Ý nghĩa của lễ hội xuống đồng Sapa
Lễ Hội xuống đồng Sapa hay còn gọi là lễ hội Lồng Tồng là một lễ hội truyền thống của người dân tộc Tày. Lễ hội được tổ chức nhằm mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và hạnh phúc cho cộng đồng.
Lễ hội được tổ chức vào đầu xuân thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách từ xa đến tham dự, chung vui và khám phá nét đặc sắc trong nền văn hóa lễ hội của các dân tộc núi rừng Tây Bắc.
Lễ hội xuống đồng Sapa tổ chức nhằm mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu
Thời gian tổ chức lễ hội xuống đồng Sapa
Tùy vào từng vùng mà lễ hội được tổ chức vào các ngày khác nhau. Tuy nhiên lễ hội xuống đồng đầu xuân của các dân tộc vùng Tây Bắc thường bắt đầu sáng ngày mồng 8 Tết với phần lễ khai mạc trang trọng. Sau đó là các hoạt động hội chợ, các tiết mục biểu diễn văn nghệ và các trò chơi thú vị.
Lễ hội xuống đồng diễn ra vào mồng 8 tháng Giêng đầu xuân
Những đặc điểm nổi bật của lễ hội xuống đồng Sapa
Nếu bạn có cơ hội đến đây vào mùa xuân, hãy không bỏ lỡ cơ hội để khám phá bản sắc của các dân tộc miền núi thông qua lễ hội xuống đồng Sapa. Được tổ chức rộng rãi trên khắp vùng núi, lễ hội xuống đồng Sapa sẽ chắc chắn mang đến cho bạn cái nhìn mới mẻ và hiểu biết sâu sắc về văn hóa địa phương.
3.1 Phần lễ
Phần lễ bắt đầu từ nghi lễ rước đất và rước nước. Đoàn rước đất thường xuất phát từ rất sớm, khi ánh nắng ban mai vẫn chưa lấp lánh, với đội hình gồm: thầy cúng, đội trống, đội khèn, hai cặp nam nữ chưa lập gia đình cùng khiêng kiệu rước. Các kiệu thường được trang trí đủ màu sắc theo biểu tượng của âm dương ngũ hành.
Dẫn đầu đoàn là thầy cúng và đội trống hai bên với nhiệm vụ như sứ giả giao tiếp với thần linh, ban phước lành sự sinh sôi, nảy nở thông qua cây nêu trên tay. Đi sau là kiệu rước nước được đựng trong hai ống bương to là ống bố và ống mẹ. Cuối cùng là kiệu rước đất thiêng được lấy từ trên núi cao.
Các lễ vật dâng kính thần linh bao gồm một mâm quả còn, bên trong đựng hạt giống, mâm xôi bảy màu, thủ lợn, hoa quả, bánh dày ngũ sắc,...Khi đoàn rước đến nơi làm lễ, thầy cúng sẽ ra hiệu đội nhạc lễ tấu lên ba hồi kèn trống vang núi rừng, sau đó tiến hành khấn và phun nước phép nhằm xua đuổi tà ma, vận hạn và ban lộc của thần linh cho dân làng.
Phần lễ rước diễn ra trong không khí trang trọng khi mặt trời chưa ló dạng
3.2 Phần hội
Mở màn phần hội chính là các màn biểu diễn văn nghệ đặc sắc với những điệu múa và bản nhạc dân gian. Tuy nhiên phần nổi bật nhất trong hội chính là màn xòe đến từ các cô gái người Tày. Khi tiếng khèn trống vang lên, các cô gái sẽ bắt đầu khoe sự duyên dáng, thướt tha của mình qua các động tác xòe điệu nghệ.
Tiếp sau màn xòe là khu vui chơi dân gian. Tại đây, bạn có thể tham gia vào các trò chơi như ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, bịt mắt bắt dê,...khá thú vị. Trong trò ném còn, hai đôi nam nữ sẽ bắt đầu ném quả đầu tiên mở màn cho mọi người tham gia chung vui.
Trong phần hội có nhiều trò chơi thú vị như ném còn, đánh gậy, đánh quay,...
Lễ hội xuống đồng Sapa diễn ra vào đầu mùa xuân, là dịp quan trọng đánh dấu sự khởi đầu mới trong năm với nhiều kỳ vọng và mong muốn. Lễ hội góp phần làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần của người dân núi rừng Tây Bắc với hy vọng vào một mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc. Nếu bạn có cơ hội ghé thăm xứ sở sương mù Sapa, đừng bỏ lỡ cơ hội tham dự lễ hội xuống đồng để hiểu thêm về văn hóa và con người xứ núi rừng Tây Bắc xinh đẹp.
Tạ Mỹ Dung
Nguồn: Tổng hợp/Ảnh: Sưu tầm