Ở bài trước, bài viết đã đề cập tới Lý thuyết tiếp nhận ngôn ngữ của giáo sư Stephen Krashen, và làm thế nào để một người học tiếng Anh có thể tiếp thu ngoại ngữ một cách hiệu quả với việc tiếp thu những nội dung có thể hiểu được thông qua sự trợ giúp của các visual aid.
Trong phần hai, hãy cùng tác giả phân tích và so sánh về sự hiệu quả của việc học ngôn ngữ một cách trực quan và tiếp nhận ngôn ngữ một cách gián tiếp – Acquisition and Learning để suy ra được những cách mà một người học tiếp thu tiếng Anh vừa dễ hiểu, vừa vận dụng được trong những hoàn cảnh tương lai, đồng thời đi sâu hơn vào những “đầu vào ngôn ngữ có thể hiễu được” – Comprehensible Input – nhằm đảm bảo lượng kiến thức thu nạp vào là vừa sức đối với chính bản thân người học
Tiếp nhận ngôn ngữ trực tiếp và gián tiếp – Mô hình Tiếp nhận và Học
-Stephen D. Krashen-
“Ngôn ngữ được dạy một cách hiệu quả nhất khi nó được dùng để truyền tải thông tin, chứ không phải nhằm mục đích dạy học một cách có ý thức.”
Giả thuyết
Theo giáo sư Krashen, có hai cách mà một người có thể phát triển năng lực trên một ngôn ngữ, đó là “Học hỏi” (trực tiếp) và “Tiếp nhận” (gián tiếp)
“Học hỏi” (một cách chủ động – hay còn gọi là trực quan) – là sản phẩm của sự hướng dẫn trực tiếp và có ý thức – nhằm truyền tải lại kiến thức từ một người có năng lực ngôn ngữ cho những người học khác – thông qua các kiến thức cần biết về ngôn ngữ đó, ví dụ: các quy tắc ngữ pháp, các ví dụ và giải nghĩa của danh từ, động từ, tính từ…
“Tiếp nhận” ngôn ngữ (một cách bị động – hay còn gọi là gián tiếp) – đòi hỏi sự tương tác có ý nghĩa trong ngôn ngữ cần học – nghĩa là tương tác với cấp độ mà người học có thể hiểu được thông qua việc giao tiếp tự nhiên – trong đó người học không quá tập trung vào tất cả những gì xảy ra trong giao tiếp, mà từ từ thấm nhuần những cái người học có thể hiểu được một cách vô thức và thoải mái nhất, trong đó có cả cách phát âm, ngữ điệu câu, cấu trúc ngữ pháp…
Trong một số trường hợp, việc “tiếp nhận” có thể hiệu quả hơn việc “học hỏi trực tiếp”. Bởi vì “học hỏi trực tiếp” tạo ra được kiến thức người học cần nhớ nhưng chưa chắc người học đã sử dụng được, nhưng khi đã “tiếp nhận” thì người học có cả kiến thức lẫn kỹ năng sử dụng chúng một cách tự nhiên nhờ vào phản xạ ngôn ngữ của chính bản thân họ.
Ví dụ và ứng dụng thực tế
Một ví dụ điển hình là việc phải học từ vựng theo một danh sách, và phải bắt buộc ghi nhớ chủ động theo cách thông thường:
Land (n): Đất/ Vùng đất
Magic (n): Ma thuật
Trumpet (n): cây kèn
Joy (n): niềm vui
Disappeared (v): biến mất
Ended up: trở nên
Went off: bước đi / ra đi
Wise (adj): thông thái
Và dù nếu người học có ghi nhớ hết được tất cả những từ này vẫn sẽ khó có thể sử dụng được chúng vì chúng không nằm trong một ngữ cảnh nhất định nào cả.
Nhưng đối với trường hợp sau:
Dịch nghĩa:
“Ngày xửa ngày xưa, có một vùng đất, nơi mà âm thanh của cây kèn ma thuật mang hạnh phúc và niềm vui đến cho mọi người. Tuy nhiên, một ngày nọ, cây kèn bỗng dưng biến mất, Và mọi người trong vùng đất đó đã trở nên buồn rầu. Một cô gái nhỏ ra đi tim cây kèn bị mất kia. Cô bé đi tìm ông lão thông thái sống ở trên núi.” |
Người học có thể thấy việc nhớ những từ vựng này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, vì câu chuyện trên đã tạo ra một ngữ cảnh nhỏ và cùng với bản dịch nghĩa đã dẫn tới việc người học tiếp thu những từ vựng này một cách vô thức, khiến cho não bộ ghi nhớ từ vựng kèm hình ảnh, kết quả là người học vừa nhớ được một câu chuyện nho nhỏ về một cô bé – “little girl” và một chiếc kèn ma thuật – “magic trumpet”, vừa có thể sử dụng những từ vựng và ngữ pháp liên quan trong các ngữ cảnh có thể xảy ra trong tương lai.
Điều này chứng tỏ việc “tiếp nhận” ngôn ngữ thông qua ngữ cảnh đôi khi sẽ hiệu quả hơn việc “trực quan” học một ngôn ngữ mà không có visual aid hoặc ngữ cảnh cần thiết.
Đầu vào có thể hiểu được – Comprehensible input là gì?
-Stephen D. Krashen-
“…’đầu vào có thể hiểu được’ là thành phần quan trọng và cần thiết để tiếp thu ngôn ngữ.”
Giả thuyết
“Đầu vào có thể hiểu được” là lượng kiến thức về ngôn ngữ thứ hai mà người học có thể tiếp thu và sử dụng được mặc dù người học không hiểu tất cả các từ vựng và cấu trúc ngữ pháp trong đó.
Lượng kiến thức đầu vào này nên cao hơn một cấp độ so với người học (Ví dụ người học đang ở trình độ B1 thì cao hơn trình độ đó là B2 – theo như “Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu – CEFR”). Tuy là trình độ cao hơn nhưng người học vẫn có thể hiểu được lượng thông tin này qua một góc nhìn khác như ngữ cảnh, tình huống… giúp họ tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên, thay vì cố gắng học nó một cách chủ động.
Lượng kiến thức này không nên quá dễ, sẽ dẫn tới việc người học mất đi hứng thú trong việc học ngôn ngữ do không có mục tiêu phát triển (lose interest over trivial matters) và cũng không nên quá khó, khiến người học chán nản khi học vì không học được gì mới cũng như làm cho việc học trở nên nặng nề hơn rất nhiều. (frustration over difficult tasks)
Cố gắng hiểu ngôn ngữ cao hơn một chút so với trình độ thực tế khuyến khích người học sử dụng các khả năng học tập tự nhiên, ví dụ: đoán từ vựng từ ngữ cảnh và suy ra nghĩa, hoặc nghe/nhìn đoạn hội thoại và đoán câu trả lời.
Ví dụ và ứng dụng thực tế
Khi học tiếng Anh và nhất là trong IELTS, người học nên bắt đầu mài dũa từ những kỹ năng Nghe và Đọc trước vì đây là hai kỹ năng đầu vào (Input skills) bằng cách dùng những đoạn hội thoại/bài đọc vừa sức và có thể dễ dàng hiểu được ngữ cảnh, với sự có mặt của các từ vựng thuộc cấp độ cao hơn bản thân một chút (Ví dụ người học đang ở cấp độ B1 thì có thể dùng những tài liệu của cấp độ B2 để thử thách bản thân mình).
Việc này sẽ kích thích sự hứng thú khi học và thúc đẩy quá trình tìm tòi tự nhiên, vì cơ bản tâm lí con người sẽ cảm thấy thoải mái khi tự bản thân tìm ra được đáp án đúng cho một vấn đề khó hơn năng lực hiện tại.
Người học nên tham vấn các giáo viên và giảng viên có kinh nghiệm để có thể xác định chính xác về khối lượng cũng như độ khó của các dạng tư liệu đầu vào, những tài liệu, visual aid hỗ trợ cho người học…
Ví dụ: Người học tiếng Anh đang ở trình độ B1 – Trung cấp, có khoảng 2000 từ vựng Anh ngữ cơ bản có thể sử dụng một cách tự nhiên, do đó bài nghe/đọc chỉ nên sử dụng các từ vựng ở trình độ B1 – B2 và một ít từ vựng ở trình độ C1 để tạo ra thử thách cho việc học.
Tóm tắt
Trong phần 3, tác giả sẽ nói về việc học theo một mô hình kiểm soát – Mô hình Kiểm soát, Thuyết màng lọc ngôn ngữ – Bộ lọc Hoạt động cũng như thảo luận về giả thuyết đầu vào ngôn ngữ – Giả thuyết Đầu vào.
Hoàng Bảo Việt