Lầu là một thuật ngữ kiến trúc chỉ khoảng không gian giữa hai mặt phẳng sàn hoặc giữa sàn và mái trong một tòa nhà. Lầu là chỉ số để ước lượng chiều cao của tòa nhà, lầu gần mặt đất nhất (lầu trệt) là cơ bản, nền tảng của ngôi nhà. Bề mặt của mỗi lầu tiếp xúc với người hoặc đồ vật trên nó gọi là sàn nhà.
Lầu không đồng nghĩa với sàn hay tấm, sàn và tấm không phải là chỉ số ước lượng chiều cao tòa nhà. Ta có thể gọi là lầu trệt nhưng không thể gọi tấm trệt, cũng như có thể gọi là tấm mái nhưng không gọi là lầu mái.
Lầu có thể sắp xếp bao gồm: Lầu trệt (lầu dưới cùng của một ngôi nhà thông thường), lầu hầm (lầu nằm dưới mặt đất trong một số công trình kiên cố), các lầu trên (lầu một, lầu hai, lầu ba... tương đương với tầng một, tầng hai, tầng ba...) và cao nhất của một tòa nhà thường là lầu thượng, đối với một ngôi nhà thông thường thì có lầu thượng (sân thượng) phía trên có thể đổ một tấm bê tông (một kết cấu xây dựng) khoảng 30% diện tích của ngôi nhà và thường được gọi là chuồng cu. Ở lầu trệt một số ngôi nhà hay tòa nhà có thể bố trí lầu lửng. Ban công cũng là một dạng lầu đặc biệt khi nó là một phần diện tích của ngôi nhà nhô ra ngoài không gian của tòa nhà.
Ở Việt Nam, thông thường ở miền Nam gọi tầng trệt là tầng sát mặt đất, sau đó là lầu 1, lầu 2. Trong khi đó, ở miền Bắc gọi tầng sát mặt đất là tầng một, rồi đến tầng hai, ba… Theo cách tính này, trệt tương đương tầng 1, lầu 1 tương đương tầng 2, lầu 2 tương đương tầng 3.
Khi nói đến số tầng của tòa nhà, ta có thể hình dung được chiều cao của khối xây dựng. Nếu hiểu theo cách này, ta có thể nói một tòa nhà có 34 tầng, bao gồm 1 trệt, 3 tầng hầm và 30 tầng lầu.
Việc đánh số và gọi tên các tầng theo các văn bản chính thức không đồng nhất. Theo TCVN 6003-1:2012, tầng 1 được định nghĩa là tầng đầu tiên có sử dụng mục đích cụ thể, tức là tầng hầm thấp nhất sẽ được gọi là tầng 1.