Theo dõi sức khỏe sau khi tiêm vắc xin
Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm chủng cần phải lưu lại cơ sở y tế khoảng 30 phút để theo dõi sức khỏe nhằm kịp thời phát hiện ra những phản ứng phụ không mong muốn. Đây là khoảng thời gian dễ xảy ra tình trạng sốc phản vệ nhất và nếu được xử lý đúng cách bởi đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế tại cơ sở tiêm chủng thì sẽ tránh được những nguy cơ biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe của người đi tiêm.
Sau khoảng thời gian theo dõi nêu trên, nếu cơ thể không xuất hiện triệu chứng gì bất thường thì bạn có thể ra về và tiếp tục theo dõi tại nhà. Một số tác dụng phụ bạn có thể gặp phải thường là: người mệt mỏi, sốt nhẹ, đau mỏi cơ bắp ở vị trí tiêm, rối loạn tiêu hóa,... Những triệu chứng này chỉ là dấu hiệu cho thấy cơ thể của bạn đang phản ứng với virus nên hầu như ai cũng sẽ trải qua.
Nếu sau khi tiêm vắc xin, các tác dụng phụ không giảm mà trở nên nghiêm trọng hơn và xuất hiện các triệu chứng bất thường như sốt cao, khó thở, người lờ đờ, đau tức ngực, mất ý thức,... thì có thể đây là dấu hiệu của sốc phản vệ cần được cấp cứu ngay.
Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm chủng cần được theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng.
Kiêng làm gì sau khi tiêm vắc xin?
Khi vắc xin được tiêm vào cơ thể, nó sẽ tương tác với hệ miễn dịch và kích thích tạo ra các kháng thể mới. Đây là giai đoạn nhạy cảm nên bạn cần tránh những điều sau:
2.1. Tránh uống rượu bia
Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể nào khẳng định rượu bia làm giảm hiệu quả của vắc xin, nhưng các chất trong rượu bia có thể gây mất nước và ức chế hệ miễn dịch, làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng sau tiêm. Hơn nữa, triệu chứng sau uống rượu dễ nhầm lẫn với sốc phản vệ, gây chậm trễ trong cấp cứu. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo không nên sử dụng rượu bia ít nhất 3 ngày sau tiêm để hệ miễn dịch hoạt động tốt nhất.
Nên kiêng uống rượu bia ít nhất 3 ngày sau khi tiêm vắc xin.
2.2. Tránh làm việc quá sức
Trong ngày đầu sau tiêm, bạn nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, ngủ sớm và đủ giấc để hệ miễn dịch phục hồi. Làm việc quá sức có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và làm nặng thêm các tác dụng phụ sau tiêm.
2.3. Đảm bảo giấc ngủ chất lượng
Thức khuya không tốt cho sức khỏe, gây rối loạn nội tiết tố và ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch. Đặc biệt sau khi tiêm vắc xin, hệ miễn dịch cần hoạt động mạnh để sản sinh kháng thể mới. Hãy ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày để sức khỏe nhanh chóng hồi phục.
3. Làm gì khi gặp phản ứng phụ sau tiêm vắc xin?
Phản ứng phụ sau tiêm vắc xin là khá phổ biến, chứng tỏ vắc xin đang hoạt động trong cơ thể. Tùy vào cơ địa và hệ miễn dịch mỗi người mà các phản ứng có thể khác nhau. Sau đây là 2 phản ứng phụ thường gặp và cách xử lý:
3.1. Các phản ứng tại chỗ sau khi tiêm
Một số người sau khi tiêm vắc xin có thể gặp các triệu chứng phổ biến như đau cơ, đau đầu, sốt, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi,... Một số loại vắc xin chỉ gây đau cơ tại chỗ tiêm mà không có triệu chứng nào khác.
Nhìn chung, đây là các triệu chứng nhẹ, không kéo dài và có thể biến mất sau 1 - 2 ngày nghỉ ngơi. Bạn có thể sử dụng các biện pháp giảm đau và hạ sốt tại nhà như chườm ấm lên trán hoặc dùng thuốc hạ sốt.
3.2. Phản ứng phản vệ
Phản ứng phản vệ là phản ứng phụ nguy hiểm nhất vì nó diễn ra nhanh chóng. Nếu không can thiệp kịp thời và đúng cách, có thể gây di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Đa phần các trường hợp sốc phản vệ xảy ra trong vòng 30 phút sau khi tiêm, nhưng cũng có thể xảy ra muộn hơn vài giờ hoặc trong ngày. Vì vậy, cần phải hết sức thận trọng và không chủ quan ngay cả khi chưa có phản ứng gì sau khi tiêm vắc xin.
Các dấu hiệu cảnh báo sốc phản vệ sau tiêm vắc xin thường bao gồm: khó thở, sưng mặt, phát ban đỏ rải rác hoặc tụ lại thành đám, đau bụng dữ dội, sưng mí mắt, huyết áp tăng hoặc giảm nhanh chóng, ngừng tim, mất ý thức,...
Khi xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu ngay. Đối với những người có nguy cơ cao bị sốc phản vệ, nên chọn tiêm tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín, chất lượng, nơi có đầy đủ thiết bị cấp cứu cần thiết.
Lựa chọn địa chỉ tiêm chủng uy tín để giảm thiểu tối đa những rủi ro sau khi tiêm vắc xin.