Đạo diễn Dương Khiết dành hơn sáu tháng lang thang khắp Trung Quốc để tìm kiếm khu rừng quay cảnh Tôn Ngộ Không bị giam dưới núi Ngũ Hành Sơn, trong bộ phim Tây Du Ký năm 1982.
Ngày 14/7, tài khoản Quliao Xiyou chia sẻ hình ảnh hốc đá ở Thạch Lâm, tỉnh Vân Nam, thu hút sự chú ý của nhiều khán giả vì đây là một trong những địa điểm quay cảnh của bộ phim về thầy trò Đường Tăng. Hốc đá đã được đoàn làm phim sử dụng để quay cảnh Ngộ Không bị Phật tổ giam dưới chân núi suốt 500 năm.

Phần trong phim xoay quanh Tôn Ngộ Không (do Lục Tiểu Linh Đồng đóng) gây ra hậu quả sau khi đại náo thiên cung và bị Phật tổ (Chu Long Quảng) phong ấn lại, chờ Đường Tăng đến để giải thoát.
Theo Xinhua, đạo diễn Dương Khiết (1929-2017) đã dành hơn sáu tháng lang thang khắp Trung Quốc để tìm các địa điểm quay phim, xác định rõ nơi nào được sử dụng cho từng phân đoạn của bộ phim. Đến Vân Nam, ông đã chọn rừng đá tự nhiên để quay cảnh tập Chọc tức Mỹ Hầu Vương (tập 11). Các đồng nghiệp phát hiện ra hốc đá vừa đủ lớn để người chui qua, khiến ông rất vui mừng vì đã tìm được thêm một địa điểm quay cho tập bốn, với đoạn Ngộ Không bị núi đè, chỉ thò đầu ra.
Trong cuốn sách Xin hỏi đường ở nơi nào được xuất bản năm 2016, đạo diễn Dương Khiết cho biết ban đầu ông đã dự định xây mô hình núi để Lục Tiểu Linh Đồng có thể chui đầu qua. Hốc đá tự nhiên đã giúp đoàn làm phim giải quyết vấn đề kỹ xảo một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian và kinh phí. Khi nhìn thấy địa điểm này, ông cảm thấy như nhận được một món quà tự nhiên.
Lưu Lễ, chuyên gia về mảng cháy nổ và khói lửa, đã phụ trách tạo khói, mang lại cảm giác bồng bềnh, rộng lớn cho tác phẩm của Phật tổ. Đội ngũ mỹ thuật đã thiết kế các mảnh ghép núi giả, rơi từ trên cao xuống, tạo hiệu ứng núi lở và đè lên Tôn Ngộ Không.
Đạo diễn Dương Khiết cũng yêu cầu sáng tác một bản nhạc riêng cho phần trong phim này, để miêu tả sự cô đơn, bất lực và chán chường của nhân vật chính sau 500 năm không thể bay nhảy. Ông đã xây dựng hai thế giới đối lập, với tiên nữ nhảy múa trên trời và Tôn Ngộ Không giãy giụa dưới chân núi, tạo nên một sự tương phản mạnh mẽ.
Theo Xinhua, đoạn phim không chỉ mang đậm bản sắc tôn giáo mà còn khiến người xem cảm động. Hình tượng Phật tổ do Chu Long Quảng thể hiện để lại ấn tượng sâu sắc. Trước khi vào vai, đạo diễn Dương Khiết đã từng từ chối 15 người vì họ không đáp ứng yêu cầu của bà. Nhưng với Chu Long Quảng, sau khi chuyên gia tạo hình gắn tai giả và phục trang, Dương Khiết đã biết ngay đây là hình tượng Phật Tổ Như Lai trong Tây du ký. Một lần Chu Long Quảng đi ngang qua phim trường, nhiều người đã quỳ gối trước mặt ông, vì diễn viên đã hóa thân thành hình tượng Phật tổ trong lòng họ.

Tác phẩm được quay vào năm 1982, trước khi bắt đầu, đạo diễn Dương Khiết đã tổ chức một cuộc họp với ê-kíp, bà nói: 'Chúng ta có hai khả năng trước mắt, thành công hoặc thất bại. Nếu thất bại, trách nhiệm thuộc về tôi, vì tôi không có đủ năng lực, phụ lòng tin của lãnh đạo và lãng phí tiền của nhà nước. Thành công sẽ là công sức chung của chúng ta, đặc biệt là của các diễn viên chính, có thể nổi danh trên toàn quốc, đặc biệt là Tôn Ngộ Không'.
Tây du ký đã tạo nên tiếng vang không chỉ tại Trung Quốc mà còn ở nhiều nước châu Á khi ra mắt năm 1986, lập kỷ lục là phim truyền hình được phát lại nhiều nhất. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân, kể về chặng đường bốn thầy trò Đường Tăng vượt qua khó khăn để thỉnh kinh Phật.
Như Anh