Nghe đến tên Lữ Bố, nhiều kẻ đã phải khiếp sợ, chưa giao tranh đã muốn đầu hàng. Tại sao lại thế?
Trong lịch sử Trung Quốc có câu 'Nhất Lữ, nhị Triệu, tam Điển Vi, tứ Quan, ngũ Mã, lục Trương Phi', đây là bảng xếp hạng 6 chiến tướng hùng mạnh nhất thời loạn, trong đó Lữ Bố đứng đầu, được gọi là 'Chiến thần mạnh nhất Tam Quốc'. Các tướng còn lại gồm Triệu Vân, Điển Vi, Quan Vũ, Mã Siêu, Trương Phi theo thứ tự xếp sau.

Do ảnh hưởng từ tác phẩm nổi tiếng Tam Quốc Diễn Nghĩa - một trong Tứ Đại Danh Tác của Trung Quốc do La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 theo lối '7 phần thực, 3 phần hư' - cùng với nhiều hình thức nghệ thuật dân gian khác, Lữ Bố luôn sống mãi trong tâm trí thế hệ sau với hình ảnh 'Chiến thần' vĩ đại.
Trận Hổ Lao Quan năm 190 được La Quán Trung miêu tả rất rõ nét sức mạnh vô địch của Lữ Bố. Trong câu chuyện 'Tam anh chiến Lữ Bố', Lữ Bố một mình chống lại 3 anh em nhà Lưu Bị mà không hề sợ hãi hay chùn bước. Thậm chí, ông còn không bị tổn thương gì.
Chỉ khi kết hợp sức mạnh của ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi, họ mới có thể sánh vai với Lữ Bố. Điều này minh chứng cho sự dũng mãnh, kiên cường và phi thường của Lữ Bố.
Tuy nhiên, trong lịch sử ghi chép, Lữ Bố chưa từng hạ gục một danh tướng nào. Chiến tích duy nhất trong cuộc đời của Lữ Bố chỉ là hạ gục 2 người và làm bị thương 2 người khác, nhưng không ai trong số đó là tướng tài.
Vì sao Lữ Bố lại được xem là chiến thần mạnh nhất của Tam Quốc?
1. Sở hữu thể lực phi thường, tài nghệ cận chiến, cưỡi ngựa và bắn cung đều không ai sánh bằng.
Dù những chiến tích của Lữ Bố chỉ ở mức trung bình, nhưng sức mạnh thực sự của ông lại vô cùng nổi bật. Câu chuyện 'Tam anh chiến Lữ Bố' là một tình tiết hư cấu trong trận đánh cũng hư cấu của La Quán Trung, nhưng thực tế, Lữ Bố đã giao tranh với Quan Vũ và Trương Phi.
Hai hổ tướng nhà Thục Hán liên kết lại để đánh Lữ Bố, nhưng dù có trải qua bao nhiêu hiệp đấu thì cũng khó lòng vượt qua được Lữ Bố, vì Phi tướng này sở hữu sức bền vượt trội cùng thể lực phi thường.

Tại cổng thành Bộc Dương, Lữ Bố lại khẳng định sức mạnh vô địch của mình khi hòa nhau sau 20 hiệp với tướng mạnh nhất của Tào Tháo, 'Hổ hầu' Hứa Chử. Tào Tháo thấy Hứa Chử có nguy cơ thua nên lập tức chỉ định 5 võ tướng: Điển Vi, Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Lý Điển và Nhạc Tiến, đồng loạt tấn công Lữ Bố.
Khi bị 6 danh tướng Tào Ngụy vây hãm, Lữ Bố không chỉ không bị đánh bại mà còn thoát khỏi vòng vây một cách ấn tượng.
Quan Vũ, Trương Phi, Hứa Chử, và Điển Vi là những chiến tướng lừng danh trong thời Tam Quốc, nhưng trước Lữ Bố, không ai trong số họ có cơ hội chiến thắng.
Ngoài khả năng cận chiến xuất sắc, Lữ Bố còn rất thành thạo trong việc cưỡi ngựa và bắn cung. Cuốn “Tam Quốc Chí: Tiểu sử Lữ Bố” ghi nhận rằng Lữ Bố “có cung có ngựa, thể lực phi thường nên được gọi là Phi tướng”.
Sở hữu hai bảo vật quý giá là ngựa Xích Thố và Phương Thiên Họa Kích, cùng với thể lực phi thường, Lữ Bố đã làm không ít người kinh ngạc khi nghe danh. Tất cả những điều đó kết hợp tạo nên một 'Chiến thần' vô địch thiên hạ.
2. Am hiểu đối thủ, điều binh khiển tướng như một bậc thầy
Theo các cuốn sách 'Ngụy Thư' và 'Lữ Bố truyện', Lữ Bố xuất thân từ một gia đình giàu có. Ngay từ nhỏ, ông đã nắm vững võ nghệ và tinh thông cầm kỳ thi họa. Sở thích lớn nhất của Lữ Bố là luyện tập đao kiếm và côn quyền, nhờ vậy, từ khi còn trẻ, ông đã nổi danh khắp Cửu Nguyên với tài năng võ nghệ và trí thông minh xuất chúng.
Nhờ thường xuyên đọc sách và hiểu biết về binh pháp, sau này Lữ Bố giữ chức vụ chủ bạ, chuyên quản lý sổ sách và văn thư quân đội, điều này giúp ông có kiến thức về cầm quân về sau.

Sau khi Lữ Bố sát hại Đổng Trác ở Trường An vào năm 192, thuộc hạ của Đổng Trác, Lý Giác cùng nhiều tướng khác đã tập hợp 10 vạn quân, quay lại tấn công Lữ Bố để báo thù cho chủ.
Baidu cho biết, trong trận Trường An, khi tướng Quách Dĩ của Đổng Trác dẫn quân bao vây phía bắc thành, Lữ Bố đã tự mình dẫn quân ra khỏi thành để nghênh chiến: 'Hãy ra lệnh cho quân lính rút lui. Ta và ngươi sẽ giao đấu để phân định thắng thua'.
Dĩ nhiên, Quách Dĩ không thể bỏ lỡ cơ hội này. Hai bên lao vào giao tranh. Lữ Bố đâm trúng Quách Dĩ, nhưng người này không chết mà được quân bên cạnh lao lên cứu. Khi quân của Quách Dĩ tràn vào thành, Lữ Bố nhận thấy quân lực của mình không thể chống cự lại vạn binh đang khát máu của Lý Giác và Quách Dĩ, nên đã dẫn hàng trăm kỵ binh tháo chạy qua cửa ải Vũ Quan (nay thuộc Thiểm Tây).
Bị Quách Dĩ truy đuổi gắt gao, Lữ Bố buộc phải đầu phục Viên Thiệu. Tại đây, nhờ tài năng chiến lược, Lữ Bố đã đánh bại tướng khởi nghĩa Khăn Vàng Trương Yên. Trong trận Thường Sơn năm 192, các tướng Thành Liêm, Ngụy Việt cùng Lữ Bố dẫn một đội kỵ binh tinh nhuệ lao thẳng vào trại địch, nơi có hàng vạn quân và hàng nghìn kỵ binh. Sau 10 ngày, quân của Trương Yên đã bại trận.
Chiến tích này đã khẳng định danh hiệu “Phi tướng” của Lữ Bố hoàn toàn không phải hư danh. Ông không chỉ là một chiến binh dũng mãnh mà còn có tài năng lãnh đạo quân đội xuất sắc.
Thật đáng tiếc, vị mãnh tướng thiện chiến này đã qua đời khá trẻ.
Năm Kiến An thứ ba (198), Lữ Bố bị Tào Tháo vây hãm tại thành Hạ Bì. Sau vài tháng, ông đã đầu hàng và cuối cùng bị Tào Tháo xử án treo cổ. Việc xuất hiện sớm từ hồi thứ 3 và kết thúc tại hồi 19 trong Tam Quốc Diễn Nghĩa phần nào phản ánh cái kết cay đắng của chiến thần mạnh nhất thời Tam Quốc.

Cái chết của Lữ Bố đã chỉ ra điểm yếu lớn nhất của ông: thiếu một mục tiêu lâu dài và rõ ràng. Hãy nhìn vào Lưu Bị, người hết lòng vì nhà Hán. Khi gặp khó khăn, Lưu Bị đã từng nương nhờ vào Tào Tháo, rồi sau đó tập hợp lực lượng mạnh mẽ để phản công. Tuy vậy, không ai chỉ trích Lưu Bị, vì mọi người đều hiểu mục tiêu lớn lao của ông là xây dựng nhà Thục Hán.
Ngược lại, Lữ Bố chưa bao giờ xác định được mục tiêu lâu dài cho bản thân, mà chỉ mãi loay hoay với những thành tích cá nhân và sự được mất.
Thiếu tham vọng chiếm đoạt thiên hạ, chiến thần đệ nhất Lữ Bố cuối cùng đã bị lãng quên trong thời Tam Quốc, khi các thế lực khác không ngừng phát triển. Chính vì thế, Lữ Bố trở thành “bàn đạp” cho sự trỗi dậy của những anh hùng thực sự.
Dù vậy, dân gian vẫn luôn truyền tụng câu: 'Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố' để tôn vinh hai biểu tượng oai phong, lẫm liệt này một thời.
Tham khảo: KKNews, Sina, The Paper, Baidu