


Những cải tiến đáng chú ý nhất của Airbus A321XLR bao gồm cải thiện về phạm vi bay, giảm 30% lượng nhiên liệu tiêu thụ trên mỗi ghế và bổ sung thùng nhiên liệu trung tâm phía sau.
Chẳng hạn, A321XLR đã được trang bị bộ phận hạ cánh chính mới, các cánh tà mới, hệ thống nhiên liệu mới với thùng nhiên liệu trung tâm phía sau (RCT) tầm xa, hệ thống quản lý chất thải và nguồn nước mới với sức chứa lớn, tấm chắn bụng mở rộng mới, và trọng lượng cất cánh tối đa cao hơn. Tất cả những điều này đều đi kèm với những thay đổi trong bộ tài liệu ICA của họ.
Airbus đã minh họa việc sử dụng tấm chắn bụng mở rộng mới để giải thích về sự thay đổi trong tài liệu ICA. Nó được lắp đặt để che chắn bình nhiên liệu RCT phòng hờ cho tình huống hạ cánh bằng bụng. Điều này cũng không phải thừa vì Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) gần đây đã đưa ra các yêu cầu an toàn cho A321XLR do lo ngại nhiên liệu bị cháy khi gặp sự cố.

Tấm chắn bụng của A321XLR.
Bộ phận này yêu cầu cập nhật khoản mục sửa chữa cấu trúc (SRM) trong tài liệu ICA mới của máy bay, vì một tấm chắn bụng lớn hơn sẽ cần một lịch trình bảo trì nghiêm ngặt hơn. Nhóm giám sát quá trình chứng nhận cuối cùng phải tính đến tất cả những thay đổi này và quy trình hành động cần thiết.
Ngoài ra, Airbus còn mong muốn đảm bảo rằng các hãng hàng không có thể đưa A321XLR vào đội bay của họ một cách liền mạch. Để làm được điều này, Airbus sẽ cắt cử các chuyên gia kỹ thuật của chính mình tới cơ sở của mỗi hãng hàng không sắp khai thác A321XLR. Họ là một phần của bộ phận dịch vụ khách hàng của Airbus và vai trò của họ là cung cấp sự hỗ trợ trực tiếp, ngay tại chỗ cho các hãng hàng không trong giai đoạn đầu đưa máy bay đi vào hoạt động.

Các chuyên gia sẽ ở mỗi hãng trong khoảng 6 tháng và hỗ trợ về mọi vấn đề kỹ thuật có thể phát sinh, giúp đào tạo và cung cấp sự hỗ trợ vận hành hàng ngày. Họ cũng đảm bảo rằng các hãng hàng không sẽ được hỗ trợ tốt với các bản cập nhật tài liệu kỹ thuật và phụ tùng thay thế sẽ luôn sẵn có. Nhờ họ, các hãng sẽ tránh được sự gián đoạn hoạt động có thể xảy ra khi họ tích hợp A321XLR vào đội bay của mình.
Do có phạm vi bay lên tới gần 9.000 km, A321XLR thu hút rất nhiều hãng mua, từ hãng lớn như American Airlines đến các hãng giá rẻ như AirAsia X và Vietjet Air. Họ có thể khai thác A321XLR để bay tới những nơi cách nhau hàng ngàn km, như từ New York đến Rome, từ Luân Đôn đến Vancouver, từ New Delhi đến Luân Đôn, thậm chí cả từ Houston đến Reykjavik.
Trước những kỳ vọng lớn về A321XLR từ các hãng hàng không, Airbus muốn đảm bảo khách hàng sẽ ít gặp trở ngại nhất có thể trong quá trình triển khai máy bay ở những tháng đầu tiên.
Theo SF.