Các thương hiệu ô tô từ châu Âu như Volkswagen, Volvo, Audi, Mercedes... đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ lâu nhưng vẫn không thể cạnh tranh với các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo tìm hiểu của các phóng viên, xe nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu phải chịu thuế nhập khẩu cao nên giá bán ra thị trường tăng cao, khó cạnh tranh với nhiều dòng xe châu Á với giá cả đa dạng, dễ chọn lựa. Một điều bất lợi khác khiến các dòng xe của Volkswagen, Volvo... ít được người tiêu dùng lựa chọn là do hãng không có nhà máy sản xuất, lắp ráp trong nước; hệ thống đại lý cũng ít ỏi.
Các hãng xe có doanh số bán hàng thấp thường không đầu tư vào kho vật tư, linh kiện ở Việt Nam vì chi phí quá cao. Có chủ xe phải di chuyển cả trăm cây số, thậm chí phải đi từ các tỉnh xa về thành phố lớn mới có đại lý chính hãng để bảo hành, sửa chữa.
Nhiều ô tô cần sửa chữa, thay thế phụ tùng phải chờ đợi do thiếu linh kiện, phụ tùng
Đáng chú ý, mặc dù các dòng xe từ Nhật Bản, Hàn Quốc thường được người Việt ưa chuộng nhưng cũng có những dòng xe có thị phần rất thấp. Ví dụ, các mẫu XL7, Ertiga, Swift, Ciaz của hãng Suzuki có giá bán thấp nhất trong phân khúc, chỉ từ 400-600 triệu đồng/chiếc, nhưng vẫn không thu hút được người tiêu dùng, thậm chí có tháng chỉ tiêu thụ được vài chiếc. Nguyên nhân chủ yếu là do hãng này có quá ít đại lý, làm cho việc bảo hành, sửa chữa trở nên không thuận tiện.
'Một chủ xe ở Cà Mau mua chiếc Ertiga với giá 624 triệu đồng, chạy được khoảng 1.000 km thì gặp sự cố. Người này mang xe đến đại lý chính hãng để sửa chữa nhưng đã phải chờ đợi suốt 9 tháng mà vẫn chưa có linh kiện thay thế' - một nhân viên của đại lý Suzuki tiết lộ.
Trong khi đó, hãng MG đang chuyển giao nhà phân phối mới tại thị trường Việt Nam nên nhà phân phối cũ TC Services (thuộc Tập đoàn Tan Chong Motor) không còn đầy đủ linh kiện, phụ tùng. Nhà phân phối mới là Tập đoàn SAIC cũng đang hoàn thiện hệ thống từng bước nên nguồn linh kiện, phụ tùng vẫn còn hạn chế.
Hãng Mitsubishi tập trung vào mẫu chiến lược Xpander nên nhiều mẫu khác như Attrage, Pajero, Triton, Outlander tiêu thụ rất chậm, dẫn đến nguồn linh kiện, phụ tùng dự trữ cũng ít. Nhiều chủ xe muốn sửa chữa phải chờ đợi hãng nhập linh kiện từ nước ngoài về trong thời gian dài nên rất không hài lòng và phải bán xe với giá rẻ.
Ngay cả hãng xe có nhà máy lắp ráp trong nước cũng không có đủ nguồn linh kiện, phụ tùng để đáp ứng kịp thời nhu cầu. Ông Nguyễn Đình Hiếu, nhân viên của đại lý Ford tại TP HCM, cho biết những linh kiện, phụ tùng như cần gạt nước mưa, lọc nhiên liệu, thắng... thường có sẵn; nhưng phụ tùng trong động cơ, hộp số, thiết bị điều khiển, hệ thống điện... lại ít được thay thế nên đại lý không cần tích trữ nhiều. Khi có nhu cầu, nếu kho hàng trong nước đã hết thì phải đặt hàng ở nước ngoài và chờ đợi từ 1-2 tháng.
Theo ông Phương Anh Phát, Tổng Giám đốc Công ty TNHH JVA (TP HCM), việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ nước ngoài mất nhiều thời gian vì nguồn hàng không tập trung, phân tán ở hàng chục kho nên mất 6-8 tuần để thu thập. Sau đó, nếu vận chuyển bằng đường hàng không thì sẽ nhanh, còn bằng đường biển thì mất 4-6 tháng mới về cảng Việt Nam.
Một số doanh nghiệp cho biết để nhập khẩu một số linh kiện, phụ tùng như kính, đèn, mâm... phải có giấy chứng nhận chất lượng từ nhà sản xuất nên thời gian nhập một lô hàng tăng gấp đôi so với trước đây.