Tết Lào (tiếng Lào: ປີໃໝ່ລາວ; phiên âm: Bunpimay, Pi Mai, Pee Mai, Koud Song Kane hay Bunhot Nậm) diễn ra từ 14 đến 16 tháng 4 hàng năm. Đây là lễ hội lớn nhất của người Lào, được tổ chức để đón mừng năm mới theo Phật lịch với những phong tục cầu may, bình an và ước vọng cho một năm đầy phúc lộc và hạnh phúc. Đây cũng là thời điểm để mọi người cùng nhau tạo ra sự tươi mới và thịnh vượng cho bản thân và gia đình.
Ý nghĩa và nguồn gốc
Lễ hội Tết Lào diễn ra từ ngày 13 đến 16 tháng 4 dương lịch mỗi năm, khi thời tiết mát mẻ và các con sông đều đầy nước, tượng trưng cho một khởi đầu mới đầy may mắn và tài lộc.
Lễ hội Tết Bunpimay kéo dài ba ngày. Ngày đầu tiên là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Lào sẽ dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Tết. Ngày thứ hai được xem như thời gian chuyển giao không có hoạt động đặc biệt, và ngày cuối cùng là lúc diễn ra các hoạt động lễ hội sôi nổi trên khắp các nẻo đường. Đây cũng là thời điểm kết thúc tuần trăng và người dân được nghỉ ngơi, không làm việc hay buôn bán.
Những điều cần biết về ngày Tết Bunpimay
Tết Lào ban đầu được tổ chức vào tháng Một, nhưng do vào mùa đông không thuận lợi cho phong tục té nước, nên thời điểm này đã được chuyển sang tháng Tư, khi trời ấm áp nhất trong năm. Đây là lúc ngày dài hơn đêm, có thể kéo dài đến 14 tiếng 24 phút.
Theo lịch sử, tổ tiên người Lào đến từ miền Nam Trung Quốc và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Ấn Độ. Ngày Tết Lào được xây dựng dựa trên ảnh hưởng của người Môn và người Khmer. Trong văn hóa Ấn Độ, ngày dài hơn đêm được gọi là Watthanasagn, mang ý nghĩa “thời gian nhiều bóng râm” và là thời điểm thuận lợi cho trồng trọt, cũng gắn liền với truyền thuyết về cuộc chiến giữa Thammabane và Kabinlaphom.
Ngày xưa, trước khi Phật giáo xuất hiện, có một chàng trai thông minh tên là Thmmaphala, hay còn gọi là Thammabane, nổi tiếng với khả năng hiểu tiếng chim và đi khắp nơi để truyền bá kiến thức.
Lúc bấy giờ, Kabinlaphom, vị thần của bầu trời, được coi là người trí thức nhất. Khi nghe nói đến sự thông thái của Thammabane, Kabinlaphom quyết định tổ chức một cuộc thi trí tuệ. Ông đưa ra ba câu hỏi và thách thức Thammabane phải trả lời đúng. Nếu Thammabane thắng, Kabinlaphom sẽ phải đầu hàng, còn nếu không, Thammabane sẽ phải chịu thua.
Ba câu hỏi mà Kabinlaphom đặt ra là:
- Vào buổi sáng, tinh thần con người tập trung ở đâu?
- Vào buổi chiều, tinh thần con người tập trung ở đâu?
- Vào buổi tối, tinh thần con người tập trung ở đâu?
Thammabane không thể giải được câu đố ngay lập tức, nên anh xin Kabinlaphom thêm 9 ngày để tìm ra câu trả lời. Dù đã cố gắng hết sức, Thammabane vẫn chưa tìm ra đáp án. Trong lúc mệt mỏi, anh ngủ gật dưới gốc cây cọ và tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của một đôi đại bàng. Đại bàng cái hỏi: 'Ngày mai chúng ta sẽ ăn gì?' Đại bàng đực đáp: 'Đừng lo, chúng ta sẽ ăn thịt Thammabane, vì anh ta sẽ không trả lời được ba câu hỏi và sẽ bị giết.' Khi đại bàng cái hỏi về câu trả lời, đại bàng đực đã tiết lộ:
- Vào buổi sáng, tinh thần con người tập trung ở khuôn mặt, vì vậy vào buổi sáng con người cần phải rửa mặt
- Vào buổi chiều, tinh thần con người tập trung ở ngực, do đó con người thường tắm vào buổi chiều
- Vào buổi tối, tinh thần con người tập trung ở tay và chân, vì thế trước khi đi ngủ người ta thường rửa tay chân
Nhờ khả năng hiểu tiếng chim, Thammabane đã nghe được ba câu trả lời và trở lại đối mặt với Kabinlaphom. Theo thỏa thuận, Kabinlaphom sẽ phải chặt đầu mình. Trước khi thực hiện, Kabinlaphom dặn bảy người con gái của mình phải bảo vệ cái đầu cẩn thận. Nếu cái đầu rơi xuống đất sẽ gây hỏa hoạn, ném lên trời sẽ gây hạn hán, còn ném xuống biển thì biển sẽ cạn. Bảy cô con gái đặt đầu cha trên một đĩa vàng và thờ phụng tại động Khanthoumali, núi Phoukhaokailat, mỗi năm các cô đến đây để rửa sạch đầu và đặt lại vào động.
Tên của bảy cô con gái của Kabinlaphom là Thoungsatheve, Khorakham, Rarksa, Mountha, Kirinee, Kinitha và Manothone. Họ được gọi chung là Nang Sangkhane.
Những tập tục trong ngày Tết Bunpimay
Lễ té nước
Vào ngày đầu của Tết Lào, mọi người làm công việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa thật sạch, chuẩn bị nước thơm và hoa để đón năm mới. Nước thơm được chế biến từ nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa và tinh dầu. Ngoài hương hoa, người ta còn thêm kem và bột để tăng phần đặc sắc.
Vào buổi chiều, mọi người tập trung ở chùa để tham gia lễ cúng Phật, cầu nguyện và nghe các nhà sư giảng pháp. Sau buổi lễ, tượng Phật được rước ra một khu vực riêng để mọi người đến tắm Phật với nước thơm, nước này sau đó được mang về nhà để rưới lên người như một cách làm phước. Ngoài ra, mọi người còn té nước vào các nhà sư, chùa, cây cối xung quanh, và giữa bạn bè với nhau. Nước được xem như là biểu tượng của sự thanh tẩy, cầu chúc cho một năm mới an lành và thịnh vượng. Người nào bị ướt nhiều thì được coi là sẽ gặp nhiều may mắn.
Lễ té nước trong Tết Lào không chỉ là một nghi lễ truyền thống mà còn là cách làm dịu bớt cái nóng oi ả của tháng 4, thời điểm nóng nhất trong năm ở Lào. Trước khi té nước, người ta thường gửi những lời chúc tốt đẹp đến nhau.
Thiết kế tháp cát
Cát được chuẩn bị và trang trí tại sân chùa để dâng lên các nhà sư như một hành động tôn kính. Tháp cát có thể được xây dựng ở bãi biển hoặc tại chùa, được trang trí bằng cờ, hoa và dây vải trắng, cùng với nước thơm. Những tháp cát này là biểu tượng của núi Phoukaokailat và được dâng để cầu nguyện cho sức khỏe và hạnh phúc trong năm mới.
Thả sinh vật
Người Lào thả rùa, cá, cua, chim, lươn và những động vật nhỏ khác vào tự nhiên. Đây là cách để thể hiện lòng từ bi và cầu mong tự do cho các sinh vật trong dịp Tết. Một số người còn thả số lượng động vật tương ứng với tuổi của chúng như một phong tục tốt lành.
Thu hái hoa tươi
Vào buổi chiều, sư trụ trì cùng các nhà sư, ni cô và dân làng đi hái hoa tươi để dâng lên Phật tại chùa. Trong khi hái hoa, mọi người chơi trống và các nhạc cụ truyền thống. Các thành viên khác trong cộng đồng thì mang nước đến để làm sạch hoa.
Thưởng thức món lạp
Trong dịp Tết, người Lào rất coi trọng món lạp, đặc biệt là các doanh nhân. Trong tiếng Lào, lạp mang ý nghĩa của sự may mắn. Món lạp thường được chế biến từ thịt gà hoặc bò tươi, trộn với các gia vị đặc trưng. Đặc biệt, món lạp không thể thiếu thính, nếu không sẽ làm mất đi hương vị đặc sắc của nó. Đối với các gia đình, đặc biệt là những người làm ăn, món lạp phải được chế biến thật tinh tế, vì nếu lạp không ngon trong ngày Tết thì được coi là điềm báo cho một năm kinh doanh không thuận lợi. Lạp thường được thưởng thức cùng với xôi nóng.
Nhiều chuyên gia văn hóa Lào cho rằng lạp chính là biểu tượng của phúc lộc trong năm mới. Món lạp không chỉ là món ăn mà còn là món quà chúc phúc. Gia đình nào nhận được nhiều món lạp trong dịp Tết thì tin rằng năm mới sẽ tràn đầy tài lộc.
Lễ buộc chỉ cổ tay
Vào ngày Tết, khi khách đến thăm, chủ nhà thường buộc một vòng chỉ đỏ hoặc xanh vào cổ tay khách như một dấu hiệu của sức khỏe và hạnh phúc trong năm mới.
Các phong tục truyền thống khác
Trong dịp Tết, mọi người thường tặng vải và khăn cho người cao tuổi như một biểu hiện của lòng kính trọng. Đặc biệt, lễ hội đua thuyền diễn ra sôi nổi trên sông, với lễ rước Nangsangkhane nổi bật nhất ở cố đô Luang Prabang, nơi bảy cô gái đóng vai bảy người con của Kabinlaphom.
Ban ngày, người dân đến các đền chùa để cầu bình an. Buổi tối, họ tập trung tại chùa để tham gia các hoạt động vui chơi, thưởng thức âm nhạc truyền thống (morlam) và nhảy múa lamvong. Nếu trong làng có tượng Phật trong động núi, thì lễ tắm Phật sẽ được gọi là Song Namphaphou, và các nhà sư cùng dân làng sẽ dùng bữa trưa ngay tại núi sau khi lễ xong.
Những loài hoa
Trong những ngày Tết, hoa được coi là biểu tượng của sự may mắn. Có hai loại hoa phổ biến: hoa muồng (còn gọi là bò cạp vàng hoặc hoa hoàng hậu), được dùng để trang trí xe và treo trước nhà cầu chúc may mắn; và hoa Champa, thường được kết thành chùm hoặc cài lên tóc để cầu mong phước lành.