Phong tục ngắm trăng Tsukimi được nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản từ xa xưa. Người dân Nhật Bản đã biến phong tục này thành của riêng với nhiều lễ kỷ niệm trang trọng và đặc sản ẩm thực của đất nước.
Nguồn gốc của lễ hội Tsukimi
Theo cách tính truyền thống, mùa thu kéo dài từ tháng bảy đến tháng chín. Thời điểm quan trọng nhất trong mùa thu là đêm rằm tháng tám, còn được gọi là chūshū (trung thu), với tên gọi khác là chūshū no meigetsu (trăng trung thu).
Tương tự nhiều lễ hội ở Nhật Bản, Tsukimi được coi là xuất phát từ thời kỳ Nara (710-794), khi mang từ Trung Quốc về. Tuy nhiên, chỉ đến thời kỳ Heian (794-1185), lễ hội mới trở nên chính thức. Các quý tộc trong triều tổ chức ngắm trăng bằng cách thưởng thức những buổi tiệc lộng lẫy bên hồ, biểu diễn âm nhạc và ngâm thơ riêng cho mặt trăng. Vào thời kỳ Edo (1603-1868), nó trở thành phong tục phổ biến ngay cả trong dân gian, kết hợp với truyền thống lễ hội mùa thu để tôn vinh Mẹ Thiên nhiên vì mùa màng bội thu.
Giống như Tết Trung thu ở Trung Quốc, bạn sẽ thấy rất nhiều hình ảnh con thỏ được gắn liền với Tsukimi. Người dân tin rằng thỏ là sinh vật cư trú trên mặt trăng. Theo truyền thống, nếu bạn nhìn kỹ vào mặt trăng, bạn sẽ thấy hình dạng của một con thỏ đang nặn mochi (bánh gạo) bằng cây và cối.
“Tsukimi” có nghĩa là “ngắm trăng” hoặc Jugoya, có nghĩa là “ngày 15 trong tháng” đều là những tên để chỉ Lễ hội Trung thu Nhật Bản
Vào thời kỳ Edo (1603-1867), việc ngắm trăng trở nên phổ biến trong dân chúng
Ở Nhật Bản, những miệng hố trên bề mặt mặt trăng được so sánh với con thỏ đang nặn mochi
Cách người Nhật tổ chức tiệc đón trăng như thế nào?
Lễ hội ngắm trăng thường diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, được gọi là Jugoya (十五夜) theo tiếng Nhật. Lễ Tsukimi thay đổi hàng năm nhưng thường rơi vào giữa tháng 9 hoặc đầu tháng 10 theo dương lịch hiện đại. Ý nghĩa của việc ngắm trăng ngày nay vẫn còn tồn tại, mặc dù nhiều truyền thống đã được điều chỉnh phù hợp với phong tục hiện đại. Đây là thời gian để con người suy ngẫm, tạ ơn và cầu nguyện an khang nhiều sức khỏe. Nhiều ngôi chùa và đền thờ trên khắp Nhật Bản kỷ niệm sự kiện Tsukimi bằng các màn trình diễn như các điệu múa truyền thống và ngâm thơ từ thời Heian.
Khách du lịch Nhật Bản có thể nhận thấy lễ Tsukimi được hầu hết các gia đình địa phương tổ chức một cách khiêm tốn hơn nhiều. Mọi người sẽ sắp xếp các đồ trang trí như cỏ pampas (suzuki), cỏ ba lá (hagi) và hoa mùa thu gần cửa sổ nơi có thể nhìn thấy mặt trăng. Bánh trôi (Tsukimi Dango), quả hồng, hạt dẻ, nho và lê được bày ở hiên hướng về phía Nam để có thể dùng bữa cùng thần mặt trăng.
Hiên ngắm trăng nơi mọi người ngồi quây quần bên nhau và bày biện đồ ăn, đồ trang trí
Đồ trang trí để ngắm trăng
Tsukimidai là nơi mọi người tụ tập để ngắm trăng, đó có thể là hiên hoặc cửa sổ. Nơi đây được trang trí với các lễ vật truyền thống như bánh trôi gọi là tsukimi-dango và các sản phẩm như khoai môn cũng như susuki hoặc cỏ pampas. Cũng có thể có trà đạo hoặc Ikebana.
3.1 Tsukimi-dango
Những chiếc trôi này tượng trưng cho trăng tròn, mang hình dáng được coi là tốt lành. Tương truyền ăn tsukimi-dango sẽ mang lại sức khỏe và hạnh phúc cho người dùng. Một truyền thống đặc biệt tại Nhật là trưng bày 15 chiếc bánh bao tương ứng với đêm thứ mười lăm, trong khi một truyền thống khác chỉ yêu cầu 12 chiếc dango, một chiếc tượng trưng cho mỗi tháng.
Tsukimi Dango là món ăn mang tính biểu tượng nhất của Lễ hội Trung thu, được xếp thành một kim tự tháp nhỏ gồm 15 dango giống mặt trăng
3.2 Suzuki
Năm hoặc mười chùm cỏ pampas được trưng bày tượng trưng cho sự phong phú của cây lúa. Khi hình dạng của loài cỏ này trông rất giống như chúng.
Cây cỏ pampas trông giống như cây lúa trổ đòng
3.3 Khoai môn
Củ khoai môn xuất hiện trong tiệc Tsukimi bởi nó ra nhiều chồi, nên gắn liền với một gia đình đông con và thịnh vượng.
3.4 Sản vật mùa thu
Các sản phẩm theo mùa như đậu nành edamame, hạt dẻ và bí ngô cũng được bày biện trong lễ hội Nhật Bản đặc biệt này.
Ẩm thực Tsukimi
Sẽ luôn có những món ăn đặc trưng gắn liền với lễ hội Nhật Bản, tương ứng với ẩm thực Tsukimi hay Tsukimi Ryōri (月見料理). Những món ngon này mang đậm tính biểu tượng và mang lại may mắn, gợi nhớ đến hình ảnh trăng tròn.
Tsukimi Dango (月見団子): Đây là món ăn truyền thống nhất gắn liền với Tsukimi. Chúng là những chiếc bánh trôi nhỏ, tròn, màu trắng làm từ gạo. Không giống như Mitarashi Dango được phục vụ theo dạng xiên và gia vị với nước sốt mặn ngọt, Tsukimi Dango sẽ đơn giản hơn. Thậm chí còn có một cách đặc biệt để bày biện 15 chiếc bánh bao bằng cách xếp chúng thành hình kim tự tháp cao trên khay.
Mochi hình con thỏ: Mochi (bánh nếp) là một món ăn truyền thống khác được dùng trong ngày đặc biệt này. Chúng được làm theo hình con thỏ vì miệng hố của mặt trăng trông giống hình ảnh con thỏ giã bánh mochi.
Những chiếc bánh mochi hình con thỏ đáng yêu thường được dùng trong lễ ngắm trăng
Trái cây và rau quả mùa thu: Người Nhật luôn chú trọng đến việc ăn uống theo mùa. Theo kinh nghiệm du lịch, bạn có thể tìm thấy hạt dẻ (kuri), edamame , kabocha (bí ngô Nhật Bản), quả hồng, khoai lang Nhật Bản… được dùng làm lễ cúng trăng trung thu và để thưởng thức sau đó.
Món trứng sống: Một điểm nổi bật khác là món cơm hoặc mì với trứng sống. Một số nhà hàng mì ở Nhật Bản sẽ phục vụ món Tsukimi Soba (月見そば) và Tsukimi udon (月見うどん) phủ trứng sống luộc trong nước súp. Màu vàng đậm của lòng đỏ trứng giống như trăng tròn trên cao. Bạn cũng có thể tìm thấy một số nhà hàng sushi băng chuyền (kaiten sushi) phục vụ sushi kiểu tsukimi bằng cách đặt trứng cút sống lên trên sushi.
Mì kiều mạch Tsukimi của Nhật Bản là một món mì trong nước súp nóng với trứng phủ lên trên
Burger Tsukimi: Người Nhật thường kết hợp giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại. Do đó, bạn sẽ không ngạc nhiên khi gặp Tsukimi Burger trong menu của mùa Tsukimi. Nó đơn giản là một chiếc bánh mì kẹp thịt với một quả trứng ốp la ở giữa. Trứng này biểu trưng cho mặt trăng.
Món Burger Tsukimi được biến tấu đặc biệt mang ý nghĩa tốt lành trong đêm trăng tròn
Một số địa điểm ngắm trăng tại Nhật
Một số sự kiện ngắm trăng sẽ diễn ra từ cuối tháng 9 đến tháng sau tại các đền chùa, miếu mạo, vườn hoa và trung tâm thương mại trên khắp Nhật Bản.
Tháp Tokyo: Tháp sẽ được thắp sáng và cầu thang bên ngoài dài 600 bậc dẫn lên tầng chính sẽ mở cửa đến 10 giờ tối.
Lâu đài Himeji: Địa điểm tham quan nổi tiếng ở tỉnh Hyogo này sẽ tổ chức sự kiện ngắm trăng với các buổi biểu diễn trống taiko và các tiết mục khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức tsukimi-dango, oden địa phương và rượu sake, cùng với các điểm dừng chân uống trà và ngắm thiên văn qua kính viễn vọng.
Tokyo Skytree: Một số sự kiện ngắm trăng sẽ được tổ chức tại Tokyo Skytree, bao gồm cả các buổi biểu diễn nhạc jazz sống.
Sankeien: Khu vườn ở Yokohama này sẽ kéo dài thời gian mở cửa vào cuối tháng 9 và chiếu sáng các tòa nhà lịch sử. Hàng ngày, bạn cũng có thể thưởng thức các buổi biểu diễn âm nhạc và khiêu vũ khác nhau tại Rinshunkaku.
Đền Ise: Đền thờ ở tỉnh Mie sẽ tổ chức sự kiện ngắm trăng với các hoạt động đọc thơ và biểu diễn âm nhạc truyền thống.
Tháp Tokyo là một điểm đến lý tưởng để ngắm ánh trăng tròn
Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vẻ đẹp văn hóa Tsukimi ở Nhật Bản. Nếu bạn có ý định tham quan, đừng quên tham khảo kinh nghiệm du lịch từ Mytour.vn để chuẩn bị vali hành lý chu đáo nhé.
Thuỵ Anh
Nguồn: Tổng hợp.