Nghiên cứu phân tích 10 chiến dịch quảng cáo/tiếp thị của các thương hiệu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) tại Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Từ đó đưa ra các số liệu cho thấy sự tương quan giữa quảng cáo trên Meta (cụ thể trong nghiên cứu này là Facebook và Instagram) so với các nền tảng khác.
Tiềm năng kinh tế của Đông Nam Á
Ông Kishore Parthasarathy, Giám đốc Khoa học Tiếp thị, Đông Nam Á, Meta cho biết khu vực Đông Nam Á đang trở thành một nền kinh tế lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Ông đã công bố các con số về tiềm năng kinh tế của Đông Nam Á. Ví dụ, khu vực này là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với GDP gần 4.000 tỷ USD, dân số 700 triệu người, và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên tới 220 tỷ USD - gấp đôi so với năm 2010, với tốc độ phát triển xếp thứ 3 trên toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng GDP của các quốc gia Đông Nam Á luôn cao hơn mức trung bình toàn cầu 2,4%. Trong đó, Philippines, Việt Nam và Indonesia là những nước dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu, niềm tin của người dùng ở một số thị trường lớn có sự gia tăng so với cùng kỳ năm trước, từ quý 2/2022 lên quý 2/2023.
Dự báo tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người từ năm 2018 đến 2030 của các quốc gia Đông Nam Á đang ở mức cao. Trên biểu đồ, có thể thấy rằng ngoại trừ Singapore, các quốc gia khác - đặc biệt là nhóm đang phát triển ở Đông Nam Á - đều có tăng trưởng vượt trội. Tất nhiên, các nước như Mỹ và Singapore đã phát triển nên tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại.
Dễ dàng nhận thấy hành vi sử dụng của người dùng đã có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây. Khoảng 7/10 người tiêu dùng nội dung kỹ thuật số nhiều hơn so với các loại nội dung khác, tức là việc tiêu thụ nội dung trên mạng Internet cao hơn việc đọc sách, báo,… 59% sử dụng đồng thời hai màn hình, ví dụ như xem TV và lướt điện thoại.
Trong sự kiện này, đại diện từ Kantar đã công bố một nghiên cứu có tựa đề “Tối đa hóa hiệu quả quảng cáo tại Đông Nam Á”.
Nghiên cứu này phân tích 10 chiến dịch của các thương hiệu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) tại Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Từ đó đánh giá hiệu quả của những chiến dịch này trên từng nền tảng về doanh số và phạm vi tiếp cận.
Theo nghiên cứu này, TV vẫn chiếm tỷ lệ tiếp cận cao nhất với 69%, tiếp theo là Meta với 59%. Các phương tiện kỹ thuật số khác chiếm 43%.
Tỷ lệ chuyển đổi, tức khả năng một khách hàng xem quảng cáo và thực hiện việc mua hàng, của Meta cao hơn một chút so với TV, lần lượt là 22% và 20%.
Khi kết hợp quảng cáo trên hai nền tảng: TV và Meta, tỷ lệ tiếp cận đạt 43%, cao hơn 10% so với việc kết hợp TV với các phương tiện kỹ thuật số khác.
Theo kết quả nghiên cứu nêu trên, chi phí để tiếp cận một khách hàng mới trên Meta trung bình là 3,9 USD - thấp hơn so với một số hình thức truyền thông khác.
Harjyot Singh, Giám đốc Quảng cáo & Kỹ thuật số tại PepsiCo APAC, đã tham gia sự kiện qua mạng. Ông chia sẻ về việc hợp tác với Meta và cùng Kantar trong chiến dịch quảng cáo của PepsiCo, đặc biệt là sản phẩm Lay's Vị Phở mới ra mắt tại Việt Nam. Snack Lay's của PepsiCo phân phối rộng rãi tại Đông Nam Á, mặc dù mỗi quốc gia có thể có vị khác nhau để phù hợp với khẩu vị địa phương.
Trong khuôn khổ sự kiện của Meta, Gianna Kristen Dela Cruz - Đối tác khoa học tiếp thị của Meta tại Philippines - giới thiệu về Measurement 360, một công cụ quản lý và đo lường quảng cáo. Công cụ này chuyên sâu về kỹ thuật tiếp thị, mặc dù nó khá phức tạp và khó hiểu.