Luật ghi bàn sân khách là phương thức để phá vỡ thế cân bằng trong bóng đá khi hai đội chơi theo thể thức hai lượt và mỗi đội đều có trận đấu trên sân nhà của mình. Luật chỉ ra rằng đội nào ghi nhiều bàn thắng 'xa sân nhà' hơn khi tổng tỉ số hòa sẽ chiến thắng.
Luật này được UEFA giới thiệu lần đầu tiên tại Cúp C2 châu Âu 1965–66 và được áp dụng ở các giải đấu như vòng loại World Cup FIFA, CONCACAF Champions League, AFC Champions League, AFC Cup, Copa Libertadores, Copa Sudamericana, CAF Champions League, CAF Confederation Cup, các trận bán kết EFL Cup, các trận bán kết vòng play-off Football League,...
Luật ghi bàn sân khách đã bị loại bỏ khỏi tất cả các giải đấu cấp câu lạc bộ của UEFA từ mùa giải 2021–22, của tất cả các giải đấu cấp câu lạc bộ của CONMEBOL từ mùa giải 2022, và sau đó của tất cả các giải đấu cấp câu lạc bộ của AFC từ mùa giải 2023–24.
Giải thích
Ví dụ
- Trong trận lượt đi, tổng tỉ số là: Đội A (Nhà) 1–0 Đội B (Khách)
- Trong trận lượt về, tổng tỉ số là: Đội A (Khách) 1–2 Đội B (Nhà).
Tổng tỉ số hiện tại là 2–2. Tuy nhiên, vì Đội A đã ghi được một bàn thắng sân khách trong trận lượt về trong khi Đội B không ghi bàn trong trận lượt đi, Đội A sẽ tiến vào vòng sau của giải đấu.
Một ví dụ điển hình là cuộc đối đầu giữa Marseille và Inter Milan tại vòng 16 đội UEFA Champions League 2011-12. Marseille thắng 1-0 ở trận lượt đi trên sân nhà và thua 1-2 ở trận lượt về trên sân khách. Bằng việc ghi được bàn thắng sân khách (trong khi Inter Milan không ghi bàn ở trận lượt đi trên sân khách), Marseille đã giành chiến thắng theo luật bàn thắng sân khách.
- Lượt đi: Marseille (Nhà) 1 – 0 Inter Milan (Khách)
- Lượt về: Marseille (Khách) 1 – 2 Inter Milan (Nhà)
Những tình huống khác
Nếu hai đội thi đấu trong vòng đấu áp dụng thể thức hai lượt và chia sẻ cùng một sân vận động, mỗi đội sẽ được xem là đội chủ nhà trong từng lượt và luật bàn thắng sân khách vẫn được áp dụng. Ví dụ, trong trận bán kết UEFA Champions League 2002-03, Inter Milan và A.C. Milan gặp nhau. Cả hai trận đấu diễn ra trên San Siro, sân nhà chung của họ ở Milan:
- Lượt đi: A.C. Milan 0 – 0 Inter Milan
- Lượt về: Inter Milan 1 – 1 A.C. Milan
Với tổng tỉ số 1–1, A.C. Milan là đội chiến thắng vì họ là đội 'khách' trong trận đấu thứ hai. Không chỉ có trường hợp này, mà còn có trường hợp hai đội tuyển quốc gia thi đấu hai lượt trận trong cùng một quốc gia. Ví dụ, trong vòng loại World Cup FIFA 2010, Bahamas và Quần đảo Virgin thuộc Anh gặp nhau, và Bahamas đã đi tiếp nhờ luật bàn thắng sân khách dù cả hai trận đấu diễn ra ở Bahamas.
Có một số giải đấu không áp dụng luật bàn thắng sân khách trong thời gian hiệp phụ. Ví dụ, trong trận bán kết CONCACAF Champions League 2008-09 giữa Cruz Azul và Puerto Rico Islanders với tỉ số như sau:
- Lượt đi: Puerto Rico Islanders 2 – 0 Cruz Azul
- Lượt về, sau 90 phút: Cruz Azul 2 – 0 Puerto Rico Islanders
- Lượt về, sau hiệp phụ: Cruz Azul 3 – 1 Puerto Rico Islanders
Do CONCACAF không áp dụng luật bàn thắng sân khách cho các bàn thắng trong thời gian hiệp phụ, trận đấu kết thúc bằng loạt sút luân lưu nơi Cruz Azul chiến thắng 4–2.
Luật bàn thắng sân khách cũng có thể áp dụng trong các trận đấu loại trực tiếp. Celtic thua Legia Warsaw 1–4 trên sân khách trong vòng loại thứ ba của UEFA Champions League 2014-15. Trong trận đấu trên sân nhà của họ, Legia đã sử dụng một cầu thủ không hợp lệ, dẫn đến Celtic giành chiến thắng 3–0 dù trận đấu kết thúc với tỉ số 2-0 nghiêng về Legia Warsaw. Kết quả này khiến cặp đấu kết thúc với tỉ số 4–4 và Celtic đi tiếp nhờ luật bàn thắng sân khách.