Nghe hiểu (listening comprehension) là một kỹ năng quan trọng với người học IELTS nói riêng và người học tiếng nói chung. Các vấn đề nghe hiểu có thể bắt đầu từ các cấp độ từ, câu, đoạn, và kết cấu bài. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho người học những thông tin cơ bản về Listening comprehension, phân cấp các vấn đề nghe hiểu vào từng giai đoạn khi nghe và một số phương hướng giải quyết, qua đó người học có thể tự xây dựng cho mình một kế hoạch cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh hiệu quả.
Listening comprehension (Nghe hiểu)
Listening comprehension là gì?
Theo Thao Quoc Tran (2020), Listening comprehension (nghe hiểu) là “ là một quá trình phức tạp, trong đó người nghe cần sử dụng cả kiến thức ngôn ngữ của mình (từ vựng, âm thanh và ngữ pháp) và kiến thức nền tảng để hiểu nội dung bài nghe”.
Vì vậy, các yếu tố ảnh hưởng đến nghe hiểu có thể xuất phát từ kiến thức ngôn ngữ hoặc kiến thức nền tảng của người nghe. Người viết sẽ làm rõ hơn các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả nghe hiểu ở mục tiếp theo.
Những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả Listening comprehension
Cơ sở phân loại những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả Listening comprehension:
Dựa trên kiến thức ngôn ngữ và kiến thức nền tảng của người nghe, Anderson (1995) and Goh (2000) đã phân chia các yếu tố ảnh hưởng đến nghe hiểu dựa trên 3 giai đoạn khi nghe:
Perception (giai đoạn nhận thức)
Parsing (giai đoạn phân tích cú pháp bao gồm từ và câu)
Utilization (giai đoạn ứng dụng)
Những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả Listening comprehension và biểu hiện của chúng
Perception (giai đoạn nhận thức)
Yếu tố ảnh hưởng
Ngữ điệu, trọng âm và sự khác biệt về giọng đọc (accent).
Tốc độ nói
Từ mới
Biểu hiện
Người nghe gặp vấn đề với “sự tập trung, âm thanh (tốc độ nói nhanh dẫn đến bỏ sót phần đầu của văn bản, chỉ biết nghĩa của một từ khi nhìn thấy nó và khó khăn khi nghe quá nhiều âm), từ (không nghe rõ từ, nhầm các từ với nhau, khó khăn khi có nhiều từ mới, bỏ lỡ các phần tiếp theo khi suy nghĩ về các phần trước đó), và không nhớ nghĩa của các từ quen thuộc.” (Nowrouzi, 2015)
Parsing (giai đoạn phân tích cú pháp)
Yếu tố ảnh hưởng
Cú pháp (quy tắc kết hợp từ, nhóm từ thành các cấu trúc biểu đạt có nghĩa)
Ngữ nghĩa (tổ chức ngôn ngữ để biểu đạt nghĩa)
Biểu hiện:
Theo Nowrouzi (2015), ở giai đoạn Parsing, người nghe có thể gặp khó khăn khi chủ đề không quen thuộc, khi nghe cấp độ câu (phân chia câu dài thành các phần nhỏ hơn, đoán chính xác nghĩa từ trong ngữ cảnh câu, hiểu nghĩa của câu) và khi bài nghe có quá nhiều thông tin.
Utilization (giai đoạn ứng dụng)
Yếu tố ảnh hưởng
Ngữ dụng (dùng ngôn ngữ hoặc phân tích ngôn ngữ trong các tình huống xã hội)
Diễn ngôn (giao tiếp trong tình huống thực tế)
Biểu hiện
Nowrouzi (2015) chỉ ra các vấn đề trong giai đoạn Utilization bao gồm không hiểu được thông điệp chung, các ý chính và các ý bổ sung, mối quan hệ giữa các ý này và thứ tự sắp xếp ý của bài nghe.
Suy ra, để tăng được hiệu quả nghe hiểu, người học nên xác định và phân chia vấn đề mình đang gặp phải vào từng giai đoạn. Trong mục tiếp theo, người viết sẽ đề xuất cho người học một số cách cải thiện nghe hiểu đối với từng giai đoạn cùng ví dụ đi kèm.
Áp dụng việc tự xây dựng chiến lược để cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh hiệu quả
Chiến lược nâng cao hiệu quả Listening comprehension
Theo Hangyu Li (2014), chiến lược nghe hiểu là “các chiến thuật nhận thức để hiểu nội dung bài nghe khi xử lý một lượng lớn thông tin, vì khi đó bộ nhớ có thể bị quá tải hoặc người nghe thiếu kiến thức ngôn ngữ, xã hội học và kiến thức liên quan đến nội dung bài nghe.”
Nói cách khác, chiến lược tăng hiệu quả nghe hiểu sẽ được xây dựng trên cơ sở giải quyết các yếu tố ảnh hưởng đến nghe hiểu của người học.
Áp dụng việc tự xây dựng chiến lược để cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh hiệu quả
Xây dựng chiến lược cho các vấn đề của Perception (giai đoạn nhận thức)
Chiến lược:
Ngữ điệu, trọng âm và sự khác biệt về giọng đọc vùng miền (accent), tốc độ nói: Người học nên tập nghe từ các nguồn nghe có giọng đọc bản xứ để làm quen với các đặc điểm phát âm. Một số nguồn tham khảo bao gồm: phim truyện Tiếng Anh, các kênh truyền hình như Discovery channel, kênh thời sự BBC news hoặc VOA news. Bên cạnh đó, người học nên tìm hiểu các đặc điểm phát âm của từ, câu và cách phát âm của mỗi từ riêng lẻ.
Từ mới: trong khi nghe, người học có thể suy đoán nghĩa từ dựa trên ngữ cảnh, những từ đi kèm, hoặc kiến thức của bản thân. Tìm hiểu thêm về phương pháp suy đoán nghĩa từ qua bài viết IELTS Listening: Các chiến lược nghe hiểu cho người mới bắt đầu (P.1). Sau khi nghe, người học nên tổng hợp những từ không biết nghĩa và tra nghĩa cũng như cách sử dụng của các từ trên nhằm tích lũy vốn từ cho những lần nghe sau.
Ví dụ:
Ứng dụng suy đoán nghĩa của từ mới trong listening comprehension.
Script bài nghe: I think so – my younger brother was incredibly annoying and we fought a lot but I think this has made me a stronger person. I know how to defend myself. We had some terrible arguments and I would have died rather than apologise to him – but we had toput up with each other and most of the time we co-existedamicably enough.
Vấn đề: người nghe có thể không nắm được ý chính của đoạn văn do không hiểu những từ được in đậm trên.
Chiến lược áp dụng: Để giải quyết vấn đề này, người nghe có thể áp dụng chiến lược đoán nghĩa từ
Dựa vào những từ xung quanh: Cụ thể, những từ để nói về em trai nhỏ tuổi hơn là “annoying" (phiền phức), fought (cãi cọ). Những từ để nói về người nói là stronger (mạnh mẽ hơn)
-> Suy ra nếu hai người hay cãi cọ và điều đó khiến người nói trở nên mạnh mẽ hơn, người nói có thể đã học được nhiều kinh nghiệm hoặc bảo vệ được bản thân.
-> Ta có thể suy ra nghĩa từ defend: bảo vệ
Dựa vào ngữ cảnh: Ở câu số 3, người nói nói mình và em trai hay tranh cãi gay gắt và thà chết còn hơn xin lỗi em trai, sau đó dùng từ nối but (tuy nhiên).
-> Suy ra ý đằng sau có thể ngược với ngữ cảnh trước đó, tức hai người có thể chịu đựng hoặc làm hòa.
-> Ta có thể suy ra nghĩa từ put up with each other: nhường nhịn nhau và co-existed: chung sống.
Xây dựng chiến lược cho các vấn đề của Parsing
Chiến lược:
Cú pháp (quy tắc kết hợp từ, nhóm từ thành các cấu trúc biểu đạt có nghĩa): Để giải quyết vấn đề về cú pháp, người học cần nắm được quy tắc kết hợp các từ thành cụm từ, mệnh đề và câu, hay nói cách khác, người học cần phải nắm chắc các chủ điểm ngữ pháp. Việc nắm chắc ngữ pháp cấp độ từ và câu sẽ giúp người học có thể phân tách các thành phần trong câu để hiểu nội dung câu. Đây là phần kiến thức khá rộng, cần người học tự tìm hiểu, tích lũy và luyện tập. Người học có thể bắt đầu tìm hiểu sâu rộng các chủ điểm ngữ pháp qua sách English Grammar Tree – 2020 Edition.
Ngữ nghĩa (tổ chức ngôn ngữ để biểu đạt nghĩa): Ở cấp độ ngữ nghĩa từ, người học cần sử dụng từ điển để tìm hiểu kỹ về nghĩa của từ (các nghĩa khác nhau, đồng nghĩa, trái nghĩa, tiền tố và hậu tố, kết hợp từ..). Lý do cho việc này là vì một từ có thể có nghĩa khác nhau dựa vào ngữ cảnh và mục đích sử dụng. Một số từ điển gợi ý bao gồm Oxford Learner's Dictionary và Cambridge Dictionary. Ở cấp độ ngữ nghĩa câu, người học cần tìm hiểu về các loại câu (mục đích sử dụng) và các cách tái diễn đạt câu (paraphrase).
Ví dụ:
Ứng dụng phân tích các thành phần câu trong listening comprehension.
Script bài nghe: However, when Queen Elizabeth I announced that she was going to visit the castle in 1576 it was beginning to look a bit run down, and it was decided that rather than repair the guest rooms, they’d make a new house for her out of wood next to the main hall.
Vấn đề: người nghe không hiểu nghĩa của câu do câu dài và nhiều thông tin.
Chiến lược áp dụng: Để giải quyết vấn đề này, người nghe có thể áp dụng chiến lược phân tách mệnh đề và cụm từ.
Phân tách các câu phức-ghép
Câu trên có thể được phân tách thành 2 câu phức (gồm mệnh đề chính và mệnh đề phụ):
When Queen Elizabeth I announced that she was going to visit the castle in 1576 it was beginning to look a bit run down.
It was decided that rather than repair the guest rooms, they’d make a new house for her out of wood next to the main hall.
Phân tách thành các mệnh đề
Queen Elizabeth I announced
she was going to visit the castle in 1576
it was beginning to look a bit run down
rather than repair the guest rooms, they’d make a new house for her out of wood next to the main hall.
Phân tách thành các từ khóa (các thành phần chính trong câu: chủ ngữ, động từ, tân ngữ, bổ ngữ và trạng ngữ)
Queen Elizabeth I announced
she was going tovisit the castle in 1576
it was beginning to look a bit run down
rather thanrepair the guest rooms, they’d make a new house for her out of wood next to the main hall.
-> Qua việc phân tách các thành phần trên, người học có thể suy ra được 4 ý nhỏ của câu:
Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất đã có một thông báo
Nữ hoàng sẽ thăm lâu đài vào năm 1576
Khi đó thì tòa lâu đài đã bắt đầu xuống cấp
Thay vì sửa chữa phòng cho khách, họ xây một ngôi nhà mới làm từ gỗ cho nữ hoàng bên cạnh sảnh chính.
-> Ghép các ý trên, người học có thể suy ra ý cả câu:
Khi nữ hoàng Elizabeth đệ nhất thông báo bà sẽ thăm lâu đài vào năm 1576, tòa lâu đài đã bắt đầu xuống cấp, nhưng thay vì sửa phòng cho khách, họ cho xây một ngôi nhà mới làm bằng gỗ bên cạnh sảnh chính để tiếp nữ hoàng.
Xây dựng chiến lược cho các vấn đề của Utilization
Chiến lược:
Ngữ dụng (dùng ngôn ngữ hoặc phân tích ngôn ngữ trong các tình huống xã hội): vấn đề liên quan đến ngữ dụng được biểu hiện qua việc người học không hiểu được thông điệp của người nói. Để hiểu được thông điệp của người nói, người học cần hiểu được ý chính trong bài nghe và sự liên quan giữa các ý. Để có thể hiểu các ý trong bài nghe và mối liên quan giữa chúng, người học cần tìm hiểu mục đích giao tiếp của các loại câu và công cụ nối. Tìm hiểu thêm về các loại câu và công cụ nối.
Diễn ngôn (giao tiếp trong tình huống thực tế): bên cạnh kỹ năng ngôn ngữ, người học cũng cần kiến thức về các lĩnh vực khoa học, xã hội để có thể hiểu chủ đề và nội dung của bài nghe, hay nói cách khác, hiểu nội dung diễn ngôn. Việc tích lũy kiến thức nền tảng không có quy luật và phương pháp tối ưu nhất mà nên được xây dựng dựa trên sở thích và điểm mạnh của người học. Một số gợi ý cho người học bao gồm: tiếp thu kiến thức nền qua kênh audio TED-ed, BBC,..hoặc đọc các tờ báo nước ngoài.
Ví dụ:
Ứng dụng loại câu và công cụ nối để suy luận ý định của người nói.
Script bài nghe: As soon as one architect starts to use AI, all the rival architects in the same area will have to use Al too. That's the only way they'll manage to keep their clients.
Vấn đề: người nghe không chọn được đáp án trùng khớp với ý định của người nói.
Chiến lược áp dụng: Để giải quyết vấn đề này, người nghe có thể áp dụng chiến lược phân tích mục đích giao tiếp của loại câu và công cụ nối sử dụng
Loại câu:
Câu “As soon as one architect starts to use AI, all the rival architects in the same area will have to use Al too” là một câu phức bao gồm một mệnh đề phụ “as soon as one architect starts to use AI” và một mệnh đề chính “all the rival architects in the same area will have to use Al too”. Mục đích sử dụng câu phức là để bổ sung thông tin, bối cảnh hoặc điều kiện cho mệnh đề chính.
-> Người nói cung cấp bối cảnh cho việc các kiến trúc sư đối thủ sẽ sử dụng AI khi có một kiến trúc sư sử dụng nó.
- Công cụ nối:
Công cụ nối được sử dụng là liên từ phụ thuộc as soon as chỉ mối quan hệ xảy ra liên tiếp nhau. Cụ thể, ngay sau khi một kiến trúc sư sử dụng AI, các kiến trúc sư đối thủ khác cũng sẽ sử dụng nó.
-> Người học có thể suy ra mục đích của người nói: những kiến trúc sư này có thể cạnh tranh nhau bằng việc dùng AI.
-> Đáp án: It will encourage them to compete with one another (AI sẽ thúc đẩy các kiến trúc sư cạnh tranh nhau).