di tần, Cung tần, Bạch Quý nhân.
- Hàng 4: Kim Quý nhân, Ninh Thường tại, Tân Quý nhân, Phúc Quý nhân, Trương Thường tại, Tú Quý nhân, Quỹ Thường tại, Thụy Quý nhân, Thận Quý nhân, Võ Quý nhân, Bình Thường tại.
- Hàng 5: Thọ Quý nhân, Thuận Quý nhân, Lục Quý nhân, Ngạc Quý nhân, Tấn phi.
Kể từ khi Nghi tần Hoàng thị được an táng vào năm Càn Long thứ 17 (1752) cho đến khi Tấn phi Phú Sát thị được chôn cất vào năm Đạo Quang thứ 3 (1823), khu vực Phi viên tẩm đã trải qua 71 năm an táng.
Hình ảnh
- Càn Long Đế
- Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu
- Thanh Đông lăng
- Thanh Tây lăng