1. Tổng quan về đặc điểm của cây mật gấu
Cây mật gấu, hay còn được gọi là cây lá đắng, cây mật gấu nam có tên khoa học là Gymnanthemum Amygdalinum, thuộc họ cúc. Đây là loài cây mọc nhiều ở các quốc gia vùng châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, hay Nepal. Tại Việt Nam, cây thường được tìm thấy ở những tỉnh vùng núi phía Bắc, nơi có địa hình đồi núi cao và khí hậu mát mẻ. Ngoài ra, một số lượng nhỏ cây mật gấu còn mọc rải rác ở tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh khác tại miền Nam nước ta. Tên gọi 'mật gấu nam' được sử dụng để phân biệt với mật gấu mọc ở miền bắc.
Cây mật gấu thường mọc thành từng bụi, thân thảo mềm, cao trung bình từ 2 - 5m. Lá cây màu xanh lục hình bầu dục, mép lá hình răng cưa nhỏ, dài khoảng 20cm và có vị đắng.
Cây mật gấu có lá đắng nhưng lại là một loại dược liệu quý hiếm
Hoa mật gấu có màu vàng nhạt, thường nở từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Mỗi bông hoa có 6 cánh và tụ thành cụm nở trên ngọn cây. Sau khi hoa tàn, quả mật gấu sẽ dần xuất hiện và chín vào tháng 5 đến tháng 6.
Cây được thu hái quanh năm khi đã trưởng thành, không thu hoạch những cây còn non hoặc quá già. Bộ phận thường được sử dụng là lá và thân cây mật gấu.
Trong bộ phận thân và lá của cây chứa các thành phần quan trọng như vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, vitamin E, xanthone, flavonoid, tannin, steroid, terpene, axit phenolic, một số khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, magie, selenium, và nước.
2. Công dụng của cây mật gấu
Bạn có biết hết những công dụng của cây mật gấu đối với sức khỏe chưa, ngoài việc làm rượu mật gấu?
Cây mật gấu mang lại các tác dụng dược lý sau:
Giúp cải thiện các bệnh về đường ruột như tiêu chảy, kiết lỵ nhờ tác dụng giải độc, thanh nhiệt, tiêu viêm của thân và rễ của cây.
Ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ác tính, đặc biệt là ung thư vú và ung thư dạ dày.
Khắc phục viêm dạ dày, nhiễm giun sán hoặc đau bụng bằng lá và vỏ rễ cây được chế biến thành vị thuốc.
Điều trị bệnh lý tim mạch nhờ axit béo linoleic.
Giảm cholesterol xấu trong máu, ngăn ngừa stress oxy hóa, và kiểm soát các bệnh lý mạn tính.
Hạ huyết áp nhờ kali trong lá cây.
Cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và lo lắng với các thuốc chiết xuất từ cây mật gấu.
Giúp duy trì sự sống, hình thái và chức năng của tinh trùng.
Ở một số quốc gia khác nhau, lá mật gấu còn được dùng để chế biến thành trà, có các công dụng lợi tiểu, hỗ trợ điều trị đái tháo đường, táo bón, nhiễm trùng da và các bệnh về gan.
Đằng sau vẻ bình dị của lá mật gấu là những ưu điểm tuyệt vời cho sức khỏe
3. Điều cần lưu ý khi sử dụng cây mật gấu
Mặc dù là dược liệu phổ biến trong Y học cổ truyền và có nguồn gốc tự nhiên, nhưng sử dụng cây mật gấu không đúng cách có thể gây ra nhiều vấn đề tiêu cực cho sức khỏe. Vì vậy, hãy tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và nhớ những điều sau:
Khi bắt đầu sử dụng cây mật gấu, hãy dùng liều nhỏ và tăng dần, đồng thời không ngừng sử dụng thuốc Tây hiện tại.
Đặc biệt cần lưu ý rằng cây mật gấu chứa kháng sinh. Không sử dụng quá liều hoặc thường xuyên, chỉ nên sử dụng trong 2 tuần và nghỉ ít nhất 2 - 4 tuần trước khi tiếp tục sử dụng.
Các thành phần của cây mật gấu có thể tương tác với thực phẩm, thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác. Nếu bạn đang dùng thuốc, hãy thảo luận với bác sĩ của mình trước khi sử dụng cây mật gấu.
Với bệnh nhân cao huyết áp hoặc thấp huyết áp, nên tránh sử dụng cây mật gấu vì có thể làm giảm huyết áp đến mức nguy hiểm.
Chưa có bằng chứng nào cho thấy cây mật gấu an toàn cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Phụ nữ trong thời kỳ này nên tránh sử dụng cây mật gấu để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé.
Cây mật gấu hỗ trợ trong việc điều trị các vấn đề liên quan đến xương khớp
Chưa có báo cáo về các tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng cây mật gấu. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng lạ nào như cảm giác ngọt trong miệng kéo dài, huyết áp giảm đột ngột, hoặc táo bón khi sử dụng cây mật gấu, hãy ngừng sử dụng và theo dõi tình trạng sức khỏe của mình. Nếu triệu chứng không giảm, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe ngay lập tức.