'Phát triển bản thân' hay còn gọi là 'Self-improvement' là cụm từ được giới trẻ hiện nay yêu thích tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng 'Kết hôn' hay 'Lập gia đình' cũng là nền tảng cho mọi sự 'Self-improvement'? Dưới đây là những suy ngẫm và trải nghiệm cá nhân của mình sau khi vượt qua một trong những cột mốc 'phát triển' quan trọng nhất trong đời.
Vì sao 'Lập gia đình' lại quan trọng đến mức đó đối với sự 'phát triển bản thân'?
Theo mình học được, cốt lõi của việc 'Lập gia đình' là bạn đã hoàn toàn nhận trách nhiệm của một người trưởng thành (trên mọi phương diện), rằng bạn sẵn sàng bảo vệ, chăm sóc và hỗ trợ các thành viên trong gia đình nhỏ của mình, bao gồm vợ hoặc chồng và con cái. Điều này mang lại cho bạn những thử thách mới, những vấn đề phát sinh mà trước đây chưa từng có, và chính bạn là người phải giải quyết ngay lập tức.
Đầu tiên là CÔNG VIỆC, nghĩa là chuyện 'Cơm áo gạo tiền'.
Trong thời đại 'Kinh tế thị trường' hiện nay, mức độ cạnh tranh trong công việc tăng cao hơn bao giờ hết. Chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều bài báo về tình trạng thất nghiệp sau khi sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Nhiều số liệu thống kê cũng cho thấy sinh viên tốt nghiệp phải làm việc trái ngành. Gần đây, đại dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn hệ thống làm việc và tuyển dụng không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các nước tiên tiến trên thế giới. Mọi thứ đang xoay chuyển với tốc độ chóng mặt, nhanh hơn cả thái độ của 'người yêu cũ' của bạn nữa. Ngoài sự cạnh tranh giữa con người với nhau, trong thời đại công nghệ 5.0, chúng ta còn phải cạnh tranh với AI. Công việc ngày càng đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao hơn, AI thì ngày càng thông minh hơn từng giây, từng phút, vậy còn chỗ đứng nào cho những cá nhân lười biếng, hoặc chỉ an phận với một công việc đủ sống qua ngày?
Đặt trường hợp bạn là một người đàn ông, 'trụ cột tài chính' trong gia đình, trước đây bạn đi làm, thu nhập dù ít hay nhiều cũng chỉ cần lo cho chính bản thân mình. Nhưng khi có gia đình, bạn phải lo cho ít nhất ba người. Nếu công việc hiện tại không tiến triển, tài chính hàng tháng dậm chân tại chỗ thì chỉ cần một câu than thở của vợ rằng: 'Anh ơi, tháng này con mình hết sữa rồi' là bạn sẽ tự khắc ép bản thân vào trạng thái kiếm tiền như điên. Bạn có thể nghĩ: 'À, một hộp sữa thôi mà, có gì mà làm quá lên? Chả nhẽ sữa cũng tốn tiền vậy sao?' Nhưng còn tiền nhà và sinh hoạt phí hàng tháng, ai sẽ lo? Chưa kể những chi tiêu phát sinh như mua sắm, đi ăn hàng, du lịch, quà tặng dịp lễ,... Nếu bạn nghĩ rằng bỏ qua những chi tiêu này cũng không sao, vẫn sống khỏe, vậy còn tiền chữa bệnh? Không thể nói rằng cả năm không đau ốm, không bệnh tật. Nếu bạn chưa kết hôn và có công việc ổn định với thu nhập khá, thì khi lập gia đình có 'dễ thở' hơn không? Câu trả lời là 'cũng không dễ đến thế đâu'. Theo định luật 'Parkinson':
Định luật Parkinson mô tả hiện tượng phổ biến trong quản lý thời gian và tài chính, nơi nguồn lực (thời gian hoặc tiền bạc) không được sử dụng hiệu quả và thường bị kéo dài hoặc tiêu tốn hơn mức cần thiết. (Theo cuốn 'Parkinson's Law: The Pursuit of Progress' của tác giả Cyril Northcote Parkinson).
Nghĩa là dù bạn kiếm được nhiều tiền bao nhiêu lúc còn độc thân, khi có gia đình, bạn cũng sẽ lấp đầy những khoản chi tiêu cho đến khi chạm ngưỡng của ví tiền.
Vậy còn động lực nào lớn hơn cho việc 'phát triển bản thân' trong công việc khi thành quả đạt được là gia đình bạn ấm no, hạnh phúc. Chả phải các cụ có câu 'Thời thế tạo anh hùng' đó sao.
Điều thứ hai mình muốn nhấn mạnh là vấn đề SỨC KHỎE.
Có một câu chuyện mà mình muốn chia sẻ, đó là 'Cái cây, chàng trai và người cha già'.
Câu chuyện kể về một chàng trai trẻ khỏe, mạnh mẽ sống cùng người cha già yếu. Người cha luôn khuyên chàng trai về việc giữ gìn sức khỏe nhưng chàng trai tự tin vào sức mạnh của mình và không để tâm. Một ngày, họ bắt đầu một cuộc hành trình qua rừng và gặp một cái cây lớn ngã chắn ngang đường. Chàng trai dễ dàng vượt qua, nhưng người cha thì gặp khó khăn. Chàng trai nhận ra rằng nếu không giúp cha, cả hai sẽ không thể tiếp tục. Anh quay lại giúp cha và cùng nhau họ vượt qua khó khăn. Qua trải nghiệm này, chàng trai học được rằng sức khỏe không chỉ là sức mạnh cá nhân mà còn là khả năng chăm sóc và giúp đỡ người khác.
Dù chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn cho trẻ em, nhưng nó mang ý nghĩa sâu sắc cho chúng ta khi trưởng thành. Khi còn bé, ai cũng muốn ốm để được ở nhà xem ti-vi, chơi điện thoại, đọc sách mà không lo bài vở. Nhưng khi lớn lên, chúng ta nhận ra rằng 'ốm' không còn tuyệt vời nữa. Phải nghỉ làm, không có lương, mất tiền khám bệnh và mua thuốc, khiến 'ốm' trở thành một thảm họa. Hơn nữa, cần có người chăm sóc, thường là vợ hoặc chồng, dẫn đến cả hai đều bị ảnh hưởng. Cha mẹ chúng ta ít khi ốm là vì họ hiểu rằng việc giữ gìn sức khỏe là trách nhiệm ưu tiên hàng đầu để có thể lo cho gia đình.
Ốc không nổi mình ốc còn mang cọc cho rêu.
Tục ngữ Việt Nam - Ca dao
Trước khi lập gia đình, bạn có thể tự do làm việc thâu đêm, đến công ty với đôi mắt thâm quầng như gấu trúc và sau đó ngủ bù để phục hồi sức khỏe. Nhưng khi đã có gia đình, bạn không chỉ là một nhân viên xuất sắc mà còn phải là một người chồng/vợ tốt, cha/mẹ hiểu biết và dành thời gian cho gia đình và con cái. Với nhịp sống cực kỳ bận rộn ở cơ quan và trách nhiệm gia đình, việc duy trì sức khỏe tốt trở nên khó khăn nếu không biết cách cải thiện. Bạn cần giảm thời gian sử dụng điện thoại vào buổi tối để có giấc ngủ tốt hơn; ăn uống đầy đủ và lành mạnh; tập thể dục ít nhất hai lần mỗi tuần để giữ cơ thể khỏe mạnh và linh hoạt. Có nhiều tài liệu và sách hướng dẫn trên mạng có thể giúp bạn chi tiết hơn, nhưng điều quan trọng là nếu không chăm sóc sức khỏe của bản thân, bạn sẽ khó mà chăm sóc được sức khỏe của gia đình trong tương lai.