Hơn 5300 các trường đại học/cao đẳng khác nhau ở Hoa Kỳ, bao gồm nhiều ngôi trường danh tiếng như Harvard, Stanford, Yale, là điểm đến của hơn 18 triệu sinh viên nội địa và quốc tế từ hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ đây, các bài thi chuẩn hoá (SAT, ACT) được ra đời nhằm đánh giá năng lực học thuật của những thí sinh đến từ nhiều nền giáo dục khác nhau trên một thang điểm thống nhất, hỗ trợ các trường đại học trong quá trình tuyển sinh vô cùng gắt gao hàng năm. Nhưng thực sự, bài thi chuẩn hoá có liên hệ như thế nào với các kì tuyển sinh, và đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến các bài thi nêu trên?
Người đọc có thể tham khảo thêm về bài thi chuẩn hoá năng lực học thuật, về cấu trúc đề thi và cách phân biệt với các loại bài thi chuẩn hóa tiếng Anh khác.
Điểm số thi chuẩn hoá và quy trình tuyển sinh đại học
Đầu tiên, mặc dù điểm thi của SAT và ACT được mặc định trên thang 1600 và 36, cách xét điểm thi chuẩn hoá của từng trường đại học là khác nhau, dựa trên ba cách tính chính: (1) chỉ xét điểm cao nhất từng thành phần trong nhiều lần thi khác nhau (SuperScore); (2) chỉ xét tổng điểm trong một lần thi cao nhất; (3) xét điểm toàn bộ các lần thi, thí sinh không có lựa chọn.
Ví dụ sau sẽ làm rõ hơn sự khác nhau giữa 3 cách tính điểm trên.
Giả sử thí sinh A thi SAT ba lần và có số điểm như sau:
Lần thi | Điểm phần Đọc hiểu & Ngôn ngữ (Verbal Section) | Điểm phần Toán (Maths Section) | Tổng điểm |
1 |
600 | 800 | 1400 |
2 | 720 | 790 | 1510 |
3 | 750 | 700 | 1450 |
Với cách tính điểm (1) – chỉ xét điểm cao nhất từng thành phần trong nhiều lần thi khác nhau – điểm thi của thí sinh A khi nộp đơn tuyển sinh sẽ là 800 (điểm cao nhất phần Toán) + 750 (điểm cao nhất phần Đọc hiểu & Ngôn ngữ) = 1550/1600 điểm. Hình thức xét điểm này còn được gọi là SuperScore, được chấp nhận rộng rãi bởi đa số các trường đại học. Một số trường đại học danh tiếng chấp nhận cách tính điểm này có thể kể đến Harvard, MIT.
Với cách tính điểm (2) – chỉ xét tổng điểm trong một lần thi cao nhất – điểm của thí sinh A sẽ là điểm của lần thi 2 (với tổng điểm 1510), mặc dù điểm đọc hiểu và điểm Toán đều không phải cao nhất.
Còn lại, với cách xét điểm (3) – xét điểm toàn bộ các lần thi – thí sinh A sẽ cần nộp cho trường đại học xét tuyển điểm của toàn bộ các lần thi. Điều này đồng nghĩa bộ phận tuyển sinh sẽ đánh giá điểm SAT của thí sinh A dựa trên toàn bộ lịch sử thi SAT, bao gồm số lần thi, độ tăng điểm hay khả năng theo thời gian, thay vì một lần thi duy nhất hay số điểm cao nhất. Yale, Georgetown là hai trong số nhiều ngôi trường nổi tiếng áp dụng chính sách này.
Thứ hai, mặc dù đa số các trường đại học hệ 4 năm của Mỹ yêu cầu điểm thi chuẩn hoá, song mức độ quan trọng của số điểm đó trong bộ hồ sơ đối với từng trường đại học là khác nhau. Lấy ví dụ (trích từ Harvard Common Data Set 2018-2019) về độ quan trọng của các yếu tố khác nhau trong hồ sơ tuyển sinh. Có thể thấy, tiêu chí Standardized Test Scores (điểm thi chuẩn hoá) chỉ ở mức Considered (xem xét), tức không đến mức quá quan trọng (Very Important) hay quan trọng (Important) trong bộ hồ sơ xét tuyển.
Trích Harvard Common Data Set 2018-2019.
Nguồn: https://oir.harvard.edu/files/huoir/files/harvard_cds_2018-19.pdf
Ngược lại, với Yale, một trường top đầu cũng thuộc hệ thống Ivy League, lại xếp tiêu chí điểm chuẩn hoá ở mức độ vô cùng quan trọng (Very Important) khi xét hồ sơ tuyển sinh.
Trích Yale Common Data Set 2017-2018.
Nguồn: https://oir.yale.edu/sites/default/files/cds_2017-2018.pdf
Có thể thấy, mặc dù bài thi chuẩn hoá là yếu tố không thể thiếu, mức độ quan trọng của số điểm này so với các tiêu chí khác trong hồ sơ hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách và quy định của từng trường khác nhau.
Thứ ba, các trường đại học sẽ công khai thông tin điểm chuẩn hoá sau từng mùa xét tuyển. Thông thường, trường đại học sẽ công bố các thông tin liên quan đến chất lượng học sinh tuyển sinh trong khoá vừa rồi, như tỉ lệ số lượng sinh được nhận trên tổng số hồ sơ (acceptance rate), số lượng học sinh quốc tế, số lượng học sinh nội địa, và chất lượng điểm chuẩn hóa cũng được các trường thống kế, công bố. Ví dụ sau, trích từ Yale Common Data Set 2017-2018 của đại học Yale, sẽ minh hoạ thông tin trên.
Trích Yale Common Data Set 2017-2018.
Nguồn: https://oir.yale.edu/sites/default/files/cds_2017-2018.pdf
Dựa trên bảng thống kê trên, một thí sinh có điểm 710/800 cho phần Đọc hiểu & Ngôn ngữ (Verbal Section) sẽ thuộc nhóm 25% thí sinh nộp vào đại học Yale kì tuyển sinh 2017-2018. Ngược lại, thí sinh sẽ cần có điểm 790/800 cho phần thi tương tự để vào nhóm 25% cao nhất (tức cao hơn 75% thí sinh còn lại) trong số hồ sơ xét tuyển. Tương tự, có 88.02% số thí sinh có điểm SAT Đọc hiểu & Ngôn ngữ (Evidence-Based Reading and Writing) trong khoảng từ 700-800, và 86.26% số thí sinh có điểm SAT Toán trong cùng khoảng.
Từ số liệu này, thí sinh có thể ước lượng được mức độ cạnh tranh của điểm chuẩn hoá bản thân so với các thí sinh cùng nộp vào một trường đại học trong cùng một kì tuyển sinh.
Vậy tổng kết lại, (1) các trường đại học Mỹ sẽ có cách xét điểm chuẩn hoá khác nhau, (2) các trường đại học Mỹ xếp mức độ quan trọng của bài thi chuẩn hoá khác nhau, và (3) các trường đại học Mỹ công khai số liệu điểm chuẩn hoá, và thí sinh có thể dùng nó như một công cụ để ước tính mức độ cạnh tranh của hồ sơ bản thân so với khoá tuyển sinh.
Tác động từ đại dịch COVID-19
Phản ứng với tình hình trên, nhiều trường đại học/cao đẳng đã ban hành chính sách không bắt buộc đối với bài thi chuẩn hoá (test optional), đồng nghĩa thí sinh hoàn toàn đủ điều kiện để nộp hồ sơ dù không có điểm chuẩn hoá. Một số trường đại học danh tiếng, trước đây yêu cầu điểm bắt buộc đối với điểm chuẩn hoá, đã áp dụng test optional có thể kể đến Harvard, Yale, Princeton, Stanford. Tuy nhiên, đa số các trường đại học đồng thời thông báo chính sách trên là one-year, nghĩa là chỉ được áp dụng với kì tuyển sinh 2021; các kỳ tuyển sinh sau đó, các trường sẽ quay lại với chính sách cũ.
Mặc dù chính sách test optional đã được nhiều trường đại học thông qua, có nhiều tranh cãi, bàn luận xảy ra giữa việc các trường đại học có thực sự bỏ qua bài thi chuẩn hoá như một tiêu chí xét tuyển học sinh. Thông cáo chính thức trên trang chủ của đại học Harvard về bài thi chuẩn hoá như sau:
Nguồn: https://college.harvard.edu/about/news-announcements/admission-application-considerations-class-2025
“Đại học Harvard mở cửa cho sinh viên ứng tuyển vào khóa học năm 2025 mà không yêu cầu điểm thi chuẩn […] Học sinh không cần gửi điểm thi chuẩn sẽ không gặp khó khăn trong quá trình tuyển sinh. Họ sẽ được đánh giá dựa trên những gì họ trình bày và được khuyến khích gửi bất kỳ tài liệu nào chứng minh năng lực của bản thân trong những năm trung học và tiềm năng trong tương lai.”
Thông báo này cho thấy rằng việc không gửi điểm chuẩn không ảnh hưởng đến hồ sơ của thí sinh, và thí sinh sẽ được đánh giá dựa trên các thông tin khác (như bài luận, thành tích, hoạt động ngoại khóa) mà họ cung cấp cho Harvard.
Tuy nhiên, một quan điểm khác cho rằng, chính sách test-optional vẫn tạo ra những ưu điểm nhất định cho thí sinh gửi điểm chuẩn do phòng tuyển sinh vẫn sẽ xem xét điểm số đó, không giống như chính sách test-blind, khi trường đại học/cao đẳng hoàn toàn không cân nhắc điểm chuẩn như một yếu tố trong việc xét tuyển dù thí sinh có gửi kết quả hay không. Nói một cách khác, việc không gửi điểm chuẩn không tạo ra bất kỳ bất lợi nào cho thí sinh không có nghĩa là gửi điểm chuẩn sẽ không mang lại lợi ích. Đơn giản, thí sinh có điểm chuẩn cao sẽ nổi bật so với nhiều thí sinh khác không có điểm chuẩn. Do đó, quan điểm này cho rằng thí sinh vẫn nên ôn luyện các kỳ thi chuẩn để chuẩn bị tốt nhất cho hồ sơ xét tuyển của mình.