Sự kiện chưa từng thấy này đã được ghi nhận bởi Đài quan sát Mặt Trời của NASA. Đó là một phiên bản địa ngục của hiện tượng Xoáy cực mà con người luôn khiếp sợ.
Clip ngắn mà NASA vừa công bố đã làm cho giới khoa học kinh ngạc khi thể hiện một 'vòi rồng' bằng plasma bùng phát từ Mặt Trời. Theo Science Alert, khối plasma này đã nổ tung tạo thành một cơn lốc vương miện phía trên cực Bắc của ngôi sao.
Tốc độ của cơn lốc này lên tới hàng ngàn dặm mỗi phút. Nhà khoa học Tamitha Skov từ Tập đoàn Hàng không vũ trụ California (Mỹ) đã chia sẻ đoạn phim từ SDO - tàu vũ trụ quay quanh Mặt Trời của NASA, cho biết đó là một kiểu xoáy cực khổng lồ.

Theo Live Science, một số nhà nghiên cứu cho biết cơn lốc plasma này hoạt động tương tự như xoáy cực trên Trái Đất, được tạo thành bởi một hệ thống áp suất thấp tạo ra các vòng không khí lạnh lớn trên các cực của hành tinh vào mùa đông.
Ở Trái Đất, đó là một hiện tượng thường xuyên gây ra các thảm họa vào mùa đông, như việc nước Mỹ cuối năm 2022 phải đối mặt với một trận 'bão lốc xoáy' - là do khối khí lạnh từ xoáy cực bị đẩy về phía Nam, mang theo nhiệt độ âm sâu đến chết người.
'Xoáy cực' trên Mặt Trời, tất nhiên là một phiên bản nóng bỏng và đầy sức mạnh. Nhà vật lý năng lượng Mặt Trời Scott MclIntosh từ Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia ở Boulder, Colorado - Mỹ cho biết ông chưa từng chứng kiến Mặt Trời hoạt động như vậy trước đây, nhưng các sợi plasma dài vẫn thường xuyên phun trào gần các đường vĩ độ 55 của ngôi sao.
Các 'xúc tu' plasma trở nên phổ biến hơn khi chu kỳ hoạt động 11 năm của Mặt Trời đang tiến gần tới đỉnh điểm (năm 2025). Trong vài tháng gần đây, ngôi sao mẹ của chúng ta đã trở nên đặc biệt mạnh mẽ.
Các sợi plasma này không đe dọa Trái Đất nhưng đôi khi chúng có thể kích thích việc phát ra các đốm plasma dưới dạng quả cầu lửa khổng lồ, được gọi là vụ phóng khối lượng đăng quang (CME). Nếu may mắn không bị ảnh hưởng bởi quả cầu lửa này, Trái Đất có thể chứng kiến cực quang rực rỡ cùng với sự nhiễu loạn trong hệ thống định vị - viễn thông.
Rất may mắn, hiện tượng 'xoáy cực Mặt Trời' vừa được SDO ghi lại - diễn ra vào ngày 2-2 - không tạo ra thêm bất kỳ vụ phóng khối lượng đăng quang nào.