Ghi nhận từ khoảng 15h30 đến 16h, trời Sài Gòn bỗng xuất hiện những đám mây ngũ sắc lớn, phát ra những gam màu sắc rực rỡ tạo nên một cảnh quan lãng mạn và cuốn hút. Nhiều người dân không khỏi thích thú và tranh thủ chụp ảnh, chia sẻ trên mạng xã hội.
Chị Đặng Thị Trúc, cư dân quận Gò Vấp, nói: 'Hôm nay trên đường đi, tôi bất ngờ bởi đám mây rực rỡ màu sắc, hiếm khi gặp. Tôi đã tìm hiểu trên mạng và biết được đó là một hiện tượng thiên nhiên đặc biệt'.
Các chuyên gia khí tượng cho biết, mây ngũ sắc không phải là hiện tượng lạ, nhưng không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy một cách rõ ràng và đẹp như hôm nay tại Sài Gòn.

Trò chuyện với Báo Lao Động, ông Lê Đình Quyết - Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, hiện tượng mây ngũ sắc trong lĩnh vực khí tượng được xem là một hiện tượng quang.
Đây là hiện tượng tự nhiên, xảy ra khi có sự phản xạ ánh sáng, thỉnh thoảng trong không khí xảy ra hiện tượng này, khi các hạt mây hoặc các tinh thể băng có kích thước nhỏ cấu trúc riêng lẻ phản xạ ánh sáng. Màu sắc trong mây khi hiện tượng này xảy ra không giống như hiện tượng cầu vồng (7 màu) theo dải phổ mặt trời, mà màu sắc trong mây ngũ sắc có thể nhạt, có thể rất đậm.
Hiện tượng cầu vồng chúng ta chỉ có thể quan sát thấy chúng xuất hiện khi chúng ta quay lưng với mặt trời, tức là thường xuất hiện vào buổi sáng hoặc buổi chiều, góc quan sát là 42 độ, hoặc xảy ra khi trời vừa mới tạnh mưa, trong khi hiện tượng mây ngũ sắc có thể quan sát rộng rãi hơn, ở bất kỳ vị trí nào.
'Trong lĩnh vực khí tượng, hiện tượng quang chỉ là một hiện tượng hấp dẫn mà không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến dự báo thời tiết sắp tới' - ông Quyết chia sẻ.