Vệ tinh Europa của sao Mộc có nước dạng lỏng, điều này mở ra khả năng cho con người khám phá sự sống.
Vào năm 2015, nhà khoa học nổi tiếng Bill Nye đã có mặt trên trực thăng Marine One cùng với cựu Tổng thống Obama.
Ông có mặt tại sự kiện Ngày Trái đất, nhưng đã tận dụng cơ hội này để thảo luận với cựu Tổng thống về các hoạt động thám hiểm không gian, đặc biệt là một sứ mệnh đang ở giai đoạn đầu tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA (JPL) ở La Cañada Flintridge, nơi rất cần kinh phí.
Sau một thập kỷ vận động từ các nhà khoa học, sứ mệnh này dự kiến sẽ được phóng sớm nhất vào ngày 11/10 và sẽ khám phá vệ tinh băng Europa của sao Mộc, nơi có thể ẩn chứa một đại dương rộng lớn có khả năng hỗ trợ sự sống.
"Có hai câu hỏi: Chúng ta đến từ đâu? Chúng ta có phải là những sinh vật cô đơn trong vũ trụ này không? Nếu bạn gặp ai đó nói rằng họ chưa bao giờ đặt ra những câu hỏi này, thì họ không trung thực với bạn." Nye cho biết.
Vệ tinh Europa của sao Mộc có nước bên dưới lớp băng.
Tàu vũ trụ Europa Clipper trị giá 5 tỷ USD là tàu thăm dò liên hành tinh lớn nhất mà NASA từng chế tạo. Nó sẽ được phóng bằng một tên lửa SpaceX, được sản xuất tại Hawthorne.
Sau Kính viễn vọng không gian James Webb và Xe tự hành sao Hỏa Perseverance, Clipper là một trong những dự án "chủ lực" trị giá hàng tỷ USD cuối cùng được triển khai trong thập kỷ này, khi NASA đối mặt với tình trạng ngân sách hạn chế và các vấn đề trong quản lý dự án.
"Tôi thường nói về những sứ mệnh này như những nhà thờ hiện đại. Chúng là nhiệm vụ của cả một thế hệ." Giám đốc JPL Laurie Leshin phát biểu tại cuộc họp báo về việc phóng Clipper. "Tôi thực sự tự hào rằng, với tư cách là loài người, chúng ta đã chọn theo đuổi những mục tiêu khó khăn và dài hạn này – như khám phá những điều chưa biết về sao Mộc."
NASA đã đặt thời hạn đến ngày 6/11 để phóng tàu thăm dò và hiện đang chờ bão Milton đi qua khu vực Space Coast Florida.
Khi tàu vũ trụ rời bệ phóng Cape Canaveral, nó sẽ bắt đầu hành trình kéo dài 5 năm rưỡi – đầu tiên sẽ bay quanh sao Hỏa, sử dụng lực hấp dẫn của hành tinh này như một cái ná để tăng tốc vào đầu năm 2025, sau đó trở lại Trái đất vào cuối năm 2026 để tiếp tục mượn thêm lực, trước khi tăng tốc đến hành tinh lớn nhất trong Hệ mặt trời và một vệ tinh vô cùng năng động.
Europa quay quanh sao Mộc chỉ trong 3 ngày rưỡi, di chuyển nhanh hơn Mặt Trăng của chúng ta gấp 10 lần. Lực hấp dẫn mạnh từ hành tinh khí khổng lồ liên tục nén và kéo căng lõi của vệ tinh, khiến lõi trở nên nóng hơn.
Các nhà khoa học tin rằng các lỗ thông hơi nước thủy nhiệt thổi nhiệt từ lõi lên bề mặt, làm tan chảy một đại dương rộng lớn, sâu khoảng 24 km bên dưới lớp băng của vệ tinh – sâu hơn nhiều so với những gì con người từng đào được trên Trái đất.
Clipper không phải là vệ tinh đầu tiên thăm dò sao Mộc và các mặt trăng của nó.
Các quan sát từ Trái đất và từ các tàu thăm dò đang ở quỹ đạo sao Mộc cho thấy có một lượng nước lớn chảy qua các vết nứt trên băng và phun trào thành các mạch nước phun cao hơn 100 km.
Với nước lỏng và nguồn năng lượng dưới dạng nhiệt, Europa đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học trong nhiều thập kỷ. Nếu nơi đây cũng chứa các hợp chất hữu cơ như axit amin, thành phần cấu thành protein trong tế bào, thì Europa có thể là nơi sinh sống của các dạng sống ngoài Trái đất.
Clipper sẽ tìm kiếm các dấu hiệu ánh sáng của những hợp chất này trên Europa, cũng như bất kỳ hợp chất nào có thể bị thiên thạch hoặc các mạch nước phun đẩy vào không gian. Mặc dù các sứ mệnh trước đây tới sao Mộc đã cung cấp cho các nhà khoa học một cái nhìn tổng quát về Europa, Clipper sẽ giúp tạo ra một bức chân dung chi tiết hơn.
Khi Clipper đến gần sao Mộc, nó sẽ quay quanh hành tinh khí khổng lồ này 80 lần trong vòng 4 năm, thực hiện 49 lần bay ngang qua Europa, với khoảng cách gần bề mặt chỉ khoảng 26 km, để thu thập dữ liệu từ cực này sang cực kia.
Trong những lần bay ngang đầu tiên, các nhà khoa học sẽ xác nhận sự tồn tại của đại dương bằng cách phân tích từ trường mà vệ tinh tạo ra và đo lực hấp dẫn của nó thông qua lực kéo đối với tàu vũ trụ. Họ cũng sẽ có được những hình ảnh có độ phân giải cao nhất từng được ghi lại về vệ tinh và các phép đo đầu tiên về các phân tử gần bề mặt.
Trong suốt phần còn lại của nhiệm vụ, Clipper sẽ nghiên cứu cách mà đại dương tương tác với lớp băng và lớp manti nóng bên dưới. Điều này sẽ dần dần được tiết lộ khi tàu thăm dò sử dụng sóng vô tuyến xuyên thấu để quan sát bên dưới lớp băng, giống như một máy chụp X-quang.
Vào ngày 3/9/2034, Clipper sẽ thực hiện cú va chạm có chủ đích vào vệ tinh đá Ganymede của sao Mộc, kết thúc hành trình lịch sử này, đồng thời đảm bảo rằng tàu vũ trụ không vô tình đâm vào Europa.