Lý luận (hoặc lý luận khoa học) là tập hợp các tri thức tổng hợp từ thực tiễn, phản ánh các mối liên hệ bản chất, tất yếu, mang tính quy luật của các hiện tượng, được diễn đạt thông qua hệ thống nguyên lý, quy luật và phạm trù.
Đặc điểm
- Lý luận có tính hệ thống, khái quát cao và logic chặt chẽ. Nó là tập hợp tri thức tổng hợp từ thực tiễn; được xây dựng dựa trên kinh nghiệm, quan sát và thực nghiệm khoa học.
- Cơ sở của lý luận là tri thức thu được từ thực tiễn; nếu không có thực tiễn, sẽ không có nền tảng để hình thành lý luận.
- Lý luận phản ánh bản chất của sự vật và hiện tượng; nó mô tả các mối liên hệ bản chất, tất yếu, mang tính quy luật của sự vật và hiện tượng.
Nguyên tắc đồng nhất giữa lý luận và thực tiễn
Thực tiễn và Lý luận luôn phải hài hòa và hỗ trợ lẫn nhau, là hai yếu tố không thể tách rời và có sự tương tác qua lại. Thiếu thực tiễn sẽ không thể có lý luận, và nếu không có lý luận khoa học thì thực tiễn sẽ không đạt được giá trị chân chính. 'Thực tiễn mà không có lý luận dẫn dắt sẽ trở thành thực tiễn mù quáng. Còn lý luận không gắn bó với thực tiễn thì chỉ là lý luận suông' (Hồ Chí Minh).
Vai trò của lý luận trong thực tiễn
- Định hướng, chỉ đạo và dẫn dắt hoạt động thực tiễn.
- Giáo dục, thuyết phục, động viên và tập hợp lực lượng quần chúng.
- Đóng góp vào việc dự báo và định hướng cho hoạt động thực tiễn, giúp hoạt động thực tiễn trở nên chính xác và hiệu quả hơn.
- Cung cấp tri thức khoa học về tự nhiên, xã hội và con người.
- Lý luận có tính độc lập tương đối so với thực tiễn, có thể ảnh hưởng trở lại thực tiễn và góp phần thay đổi thực tiễn. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này phải thông qua hoạt động thực tiễn và phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản như tính khoa học, độ chính xác của lý luận; mức độ phổ biến lý luận khoa học trong quần chúng; và khả năng áp dụng sáng tạo của các nhà lãnh đạo và quản lý.
Các yêu cầu đối với lý luận
Nhận thức và lý luận cần phải được điều chỉnh theo nhu cầu thực tiễn; thực tiễn phải là tiêu chuẩn để đánh giá độ đúng, sai của lý luận, các chủ trương, đường lối, và chính sách; đồng thời, cần phải thường xuyên tổng kết thực tiễn để kiểm tra và điều chỉnh lý luận, các chủ trương, đường lối, chính sách nhằm phát triển lý luận kịp thời và hiệu quả hơn.
Bệnh kinh nghiệm
Bệnh kinh nghiệm là tình trạng tuyệt đối hóa các kinh nghiệm cá nhân cụ thể, biến chúng thành những quy tắc phổ biến, đồng thời hạ thấp và coi thường lý luận cũng như thực tiễn. Những dấu hiệu của bệnh kinh nghiệm bao gồm: xem nhẹ lý luận, không quan tâm học hỏi lý luận, coi trọng tư duy kinh nghiệm, và xem kinh nghiệm là yếu tố quyết định duy nhất cho thành công. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh kinh nghiệm là sự vi phạm nguyên tắc đồng nhất giữa lý luận và thực tiễn.
Các bài viết liên quan
- Thực tiễn (triết học)
- Bệnh giáo điều