Sau những hạn chế từ Mỹ, thương hiệu smartphone của Trung Quốc liệu có biến mất khỏi bản đồ smartphone toàn cầu hay không? Tình hình đang diễn biến như thế nào?
Ngược lại với dự đoán của nhiều người, Joe Biden, người kế nhiệm ông Donald Trump, thậm chí còn áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt hơn thay vì giảm bớt chúng. Điều này được thể hiện qua việc thực hiện một loạt biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với hoạt động kinh doanh của Huawei. Các quyết định này có thể dẫn đến việc thương hiệu đã từng thách thức Samsung và Apple phải rời bỏ thị trường mãi mãi.
Theo Chủ tịch Xiaomi, ông Lu Weibing, cả Apple và hãng này đều hưởng lợi từ việc Huawei gặp khó khăn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Ông Lu tiết lộ rằng trong số 80 triệu người dùng mà Huawei đánh mất, có 50 triệu người đã chuyển sang sử dụng sản phẩm của Xiaomi, 20 triệu khách hàng đã chọn Apple và 10 triệu người còn lại đã trở thành khách hàng của Honor, một thương hiệu con thuộc sở hữu của Huawei.
Số lượng người dùng mà Huawei đã mất chỉ ra rằng hãng đã từng chiếm ưu thế như thế nào trên thị trường nội địa. Thị phần mà Huawei đã để lại nhanh chóng được các đối thủ lấp đầy và giúp các hãng Xiaomi và Apple tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Từng là công ty sản xuất smartphone lớn thứ hai trên thế giới, Huawei đã trải qua sự suy giảm nhanh chóng sau khi bị Mỹ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt. Hãng đã mất quyền truy cập vào dịch vụ Google dành cho hệ điều hành Android và buộc phải ngừng hợp tác với TSMC, nhà cung cấp chip xử lý chính của Huawei. Nói cách khác, hoạt động của hãng trên thị trường smartphone đã bị đình trệ, dẫn đến sự suy sụp của hãng.
Huawei đang cố gắng vượt qua những khó khăn, khi các biện pháp trừng phạt từ chính phủ cũ của Tổng thống Trump gây ra những tác động lớn đến bộ phận di động, làm chậm trễ kế hoạch phát triển mạng 5G.
Với sự hạn chế trong lĩnh vực smartphone, Nhậm Chính Phi - người sáng lập Huawei - đã dẫn dắt tập đoàn chuyển hướng sang các lĩnh vực khác như nông nghiệp thông minh, chăm sóc sức khỏe và xe điện. Ông hy vọng Huawei sẽ cạnh tranh được với những đại gia lớn trong ngành.
Trong năm 2021, Huawei đã đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng 'đế chế' xe điện và xe tự lái. Công ty cũng đã huy động 5.000 nhân viên tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Mở rộng sang lĩnh vực xe điện, Huawei sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các hãng như Tesla của Mỹ, Nio và Xpeng của Trung Quốc. Xiaomi, một trong những tên tuổi lớn trong ngành smartphone, cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD cho dự án xe thông minh.
Thương hiệu Trung Quốc đã công bố mẫu xe điện đầu tiên của mình, mang tên Huawei AITO M5 vào ngày 23/12 năm trước, sử dụng hệ điều hành HarmonyOS do hãng phát triển. Ngay sau khi cho phép người dùng đặt hàng, họ đã nhận được hơn 6.000 đơn đặt hàng trong vòng 5 ngày.
Giá khởi điểm của Huawei AITO M5 tại Trung Quốc là 250.000 NDT, tương đương hơn 900 triệu đồng.
Tham khảo: Gizmochina