


Kênh NPO thực ra là “nguồn cảm hứng” đưa Slomp vào con đường bán hàng cấm trên dark web: “Tôi biết về Silk Road sau khi xem một tập chương trình Spuiten en Slikken,” một chương trình nổi tiếng của Hà Lan gây tranh cãi khi thảo luận về các vấn đề nhạy cảm như tình dục và ma túy, được phát sóng từ năm 2005 đến 2018. Tập này giải thích cách Silk Road hoạt động và sử dụng Bitcoin như thế nào.
Slomp nói: “Tôi muốn mua một ít MDMA, nhưng không tìm được ai bán, vậy nên tôi tự làm. Tôi không thích rượu bia hay thuốc lá, nhưng ma túy là một câu chuyện khác.”
Hà Lan là nơi sản xuất MDMA lớn nhất thế giới. Điều này có nghĩa là Slomp có thể mua ma túy ở Amsterdam với giá rất rẻ, sau đó bán chúng trên mạng vài nơi, kiếm lời từ những quốc gia có chính sách kiểm soát ma túy nghiêm ngặt hơn, dẫn đến việc giá cả tăng lên đáng kể. “Tôi mua một số lượng lớn đĩa DVD, đựng thuốc lắc đã được đóng gói hút chân không vào đó.” Sau đó, những chiếc đĩa DVD được đặt trong phong bì thư để gửi đi nước ngoài.

Lúc đó, Slomp vẫn đang làm lập trình viên và bán ma túy chỉ là “nghề phụ”. Nhưng sau khi kiếm được 15.000 USD mỗi tháng, anh chàng này đã nghỉ việc để mở rộng quy mô kinh doanh. Ai tự hỏi tại sao Slomp giàu nhanh đến thế, anh trả lời rằng mình sở hữu một công ty phần mềm đang kinh doanh rất phát đạt. Slomp cho biết, dù anh cố gắng không tiêu quá nhiều tiền, nhưng anh cũng đã mua một chiếc Bentley, hai chiếc Audi và một chiếc Mercedes, khiến hàng xóm phải ghen tị.
Theo bản cáo trạng của tòa và tài liệu từ FBI, Slomp đã kiếm được 380.000 Bitcoin từ việc bán ma túy, bao gồm 104 kg MDMA, 566.000 viên Ecstasy, 4 kg cocaine và “một lượng rất lớn” amphetamine, LSD, cần sa, ketamine và Xanax. “Lúc ấy, tôi đã quá thành công,” Slomp chia sẻ. “Và đó cũng là lúc tôi dừng lại vì công việc buôn bán quá căng thẳng. Dù có một số người làm việc cho tôi, nhưng tôi vẫn phải làm việc 16 tiếng mỗi ngày.” Nhưng khi FBI đã đặt bẫy cho Slomp tại Mỹ, việc rời bỏ không còn là lựa chọn dễ dàng, khi họ đã có dấu vân tay của Slomp trên những chiếc đĩa DVD được sử dụng để buôn bán ma túy.
Theo Slomp kể, có người đã liên lạc muốn mua lại tài khoản Silk Road của anh để tiếp tục buôn bán trên dark web, nhưng đó chỉ là một bẫy của FBI. Slomp bay đến Mỹ để thực hiện giao dịch, nhưng anh rời sân bay không trong chiếc Lamborghini mà trong xe cảnh sát.

Trước đó, Slomp từng bị cảnh sát Hà Lan thẩm vấn nhưng không bị khởi tố. “Điều đó khiến tôi cảm thấy mình bất khả xâm phạm!” Slomp từng bị bắt tại một bữa tiệc, nhưng chỉ mang theo một lượng ma túy rất ít nên chỉ phải ngồi trong tù vài ngày cuối tuần. “Họ chỉ cần có lệnh khám nhà tôi, nhưng họ không làm vậy. Có lúc, bạn nghĩ rằng cảnh sát Hà Lan không chuyên nghiệp. Lúc ấy, tôi đã kiếm quá nhiều tiền.”
Gặp rắc rối vài lần với cơ quan chức năng, nhưng Slomp chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bị bắt. Tệ hơn, anh chỉ nghĩ có thể sẽ phải ngồi một hoặc hai năm trong nhà tù ở Hà Lan, nơi hệ thống pháp luật khá nhẹ nhàng với tội phạm ma túy. “Nhưng mọi thứ ở Mỹ đều điên rồ.” Sau khi bị bắt, Slomp bị kết án 40 năm tù giam, nhưng đã giảm án sau khi giao nộp số Bitcoin kiếm được từ việc buôn bán ma túy phi pháp cho chính phủ Mỹ. Bây giờ, mỗi khi ai đó nhắc đến Slomp, họ thường nhấn mạnh rằng với tỷ giá Bitcoin hiện tại, anh ta có thể trở thành tỷ phú, nhưng tự do là điều quý giá hơn mọi thứ vật chất. “Có nhiều tiền nhưng phải ngồi tù thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.”

Dù là tù nhân nước ngoài, việc thi hành án của Slomp vẫn gặp rất nhiều trắc trở. Anh đã phải chuyển từ nhà tù này sang trại giam khác để tránh tình trạng quá tải ở mỗi trung tâm cải huấn ở Mỹ. Thậm chí, Slomp còn bị đưa vào biệt giam 4 tháng sau khi bị phát hiện mang lậu một cặp kính áp tròng để nhìn rõ hơn mọi thứ.
Điều đáng kỳ lạ là, cho dù hiện tại, Slomp không có ý định hối lỗi và không hề có tâm trạng hối hận về những hành động của mình, dù chúng đã vi phạm luật pháp, bất kể là luật pháp Hà Lan hay Mỹ: “Người ta sẽ luôn cố gắng tìm cách sử dụng ma túy. Ít nhất trên Silk Road, họ biết được chất lượng của sản phẩm, không còn lo sợ về liều lượng có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Hàng của tôi đã được kiểm tra kỹ lưỡng.”
Sau khi được tự do, Slomp không quay lại con đường cũ và cũng không thể trở lại công việc lập trình viên: “Mọi người đều biết tôi, tôi đã trở nên quá nổi tiếng. Quay lại làm việc văn phòng và bắt đầu lập trình sẽ là điều vô cùng kỳ lạ. Sếp kiểu gì cũng sẽ tìm thấy tôi trên Google và biết hết quá khứ của tôi.” Bây giờ, Maikel Slomp đang bắt đầu một cuộc sống mới, mở một công ty tư vấn giúp đỡ những người tù ở Mỹ vượt qua hệ thống cải huấn khắc nghiệt ở đó.
Theo Vice