1. Tại sao lại có cảm giác nhức nhối răng?
Thông thường, bề mặt của răng được bảo vệ bởi một lớp men răng. Chức năng của men răng là bảo vệ bề mặt răng. Khi men răng bị hỏng, bề mặt răng không được bảo vệ khi tiếp xúc với thức ăn khi chúng ta ăn uống. Đó là nguyên nhân khiến cho răng trở nên nhạy cảm hơn và người bệnh phải đối mặt với cảm giác nhức nhối và rung lắc răng.
Cảm giác nhức nhối răng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân
Đặc biệt, các loại thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh càng kích thích các dây thần kinh trong ống tủy răng, làm tăng thêm cảm giác đau và làm cho việc ăn uống trở nên khó khăn hơn đối với bệnh nhân. Ở nhiều trường hợp, khi răng quá nhạy cảm, thậm chí chỉ cần hít một luồng không khí lạnh cũng có thể khiến răng của bệnh nhân bị cảm giác nhức nhối.
Dưới đây là những nguyên nhân cụ thể trong sinh hoạt hàng ngày và chế độ ăn uống có thể làm cho răng trở nên nhạy cảm và dễ bị đau nhức:
- Do một số vấn đề về sức khỏe răng miệng như sâu răng, viêm nướu, răng bị tụt lợi, răng bị sứt mẻ,… Trong số đó, tình trạng sâu răng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho răng bị nhạy cảm và gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Khi bị sâu răng, trên bề mặt của răng sẽ xuất hiện những lỗ sâu và ảnh hưởng đến tủy răng.
Sâu răng là tình trạng phổ biến gây ra cảm giác nhức nhối cho răng của bạn
Bên cạnh đó, sâu răng còn là nguyên nhân tăng nguy cơ tụt lợi và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe răng miệng. Tình trạng tụt lợi sẽ làm cho phần ngà ở phía dây thần kinh chân răng lộ ra và khiến cho răng dễ cảm giác nhức nhối hơn.
- Do vệ sinh răng không đúng cách:
Hàng ngày, chúng ta cần đánh răng ít nhất 2 lần để làm sạch và bảo vệ răng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đánh răng đúng cách. Nhiều người chỉ đánh răng qua loa nên răng miệng không được làm sạch kỹ. Bên cạnh đó, một số khác đánh răng quá mạnh, quá nhiều lần làm hỏng men răng và khiến răng trở nên nhạy cảm.
Ngoài ra, việc chọn bàn chải đánh răng quá cứng, loại kem đánh răng không phù hợp hoặc sử dụng quá nhiều nước súc miệng cũng gây ra cảm giác nhức nhối răng. Nước súc miệng giúp sát khuẩn và làm hơi thở thơm mát, tự tin hơn trong giao tiếp. Tuy nhiên, với những trường hợp răng nhạy cảm (men răng hỏng), việc sử dụng nước súc miệng có chứa axit trong thời gian dài sẽ làm tổn thương răng nhiều hơn.
- Thói quen ăn nhiều thực phẩm chứa axit và thiếu vệ sinh răng miệng cẩn thận cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra cảm giác đau buốt răng nhiều hơn và tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về răng, đặc biệt là viêm nướu và sâu răng.
- Nghiến răng: Nhiều người có thói quen nghiến răng khi ngủ. Thói quen này không chỉ tạo ra tiếng ồn gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác mà còn gây hại cho răng. Khi nghiến răng, hai hàm răng sẽ siết chặt lại và gây mài mòn răng, từ đó ảnh hưởng đến men răng và khiến răng trở nên nhạy cảm hơn.
- Tẩy trắng răng hoặc một số phương pháp nha khoa khác cũng gây ra cảm giác ê buốt cho răng của bạn. Vì vậy, trước khi áp dụng các phương pháp làm đẹp răng, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Có thể nói rằng, cảm giác đau buốt răng không chỉ khiến bạn phải từ bỏ những món ăn mà bạn yêu thích mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và cả việc cung cấp dưỡng chất cho cơ thể. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, cảm giác đau buốt răng có thể dẫn đến tình trạng biếng ăn và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
2. Cách xử lý hiệu quả tình trạng ê buốt răng
- Hãy vệ sinh răng miệng đúng cách:
Trong một ngày, bạn cần vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Hãy chọn kem đánh răng có chứa fluoride để đảm bảo răng sạch sẽ. Đánh răng bằng nước ấm.
Vệ sinh răng miệng đúng cách để giảm thiểu tình trạng ê buốt răng
Lưu ý, việc đánh răng không thể loại bỏ hoàn toàn mảng bám trên răng, đặc biệt là ở những kẽ răng. Vì vậy, bạn có thể sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng hoàn toàn.
- Đảm bảo duy trì một chế độ ăn lành mạnh và khoa học:
Đối với những người có răng nhạy cảm, chế độ ăn uống càng quan trọng hơn. Trong chế độ ăn của bạn, hãy loại bỏ những thực phẩm và thức uống có axit như cà chua, cam, bưởi, nước ngọt có gas,... Đặc biệt, hạn chế ăn những thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh.
Răng nhạy cảm thì tránh uống nước lạnh
Đồng thời, hãy bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ như táo, chuối,… những loại này giúp cung cấp nhiều khoáng chất cho cơ thể, giúp phòng tránh tình trạng ê buốt răng.
Hãy tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu canxi như sữa, bơ, rau xanh đậm màu, hạnh nhân,… Thiếu canxi sẽ gây ra nhiều vấn đề cho răng miệng.
- Đi kiểm tra sức khỏe răng miệng
Ngoài việc điều chỉnh thói quen vệ sinh răng miệng và chế độ ăn uống, bạn cần đi kiểm tra và điều trị răng miệng kịp thời. Điều này giúp phòng tránh những biến chứng nguy hiểm. Mọi người nên duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ mỗi 6 tháng/lần.