1. Mày đay do lạnh là gì?
Mày đay do lạnh là tình trạng dị ứng phát ban, xảy ra khi da tiếp xúc với yếu tố lạnh gây sưng, ngứa, nổi ban đỏ hoặc sần phù trên da. Ngoài ra, nổi mày đay do lạnh còn có thể gây sưng ở các cơ quan khác như lưỡi, thanh quản gây khó thở, thậm chí là ngạt thở nguy hiểm.
Nổi mày đay do lạnh là dạng dị ứng phát ban
Tùy vào tình trạng bệnh mà người bệnh có thể chỉ bị nổi mày đay ở vùng da tiếp xúc trực tiếp với yếu tố lạnh hoặc triệu chứng toàn thân. Đặc biệt nếu toàn bộ cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ thấp, nổi mày đay có thể xảy ra toàn thân đi kèm với triệu chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, khó thở, sốc phản vệ dẫn đến tử vong.
Ngưỡng nhiệt độ gây nổi mày đay do lạnh ở mỗi người là khác nhau, song ngưỡng nhiệt độ phổ biến là 4 độ C. Bên cạnh nhiệt độ thì nổi mày đay xuất hiện có thể kết hợp với các yếu tố khác như gió lạnh, không khí ẩm ướt,...
Nổi mày đay do lạnh xảy ra ở người có làn da nhạy cảm
Nguyên nhân chính xác gây nổi mày đay do lạnh hiện vẫn chưa được làm rõ, song bệnh thường xảy ra ở những người có tế bào da quá nhạy cảm. Ngoài ra, bệnh còn liên quan đến virus hoặc bệnh lý ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Từ đó, khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh, hệ miễn dịch bị kích thích sản xuất histamin và các chất khác, ảnh hưởng đến da gây nổi mẩn đỏ, ngứa,... Khi phản ứng dị ứng nghiêm trọng hơn, người bệnh gặp phải triệu chứng toàn thân nguy hiểm.
Nổi mày đay do lạnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, song thường gặp hơn ở những người có yếu tố nguy cơ sau:
-
Do mắc bệnh lý mạn tính như: viêm gan, ung thư, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống,...
-
Do nhiễm virus Mycoplasma gây viêm phổi và bạch cầu đơn nhân.
-
Trẻ nhỏ có sức khỏe yếu hoặc người lớn tuổi.
-
Người mắc hội chứng autoinflammatory có đặc điểm di truyền đặc biệt, gặp tình trạng giống cúm khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
2. Nổi mày đay do lạnh có nghiêm trọng không?
Đa số trường hợp bị nổi mày đay do lạnh sau khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp hơn 4,4 độ C, có thể là không khí hoặc nước lạnh. Triệu chứng có thể khởi phát ngay trong thời gian da tiếp xúc với lạnh, song thường nặng hơn trong thời gian làm ấm da sau tiếp xúc.
Nổi mày đay do lạnh thường xuất hiện khi da tiếp xúc với nhiệt độ thấp hơn 4.4 độ C
Triệu chứng nổi mày đay do lạnh thường chỉ xảy ra ở da và không quá nghiêm trọng khi được làm ấm ngay sau đó như:
-
Sưng tay, sưng môi khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
-
Da đỏ, ngứa, phát ban ở vùng tiếp xúc trực tiếp với lạnh, tình trạng này kéo dài khoảng nửa giờ rồi giảm dần.
-
Sưng họng, sưng lưỡi thấy rõ, nhiều trường hợp phù nề gây chặn đường thở, khiến người bệnh bị khó thở, thở khò khè.
-
Triệu chứng da trên toàn cơ thể.
Đây là những triệu chứng thường gặp và không nguy hiểm khi bị nổi mày đay do lạnh. Một số ít trường hợp gặp phản ứng nghiêm trọng và nguy hiểm như:
- Người ớn lạnh và không thể tự làm ấm.
Tùy từng người mà phản ứng dị ứng lạnh sẽ khác nhau, song cần chú ý nếu gặp các triệu chứng toàn thân như trên. Đặc biệt nếu người bệnh bị sưng phù nặng ở tay chân, mặt, nhịp tim nhanh, người tái lạnh,... thì cần đưa đến cơ sở y tế để can thiệp kịp thời.
Nổi mày đay do lạnh có thể xảy ra với cả trẻ nhỏ
Những người bị nổi mày đay do lạnh thường rất khó chữa trị triệt để, chỉ có thể ngăn ngừa bằng cách hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp.
3. Cách chữa mày đay do lạnh đơn giản, hiệu quả
Chẩn đoán nổi mày đay do lạnh khá đơn giản, bác sĩ có thể thực hiện 1 loại thí nghiệm nhỏ, kiểm tra da có bị nổi mày đay sau khi tiếp xúc với cục đá hay không. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được yêu cầu làm 1 số xét nghiệm nếu nghi ngờ nổi mày đay do lạnh có liên quan đến viêm gan, viêm khớp dạng thấp hay ung thư.
Điều đầu tiên cần thực hiện khi bị nổi mày đay do lạnh là cần tránh tiếp xúc với yếu tố gây lạnh ngay lập tức, làm ấm vùng da bị phơi nhiễm lạnh và toàn cơ thể. Tuy nhiên, cần tránh các biện pháp làm ấm đột ngột có thể làm tổn thương da như hơ lửa nóng, dùng nước nóng chườm,...
Triệu chứng của nổi mày đay do lạnh thực chất là phản ứng dị ứng, do đó có thể điều trị bằng các loại thuốc như:
Thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin có tác dụng ngăn chặn phản ứng của cơ thể với histamin, giảm các triệu chứng dị ứng như nổi mày đay, nổi mẩn đỏ, phát ban trên da,... Các loại thuốc kháng histamin thường dùng gồm: fexofenadine, cetirizine, loratadine, desloratadine,...
Uống thuốc kháng histamin để hạn chế nổi mày đay do lạnh
Thuốc cyproheptadine
Thực tế đây cũng là một loại thuốc kháng histamin, tuy nhiên thuốc tác động vào xung thần kinh gây ra triệu chứng.
Doxepin
Doxepin được sử dụng để giảm nhẹ các triệu chứng của nổi mày đay do lạnh, cũng như được dùng trong điều trị lo âu và trầm cảm.
Chữa nổi mày đay do lạnh không quá phức tạp, chỉ cần làm ấm và làm dịu vùng da kích ứng, cũng có thể sử dụng các loại thuốc điều trị dị ứng để giảm nhẹ các triệu chứng. Trường hợp bị dị ứng nặng, có triệu chứng nguy hiểm như ngất, sốc,... cần được cấp cứu ngay để tránh biến chứng tử vong. Bệnh nhân có triệu chứng sưng phù mặt, môi, họng cũng cần chú ý vì có thể gây khó thở, ngạt thở.