Đã qua tháng 2 vài ngày rồi, hôm nay nhìn lại, tôi... bất ngờ. Hóa ra đã tròn một năm tôi theo nghề Sáng tác nội dung. Suốt một năm vừa qua có những lúc tôi chán nản nhưng chưa bao giờ muốn từ bỏ nghề mà ngược lại, bây giờ tôi lại yêu nghề hơn và quyết tâm theo đuổi nó đến cùng. Tuy nhiên, tôi đã chọn con đường làm Freelance Writer thay vì làm việc toàn thời gian vì nhận thức rằng bản thân không phù hợp với môi trường văn phòng.
Để có thể xây dựng CV đầy đủ như hiện tại (dù đã cắt giảm một số hoạt động và thành tích), tôi đã phải trải qua nhiều thời khắc mệt mỏi, chán nản. Món ăn nhiều nhất của tôi không phải là cơm mà là những đêm dài ngồi trên bàn làm việc, viết, suy nghĩ về cuộc sống và con người. Nhờ được ngồi ở nhiều vị trí, làm việc với nhiều bên đã giúp tôi rút ra những bài học quý giá và tôi hy vọng chúng sẽ hữu ích cho những bạn đam mê viết.
1. ĐỂ THÀNH CÔNG LÀ QUÁ TRÌNH DÀI
Không có chuyện từ ngày này sang ngày khác bạn viết bài sẽ thu hút sự chú ý của người khác ngay lập tức. Trừ khi bạn là một thiên tài, là một người sinh ra chỉ để viết thì có thể bạn sẽ thành công một cách đột ngột mà bất kỳ người nào cầm bút cũng mong muốn. Tuy nhiên, những người như vậy thì rất hiếm khi không nói là cực kỳ hiếm. Hầu hết những ai muốn thu hút sự chú ý của người khác, muốn được mời làm việc, muốn xây dựng một thương hiệu cá nhân trong lĩnh vực viết văn đều phải trải qua một quá trình đầy gian nan.
Tuy nhiên, ngày nay có một số người không muốn nói về những khó khăn phía sau thành công rực rỡ. Có thể bạn tự trải nghiệm trên con đường theo đuổi nghề viết, hoặc bạn phải chờ đợi cho đến khi mọi người công khai, thổ lộ như thế này thì bạn mới bị đánh thức từ giấc mơ:
'A, thì ra là như vậy'
'Không như tưởng tượng của mình',
'Thế giới này thật sự không có màu hồng'.
Để đạt được thành tích như thế này, riêng tôi đã trải qua những đêm thức trắng chỉ vì bứt rứt tâm can khi không thể viết được một câu nào mình cảm thấy hài lòng từ trước. Để đến được ngày hôm nay, tôi đã phải viết hàng ngày - điều này là bắt buộc. Trước đây khi chưa có kinh nghiệm làm việc cho nhiều bên, tôi chỉ viết nhật ký mỗi ngày một trang, viết một bài trong danh sách đã chuẩn bị sẵn. Bây giờ, sau khi đã làm việc với nhiều đối tác, tôi vẫn giữ thói quen viết nhiều như vậy. Không có gì lạ khi mỗi ngày tôi có thể viết từ 2000 đến 3000 từ. Đó là một hành trình không hề đơn giản để nhận được sự tin tưởng như thế khi chỉ là sinh viên năm 2!
2. HỢP TÁC VỚI NHIỀU ĐỐI TÁC - HỌA THÂN THÀNH NHIỀU NHÂN VẬT
Đây là một bài học quý giá dành cho những ai muốn theo đuổi nghề Freelance. Trước đây tôi khá cứng đầu, không thích thay đổi và không có nhu cầu thay đổi. Nhưng sau khi theo nghề và học hỏi từ các tiền bối, tôi đã nhận ra rằng cần phải thay đổi để thích nghi - không chỉ với môi trường làm việc mà còn với từng người đồng nghiệp.
Ở đây, thay đổi không phải là bạn phải thay đổi bản thân hoàn toàn. Cũng không có nghĩa là bạn phải thay đổi để làm hài lòng mọi người. Thay vào đó, bạn cần 'hóa thân' thành những người khác nhau trong cách xử lý và đối phó với từng tình huống tương ứng với đối tượng mà bạn đang tiếp xúc và làm việc cùng. Đây là một điều rất khó nhưng khi bạn đã thích nghi và làm quen với nó, bạn sẽ nhận ra:
'À, tôi nên làm như thế này sẽ tốt hơn.'
'À, tôi nên nói như thế này sẽ khéo léo hơn.'
Không sao cả, mỗi người đều có lúc 'trật khớp' vài lần trước khi học được bài học đáng giá này. Tôi cũng vậy, viết ra đây để các bạn không còn lúng túng và từ từ làm quen với nó.
3. KHÔNG BAO GIỜ TỰ HÀO QUÁ MỨC VỀ BẢN THÂN
Bạn có thể tự hào, bạn có quyền kiêu ngạo. Đúng vậy, nhưng nếu chỉ muốn kiêu ngạo mà không có ý định học hỏi, không sẵn sàng thay đổi suy nghĩ để phù hợp với thời đại và công việc, thì... Thật sự rất khó. Và bạn sẽ vấp phải nhiều trở ngại trên con đường tự ca ngợi 'giỏi' mà mình đã đi qua.
Dù đã có kinh nghiệm làm việc với nhiều đối tác, tham gia nhiều dự án và đạt được nhiều thành tích, tôi vẫn duy trì thói quen đọc sách, tra từ điển, học cách lắng nghe,... Những việc này tôi thực hiện hàng ngày để không bị tụt lại và duy trì giá trị bản thân không giảm sút, thậm chí còn tăng lên. Với công việc viết, chỉ cần không viết trong một tuần thôi thì toàn cảnh đã thay đổi rất nhiều.
4. NẾU KHÔNG LĂN XẢ, KHÓ CÓ 'TRẢ'
Hãy để tôi kể cho các bạn hai câu chuyện điển hình về việc tôi lăn xả trong công việc viết và nhận được 'trả' nhiều hơn so với mức đã định ban đầu:
Câu chuyện đầu tiên là vào kỳ học đầu tiên, sau khi thi xong khá sớm, tôi dành toàn bộ thời gian để làm việc. Mặc dù gần Tết nhưng tôi vẫn cố gắng viết bài, và tôi đã yêu cầu chị leader của một dự án cung cấp thêm khoảng 30 từ khoá để tôi có thể viết trong dịp Tết. Chị ấy nói: 'Em đặt tên lửa lên bài viết hay sao ấy?', tôi chỉ biết cười. Sau Tết, tôi đã hoàn thành số bài viết được giao và thậm chí còn xin thêm. Khi nhận lương, số tiền tôi nhận được cao hơn so với nhuận bút ban đầu, chị còn thưởng thêm vì tinh thần làm việc của tôi. Mặc dù số tiền không nhiều nhưng tôi tin rằng, sự lăn xả của mình đã được 'trả' đúng giá trị.
Câu chuyện thứ hai là chị sếp yêu dấu giao cho tôi toàn quyền quyết định mọi việc từ đăng bài, tuyển người viết, tuyển người design, tổ chức các sự kiện,... Nói chung là toàn bộ. Và bạn biết không, mỗi khi hoàn thành công việc, tôi gửi kế hoạch cho chị ấy thì thường nhận được sự chấp thuận. Tuy nhiên, có một lần khi thấy chị im re quá, tôi đã nhắn tin hỏi xem có vấn đề gì không. Chị chỉ trả lời: 'Cô đã làm hết rồi, tôi không biết phải nói gì nữa?'. Tôi không phải làm quá nhiều cho tư bản, đơn giản là những việc tôi yêu thích và có thể làm được. Tất nhiên, lương tôi cũng không hề ít, giá trị mà tôi nhận được cũng vậy.
Còn một câu chuyện ngoài lề nữa, vào dịp Tết khi tôi chưa kịp về thì đêm đó nhận tin cha mất. Tôi rất bối rối và không biết làm thế nào để mua được vé về quê gặp cha lần cuối. Và người chị yêu của tôi, không chỉ trong công việc mà còn sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để đặt vé trong đêm mùng 4 Tết. Tôi chỉ biết khóc và khóc, trước đó tôi thường nghĩ rằng mình không xứng đáng được yêu thương nhưng chị ấy đã giúp tôi nhìn thấy và hiểu được rằng: tôi đáng được yêu thương hơn bao giờ hết.
Đó chỉ là những câu chuyện nhỏ để thấy rằng, nếu bạn dám lăn xả thì sẽ nhận được nhiều hơn những gì bạn bỏ ra. Tuy nhiên, bạn phải phân biệt rõ giữa việc bị bóc lột và việc tự nguyện, các sếp không bắt buộc bạn phải như vậy. Thậm chí, họ còn bảo tôi 'viết ít đi thôi', vì cơ bản tôi đam mê nên câu chuyện mới như vậy và tôi nhận được nhiều hơn so với dự kiến ban đầu.
5. ĐỪNG BAO GIỜ CẦU THẢ TRONG LĨNH VỰC VIẾT
Với mục thứ 5 này, tôi xin phép được nghiêm túc với các bạn một chút. Tôi thực sự thất vọng khi thấy nhiều người viết bài một cách cẩu thả. Những lỗi như sai dấu, sai câu, sai từ là những điều không thể chấp nhận được. Nếu các bạn vẫn mắc phải những sai lầm như vậy thì đó là sự thiếu tôn trọng bản thân và độc giả.
Tôi không muốn gặp phải những người muốn theo đuổi nghề viết nhưng lại làm việc cẩu thả. Nếu không chịu học hỏi và cải thiện thì làm sao có thể gắn bó với nghề viết được?
Chia sẻ với các bạn như vậy, tôi hy vọng các bạn sẽ rút ra được những bài học quý giá trong hành trình theo đuổi nghề viết. Nếu có câu hỏi nào về nội dung hoặc gặp khó khăn gì trong việc viết content, hãy liên hệ với tôi. Tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ những người có lòng học hỏi và sẵn sàng tiếp thu!