Hồi đó, tôi luôn nghĩ mẹ là nàng tiên thứ chín mất đôi cánh phải ở lại trần gian. Tôi thường kiếm trong tủ quần áo xem ba có giấu đôi cánh nào của mẹ không, để tôi có thể đốt chúng đi và mẹ sẽ không còn bay về trời.
Trước khi làm dâu ở nhà nội, mẹ là một tiểu thơ điều dưỡng vì gốc gác bên nhà ngoại làm quan, mong manh như cành liễu. Sau khi có tôi, thêm hai đứa em, cuộc sống đã thay đổi. Ba mẹ dọn nhà đi Trà Vinh sinh sống. Từ một nhân viên bưu điện, một tiểu thơ sống trong sang trọng, mẹ không biết gì về ruộng đồng, nhưng yêu ba, mẹ đã học cách làm người nhà quê.
Khi mẹ trở về quê, ngoại lo lắng cho mẹ một số vàng để dành. Mẹ bán vàng để xây nhà. Mua trâu, mẹ bán vàng. Mua cái chài mẹ cũng bán vàng. Mùa cày, mẹ thuê người cày, gặt... chỉ trong vài năm, tiền của ngoại trao cho mẹ đã hết sạch. Mẹ phải tự lực cánh sinh để không làm nặng lòng ngoại.
Ba mẹ bắt đầu sống khổ hơn. Ba trồng rau, đào giếng để nuôi cá và tưới cây. Nhà có chú Bảy Long làm việc với ba, cô Tư Hạnh giúp mẹ. Mẹ phải học cách làm mọi thứ, từ việc gánh nước tưới cho hoa màu đến việc hái cà chua bán chợ. Dù cuộc sống vất vả nhưng mẹ luôn giữ nụ cười trong hạnh phúc.
Mỗi chiều, tôi thích đi cùng mẹ và cô thu hoạch rau. Tôi ngồi trên bãi cỏ nhìn mẹ hái đậu bên trồng, gió thổi những sợi tóc của mẹ, gương mặt trái xoan xinh đẹp của mẹ ướt đẫm mồ hôi.
Mẹ nấu ăn ngon lắm. Ở quê, bà con thường chỉ nấu canh chua và cá kho, nhưng mẹ tôi lại biết nấu nhiều món ngon từ những gì trồng trong vườn nhà. Ba chài về với cá, mẹ hái đọt khoai mì về để om cá với nước cốt dừa, mâm cơm thơm phức khói.
Ba và chú Long đi chài về, cá nhiều quá nên nhà không ăn hết. Mẹ và cô Tư Hạnh mang đi bán. Hai chị em ngượng ngùng không dám rao, nhưng may mắn được bà con ủng hộ. Có hôm bán chậm, mẹ phải ướp cá muối phơi khô. Tôi thích nhất là khi đón mẹ đi chợ về, trong thúng luôn có quà: Bánh bò, da lợn bọc gạo nước dừa thơm, bánh cam giòn ngọt... Một lần, mẹ về quần áo bẩn đất, cô Tư Hạnh kể là do mẹ gánh nhiều cà hơn bình thường nên té xuống ruộng.