(NLĐO) - Trí tuệ nhân tạo (AI) mà Lầu Năm Góc đã phát triển đã trải qua thử nghiệm trên máy bay trinh sát không người lái nhỏ để thực hiện các nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm.
Các sáng kiến AI của Mỹ cũng được thử nghiệm để hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga, giúp giám sát sức khỏe của binh sĩ, dự đoán thời điểm cần bảo trì cho máy bay quân sự cũng như giám sát máy bay của đối thủ.
Theo AP, Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch đến năm 2026 sẽ trang bị hàng ngàn phương tiện tự lái hoàn toàn được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu của họ, theo các quan chức Mỹ, là 'đuổi kịp Trung Quốc'.
Sáng kiến Replicator - một sáng kiến đầy tham vọng - được triển khai nhằm 'thúc đẩy tiến trình đổi mới trong quân đội, đang diễn ra chậm chạp' - Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks đã xác nhận vào tháng 8. Theo bà Kathleen, mục tiêu cuối cùng của sáng kiến này là tăng tốc độ phát triển cho nhiều nền tảng khác nhau, đặc biệt là những nền tảng nhỏ, thông minh và tiết kiệm chi phí.
Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin chính thức về Replicator, nhưng các chuyên gia dự đoán sáng kiến này sẽ đưa ra nhiều quyết định khó khăn, đặc biệt là trong việc vũ khí hóa trí tuệ nhân tạo.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks. Ảnh: EPA
Cả giới khoa học, chuyên gia quân sự và các quan chức Lầu Năm Góc đều dự đoán rằng trong vài năm tới, Washington sẽ sở hữu nhiều loại vũ khí tự động hoàn toàn, có khả năng gây tổn thương cao.
Mặc dù các quan chức khẳng định con người sẽ luôn kiểm soát, không ít chuyên gia nhấn mạnh rằng tiến bộ về tốc độ xử lý dữ liệu và giao tiếp giữa máy móc sẽ dần đẩy con người xuống vai trò giám sát.
Tình huống này có thể xảy ra nếu vũ khí sát thương được triển khai rộng rãi trong các đội UAV. Nhiều quốc gia đang nghiên cứu việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quân sự, trong đó có cả Trung Quốc, Nga, Iran, Ấn Độ và Pakistan, tuy nhiên họ vẫn chưa ký cam kết theo dõi Mỹ về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm.
Cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo được dự đoán sẽ thay đổi toàn bộ cách mà các cuộc xung đột diễn ra trong tương lai.
Một trong những lĩnh vực mà trí tuệ nhân tạo đang hỗ trợ là theo dõi các mối đe dọa tiềm ẩn trong không gian, đây là mặt trận mới nhất trong cuộc đua vũ trang quân sự.
Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch đến năm 2026 sẽ trang bị hàng ngàn phương tiện tự lái được điều khiển hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo. Ảnh: AP
Tại Ukraine, trí tuệ nhân tạo do Lầu Năm Góc và các đồng minh NATO cung cấp đang hỗ trợ trong cuộc xung đột với Nga.
NATO chia sẻ thông tin tình báo từ dữ liệu thu được từ vệ tinh, máy bay không người lái và con người, một số được tổng hợp bằng phần mềm của công ty Mỹ Palantir.
Trí tuệ nhân tạo cũng đã hỗ trợ Nhóm Hỗ trợ An ninh-Ukraine (do Mỹ thành lập) giải quyết thách thức hậu cần từ hoạt động viện trợ quân sự cho Ukraine.