Màng tai hay màng nhĩ | |
---|---|
Tai người; màng tai (tympanic membrane) là bộ phận màu xanh lá đậm | |
Màng nhĩ phải khi xem bằng dụng cụ mỏ vịt. | |
Chi tiết | |
Định danh | |
Latinh | membrana tympani |
MeSH | D014432 |
TA | A15.3.01.052 |
FMA | 9595 |
Thuật ngữ giải phẫu [Chỉnh sửa cơ sở dữ liệu Wikidata] |
Màng nhĩ (hay còn gọi là màng tai - tympanic membrane) là một màng mỏng hình bầu dục, lõm ở giữa, nghiêng ra phía sau, ngăn cách ống tai ngoài và tai giữa, che phủ hòm tai giống như màng trống che phủ tang trống. Chức năng của nó là truyền âm thanh từ không khí vào tai qua ba xương nhỏ trong tai giữa, sau đó vào cửa sổ hình bầu dục trong ốc tai chứa đầy dịch. Quá trình này nhằm chuyển đổi và khuếch đại rung động từ không khí thành rung động trong chất lỏng. Ba xương nhỏ trong tai giữa được gọi là xương búa, xương đe và xương bàn đạp. Mặc dù màng nhĩ có lớp xơ chắc chắn ở giữa, nhưng nó rất dễ bị tổn thương và thủng khi bị viêm hoặc tích tụ dịch trong tai giữa. Nó cũng dễ bị rách khi có chấn thương cơ học (chọc, ngoáy tai), áp lực (lặn sâu, bị tát vào tai, sức ép từ bom đạn...) hoặc chấn thương âm thanh.
Khi màng nhĩ bị vỡ hoặc thủng, có thể dẫn đến mất thính giác dần dần. Rách hoặc teo màng nhĩ cũng có thể gây ra suy giảm thính lực hoặc bệnh cholesteatoma.
Vị trí và liên kết
Màng nhĩ nằm ở nơi tiếp giáp giữa tai ngoài (ống tai ngoài) và tai giữa (hòm nhĩ). Về hình thái, màng nhĩ có màu xám lấp lánh, hơi trong suốt, hình bầu dục, với đường kính thẳng đứng khoảng 9 đến 10 mm và đường kính ngang khoảng 8 đến 9 mm.
Màng nhĩ có sự liên kết đặc biệt với hố sọ giữa, nằm phía sau các xương nhỏ trong tai và dây thần kinh mặt, phía dưới là tuyến mang tai và phía trước là khớp thái dương.
Khi nhìn từ ngoài vào qua kính soi màng nhĩ, ta có thể thấy hình dáng của cán xương búa in trên màng nhĩ (được gọi là tia búa). Tia búa kéo dài từ rốn màng nhĩ đến lồi búa là hình ảnh của mỏm ngoài xương búa.
Cấu trúc
Màng nhĩ được chia thành 2 phần:
- Phần trên nhỏ, mỏng và mềm, gắn chặt vào xương đá tại khuyết nhĩ, gọi là phần chùng.
- Phần dưới rộng và dày hơn, bám vào rãnh nhĩ nhờ một vòng sụn sợi, được gọi là phần căng.
Ranh giới giữa hai phần này là nếp búa trước và nếp búa sau. Mặt ngoài của màng nhĩ bị lõm vào do cán xương búa kéo vào trong, với điểm lõm sâu nhất là rốn màng nhĩ.
Về cấu tạo lớp, màng nhĩ có thể chia thành 4 lớp:
- Lớp da: tiếp nối với lớp da của ống tai ngoài.
- Lớp sợi: bao gồm hai lớp là lớp tia và lớp vòng, không có lớp chung.
- Lớp niêm mạc: tiếp nối với niêm mạc của hòm nhĩ.
Mạch máu và hệ thần kinh
Màng nhĩ được cung cấp máu bởi động mạch tai sâu và động mạch nhĩ trước, cả hai đều là nhánh của động mạch hàm.
Trên mặt ngoài của màng nhĩ, có nhánh tai thái dương của thần kinh hàm dưới và nhánh tai của thần kinh lang thang. Mặt trong có nhánh thần kinh nhĩ từ thần kinh thiệt hầu.
Thủng màng nhĩ do tác động
Người Bajau ở vùng Thái Bình Dương cố ý làm thủng màng nhĩ từ khi còn nhỏ để dễ dàng lặn và săn bắt dưới biển. Những người cao tuổi của cộng đồng này thường gặp khó khăn trong việc nghe. Trong Thế chiến II, quân đội Đức đã cố ý chọc thủng màng nhĩ của các phi công chiến đấu để giảm thiểu các vấn đề về áp suất không khí và thậm chí nhét dây thừng vào để gây khó khăn cho việc chữa lành vết thương, dẫn đến việc các phi công bị mất thính lực vĩnh viễn.
Thủng màng nhĩ không tự nguyện
Thủng màng nhĩ không tự nguyện thường xảy ra do chấn thương do nổ trong các cuộc xung đột, di chuyển hàng không, hoặc khi nhiễm trùng đường hô hấp trên gây cản trở cân bằng áp suất trong tai giữa. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi tham gia các hoạt động thể thao và giải trí như bơi lặn sai cách, lặn sâu, hoặc trong các môn võ thuật. Theo tài liệu công bố, 80% đến 95% trường hợp hồi phục hoàn toàn mà không cần can thiệp trong 2-4 tuần. Tuy nhiên, mức độ chấn thương nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực, đặc biệt là trong môi trường chiến đấu. Các chấn thương này có thể dẫn đến mất thính giác tạm thời hoặc ù tai, và một số ít bệnh nhân có thể gặp phải sự mất cân bằng tạm thời nghiêm trọng (chóng mặt). Nếu màng nhĩ bị vỡ, có thể có chảy máu từ ống tai.
- Tai giữa
Hình ảnh
Chú thích
Liên kết ngoài
- Biểu đồ tại Đại học Georgia State
- khoa tai mũi họng drtbalu's online Lưu trữ 2013-05-04 tại Wayback Machine