Các nhà khoa học đã khám phá hóa thạch của loài rùa khổng lồ từng sinh sống ở Nam Mỹ cách đây 10 triệu năm.
Các nhà khoa học vừa phát hiện mai của Stupendemys geographicus, loài rùa khổng lồ nhất từng tồn tại. Khoảng 10 triệu năm trước, chúng sống trong các đầm lầy nước ngọt ở Nam Mỹ. Chúng có mai dài gần 3 mét và nặng tới 1.100 kg. Với kích thước này, chúng lớn hơn cả loài người.

Bằng nghiên cứu hóa thạch mai rùa và cằm dưới, các nhà khoa học đã phát hiện mai của con đực có sừng để bảo vệ hộp sọ của chúng. Mặc dù kích thước lớn, trên mai rùa có những dấu cắn lớn cho thấy các loài thú săn mồi, bao gồm cả cá sấu cổ đại, đã tấn công tấm khiên lớn của rùa.
Hóa thạch mai rùa được tìm thấy ở Venezuela và Colombia. Loài này được mô tả lần đầu vào năm 1976 bởi nhà cổ sinh vật học Roger Wood; ông đặt tên là 'Stupendemys' để tôn vinh kích thước khổng lồ của nó, và 'geographicus' để ghi nhận sự hỗ trợ từ National Geographic Society cho nghiên cứu hóa thạch rùa. Thông tin được cung cấp bởi Edwin Cadena, tác giả của bản báo cáo khoa học về loài rùa này, là nhà địa chất và nhà cổ sinh vật học tại Đại học Del Rosario ở Colombia.
Bản báo cáo khoa học về loài rùa Stupendemys geographicus đã được đăng trên tờ Science Advances.

Edwin Cadena gần hóa thạch mai rùa
Các mảnh hóa thạch cho thấy kích thước khổng lồ của loài rùa, cũng như cái sừng lớn trên mai gần cổ. Cái sừng giúp rùa đực tự bảo vệ hộp sọ khi chúng đấu tranh với những con đực khác - rùa cái không có đặc điểm này.
Cadena đã rất ngạc nhiên khi phát hiện hóa thạch cằm dưới thuộc về giống loài này. 'Hàng thập kỷ qua, chúng tôi đã tìm kiếm và chờ đợi để tìm thấy điều này', anh ấy nói.
Hóa thạch cằm dưới đã giúp các nhà khoa học giải quyết một câu đố khác về loài rùa này, đó là cung cấp thông tin về chế độ ăn của chúng. Theo lời của Cadena, thực phẩm của chúng rất đa dạng, bao gồm cá, cá sấu, rắn, nhuyễn thể và hạt.
Dù khu vực chúng từng sống hiện nay là sa mạc, nhưng vài triệu năm trước đó là một khu đầm lầy nước ngọt ẩm ướt với nhiều loài sinh vật khác nhau. Đây là môi trường lý tưởng cho loài rùa khổng lồ này, giúp chúng đạt đến 'kích thước phi thường'.

Kích thước hóa thạch mai rùa so sánh với con người bình thường
'Chúng là một trong những loài rùa lớn nhất, hoặc có thể là lớn nhất từng tồn tại', Marcelo Sánchez nói, đồng tác giả của bản báo cáo và giám đốc tại Viện Bảo tàng Cổ Sinh Vật Học thuộc Đại học Zurich.
Dù không biết chính xác lý do tuyệt chủng của chúng, các nhà khoa học biết rằng môi trường sống của chúng đã bị phá hủy khi dãy núi Andes hình thành và chia cắt ba con sông lớn Amazon, Orinoco và Magdalena.
Nhờ nghiên cứu loài rùa này, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ quá trình tiến hóa của loài rùa và xác định loài rùa đầu to ở sông Amazon là họ hàng gần nhất với Stupendemys. Mặc dù nhỏ hơn hẳn loài rùa kia, chế độ ăn của chúng lại tương tự nhau.
'Nó cho thấy rằng những con rùa cực lớn không chỉ xuất hiện ở biển mà còn ở nước ngọt', Cadena nói.
'Trong bản báo cáo, chúng tôi mô tả một con rùa với mai lớn nhất từng được biết đến trong lịch sử tiến hóa. Những khám phá này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về sự tiến hóa của loài rùa sống ở phía Bắc lục địa Nam Mỹ và cách chúng tương tác với những loài động vật lớn khác đã sống ở khu vực đó cách đây 13 triệu năm'.
Cadena sẽ tiếp tục tìm kiếm những hóa thạch rùa khác tại miền Bắc lục địa Nam Mỹ để khám phá thêm về nguồn gốc, sự tiến hóa và mối liên hệ của chúng với những loài rùa khác.
'Khả năng giải thích lại cách sống và khía cạnh sinh học của loài rùa khổng lồ độc đáo này là một dự án thú vị', Cadena nói. 'Hiểu được lịch sử tiến hóa của các loài còn tồn tại là yếu tố quan trọng để xây dựng các kế hoạch thiết yếu và giáo dục về việc bảo tồn chúng'.
Theo CNN